Nhà hát online: Tình thế hay xu thế?

Vở diễn truyền thống chưa thể chuyển ngay sang nhà hát online Ảnh: KỲ SƠN
Vở diễn truyền thống chưa thể chuyển ngay sang nhà hát online Ảnh: KỲ SƠN
TP - Câu chuyện mở nhà hát online lóe sáng giữa đại dịch, vừa là giải pháp tình thế cũng là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên mới. Tuy thế, nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến ở Việt Nam này còn không ít khắc mắc.

Không khán giả

 Nhà hát online (trực tuyến, truyền hình) được nhắc tới như một lối thoát cho sân khấu thời COVID-19. Trong giai đoạn dịch bùng phát đầu tiên, Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì họp với các nhà hát để lấy ý kiến. Đề án nhà hát online được nêu ra như giải pháp cứu cánh để đưa nghệ thuật đến với đông đảo khán giả. Cục Nghệ thuật Biểu diễn sau đó cũng trình kế hoạch lên Bộ nhằm phối hợp với các kênh truyền thông, tìm kiếm nguồn xã hội hóa, lựa chọn địa điểm thu phát, có phương án hỗ trợ kỹ thuật... Tuy nhiên ý tưởng đó vẫn chưa đi vào hiện thực.

Chưa có nhà hát online nhưng đợt đại dịch thứ hai bùng phát, nhiều chương trình cũng phải thực hiện theo lối nghệ sỹ biểu diễn trong khán phòng trống. Giai điệu Tổ quốc là hòa nhạc do VTV sản xuất, hướng tới Quốc khánh được đầu tư kỹ lưỡng cũng buộc phải chuyển sang hình thức trực tiếp trên truyền hình. Khán giả thay vì đắm mