Nguyễn Hữu Hồng Minh: Tay chơi 'nghèo kiết'

Nguyễn Hữu Hồng Minh
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Trong danh sách những nhà thơ hậu hiện đại, Nguyễn Hữu Hồng Minh hẳn là một cái tên đáng kể. Người ta nhắc đến anh trong “những người tiêu biểu”, trong cả những câu chuyện về một thi sĩ “có lửa” lẫn “dị lắm”. Ngoài làm thơ, Nguyễn Hữu Hồng Minh còn được giới văn nghệ biết đến như là một nhạc sĩ. Tối 15/9, là đêm nhạc thứ 6 của anh.

“Tôi làm thơ, viết văn xuôi, sáng tác ca khúc đều bằng những suy tư, khát vọng riêng về cuộc sống. Những phát hiện huyền nhiệm đỉnh trời sẽ bắt đầu từ những tìm kiếm nội tại sâu xa, len lỏi đến tận cùng của cội rễ. Đó là nghệ thuật thuộc về tất cả nhưng sẽ không thuộc về ai. Nếu bạn hết suy tư cuộc đời sẽ chấm dứt sự bí mật tàng ẩn. Cuộc sống khô cằn như đất chết”.                

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Luôn túng nhưng từ chối viết theo đặt hàng

Trong một cuộc trò chuyện, Nguyễn Hữu Hồng Minh kể thời sinh viên từng phải làm đủ thứ nghề “ba lăng nhăng” ngoài sách vở và giảng đường để tồn tại. Sau này, để dành trọn vẹn mình cho việc viết, nhiều giai đoạn anh thất nghiệp. Bạn bè mời cà phê thì câu đầu tiên anh giao hẹn là: mày trả tiền!

“Tôi thường cảm thấy không đủ thời gian nhưng lại viết rất chậm và rất khó. Bởi vậy tôi rất xem trọng thái độ viết. Khi thấy mình có thể bắt đầu, tôi sẵn sàng tạm chia tay bạn bè, môi trường sống, những điều bình dị thân thuộc... để về một nơi xa hẻo lánh, nơi yên ổn để có thể bắt đầu những trang đầu tiên cho cuốn sách”.

Có những giai đoạn anh sống lang thang suốt 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để hoàn chỉnh tập Chất Trụ và viết mở đầu cuốn Vỉa Từ.

Nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng nhận xét về người bạn thân của mình: “Một gã lôi thôi nhếch nhác, chẳng lấy gì làm sạch sẽ thơm tho; có lửa”.

Từ 16 tuổi, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã viết ca khúc đầu tiên “Kỷ niệm xanh” cho một mối tình áo trắng. Đến nay anh khẳng định mình có khoảng hơn 100 ca khúc. Nhiều khán giả thích nhạc của Minh, đặt hàng với giá cao. Anh kể: Tôi không làm được các ca khúc thị trường. Duy nhất tôi có viết một bài theo một hợp đồng cho một công ty Vệ sĩ và được trả 140 triệu đồng. Sau đó tôi từ chối các sáng tác đặt hàng “qua lại” kiểu này vì thấy mất thời gian quá! Mà bị hành xác quá mệt! Nó làm mình cạn kiệt và sợ hãi sáng tạo! Trong khi đúng ra phải là đầy cảm hứng.

Tôi chỉ viết nhạc khi nào thấy mình có nhu cầu ngồi vào đàn. Khi chỉ có một mình và không tìm thấy một con đường nào ngoài lối thoát trong âm nhạc.

Cho đến nay, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã tổ chức được sáu đêm nhạc cá nhân. Hành trình tốn kém này may mắn suôn sẻ vì có các trường đại học, bạn bè, các mạnh thường quân giúp đỡ, tổ chức. Nói là tốn kém bởi trong số bạn bè chơi chung của Minh, có người làm hai chương trình phải bán một ngôi nhà.

“Nghệ thuật thường trả giá rất đắt và thường phản lại các tay mơ”. Đây gần như là câu cửa miệng của anh.

Christophe và những thần tượng

Khác với những sáng tác “ác liệt” của mình, Nguyễn Hữu Hồng Minh trong đời thực lại khiêm cung, nồng nhiệt bất ngờ. Anh nhận nhiều người là thần tượng. Thói quen này gần như trái ngược với những nghệ sĩ khác. Có người mười mươi ảnh hưởng thì vẫn thản nhiên: tôi không có thần tượng!

Trong một lần nhạc sĩ Christophe đến Việt Nam biểu diễn, Nguyễn Hữu Hồng Minh đến gặp ông, với tư cách của một fan. Anh say sưa kể: Christophe chiếm một vị trí khá lớn với lòng người miền Nam một thời. Hình như đã là dân sành điệu Sài Gòn ai cũng phải thuộc một vài ba câu, một vài melody ca khúc của ông. Các đôi lứa yêu nhau càng mê ông như điếu đổ. Ông là một thần tượng đúng nghĩa, một đẳng cấp quốc tế thực thụ. Vừa viết, vừa hòa âm phối khí, vừa hát, biểu diễn”.

Nhờ bạn bè, lần gặp hiếm hoi ấy, Minh có cơ hội nói với thần tượng dăm ba câu. Anh chia sẻ với Tiền Phong:

“Christophe lầu bầu nói với tôi trong hành lang nhà hát Hòa Bình, trước khi buổi chạy chương trình bắt đầu: - “Nóng quá, nóng quá! Tôi không nghĩ xứ sở nhiệt đới này nóng như thế!”. Tôi nói:- “Có lẽ ông cần phải cởi áo khoác ra cho dễ chịu”. Christophe như phát hiện ra điều gì mặt ông sáng lên một chút hớn hở. Thì ra theo thói quen và là ở xứ lạnh, ông lúc nào cũng mặc áo khoác. Tôi nói với Christophe: - “Ông có nghĩ là ở Sài Gòn có một thời từ người lớn đến bé đều mê nhạc ông không?”. Nghe phiên dịch lại, mắt ông như ánh lên một nét vui tươi. Nhưng sau đó trầm xuống ngay: - “Một thời, anh cũng một thời! Thời tôi đã qua rồi!”. Tôi có nói với Christophe những ca khúc đầu tay của tôi có chút ảnh hưởng melody của ông và nhạc Pháp (Còn lại tình yêu, Chiêu tình). Vì tôi rất thích nhạc Pháp. Ông bảo cũng là chuyện thường tình. “Ai rồi cũng phải đi qua những cái bóng để tìm thấy chính mình”. Các vĩ nhân đều thế! Ông nói. “Phải đi qua những cái bóng”. Khẳng quyết của ông đã cho tôi sức mạnh để tiếp tục những tìm kiếm, thể nghiệm của mình trong thi ca, âm nhạc”.

Christophe không phải là thần tượng duy nhất của Hồng Minh. Những bậc thầy âm nhạc đối với anh còn có Wolfgang Amadeus Mozart và Ludwig van Beethoven. Ở Việt Nam, là Văn Cao và Cung Tiến vì cho đến nay “vẫn đặt những câu hỏi lớn về sáng tạo và những vấn đề của sáng tạo”.

Khi được hỏi anh kỳ vọng gì vào những ca khúc của mình sau khi anh đã nhận định: “về âm nhạc ở Sài Gòn, sau những cái bóng lớn của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng... đổ xuống thì gần như đã che khuất, buông trùm hay không cần thêm một cái bóng con con nào nữa”, Nguyễn Hữu Hồng Minh sòng phẳng: Âm nhạc cũng như cuộc đời đâu cần chúng ta, có hay không có chúng ta cũng vậy thôi! Mà cái cần nhận rõ chân diện chính là chúng ta cần cuộc đời và yêu cuộc đời này! Những cái bóng của Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến… quá lớn nhưng rõ ràng cũng đã có Quốc Dũng, Từ Công Phụng, Lê Hựu Hà, Nguyễn Ánh 9, Bảo Chấn, Thanh Tùng… đó thôi! Nếu chúng ta có những cái hay, những phát hiện, những cống hiến thực thụ cho cuộc đời, cho cái đẹp thì cuộc sống sẽ công nhận chúng ta”.  

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Tay chơi 'nghèo kiết' ảnh 1

Nguyễn Hữu Hồng Minh và ca sĩ Khánh Ly

Tôi không đi con đường của Nguyễn Vĩnh Tiến

Năm 1990, Nguyễn Hữu Hồng Minh đoạt giải 3 truyện ngắn Tác phẩm Tuổi Xanh của báo Tiền Phong lần thứ I, mối duyên của anh với Nguyễn Vĩnh Tiến bắt đầu. Thật trùng hợp, Tiến cũng đi con đường của nhà thơ – nhạc sĩ. Khi tôi hỏi, hành trình của Tiến có ảnh hưởng đến anh không? Nguyễn Hữu Hồng Minh đáp lời khá bất ngờ: “Nguyễn Vĩnh Tiến là một người bạn thân của tôi trên 30 năm. Tiến tài hoa, nhiều khả năng, có một đời sống và quan niệm làm nghệ thuật gần như khác hay ngược lại với tôi. Ví dụ như tôi là người phải sống tự lập và sống xa gia đình từ khi rất nhỏ, thời sinh viên đã rời Đà Nẵng vào Sài Gòn lăn lộn học tập, làm nghệ thuật  ngược lại với Tiến đến hôm nay vẫn ở trong vòng tay bảo bọc của gia đình. Âm nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến cho tôi thấy sự yên ấm của hạnh phúc, của bà tôi, chị tôi, ông tôi, dì tôi… Riêng tôi thì thấy đó là những ngợi ca, sự bình yên đó có vẻ giả tạo. Ngoài nó ra cuộc sống rất dữ dội. Nói chung nếu bạn muốn nghe những hạnh phúc, êm ấm thì nên nghe nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến. Còn muốn biết những đổ vỡ, mong manh bất toàn của cuộc đời mà vẫn luôn khát vọng, tìm kiếm xây dựng thì nghe âm nhạc của tôi”.

Nguyễn Hữu Hồng Minh đã xuất bản 11 tác phẩm các lĩnh vực Thi ca, Truyện ngắn, Âm nhạc và Tiểu luận. (Giọng nói mơ hồ, Chất trụ, Vỉa từ, Người ăn bóng, Tháo đáy, Ổ thiên đường, Guitar ánh sáng và bóng tối, Lỗ thủng lịch sử…và nhiều tác phẩm khác). Đặc biệt anh đã hoàn thành bản thảo: “Thơ Việt Nam Hậu chiến” 1000 trang, gồm các Tiểu luận phê bình thơ Việt và tuyển chọn các gương mặt thơ VN sau chiến tranh. Sách sẽ in vào tháng 10/2019.

Lý giải về nỗi buồn cố hữu trong những ca khúc của mình, nhạc sĩ Hồng Minh (cái tên anh dùng để xuất hiện trên sóng truyền hình với comple, cravat “chẳng giống ai”) chia sẻ: Quả đúng là tôi chưa từng viết được một bài hát nào về niềm vui cả! Lạ thế! Nhưng tôi nghĩ, Con người sẽ lớn lên từ nỗi buồn, từ sự suy tư đúng nghĩa! Nghệ thuật sẽ không đi đến đâu nếu không tìm thấy một gương mặt khác của cuộc sống là Nỗi buồn! Nó là gương mặt hiền triết của con Sphin đi qua mọi thách thức, mọi đổ nát thời đại. Tác phẩm thực thụ nó như kim cương bất hoại! Nỗi buồn ở lại với tâm hồn rất lâu trong khi niềm vui, ngày vui qua mau. Nhưng chị có thấy những tác phẩm lớn của thế giới đều xuất phát từ nỗi buồn không? Xuân Diệu từng viết “Trái đất ba phần tư nước mắt / Trôi như hạt lệ giữa không trung…”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.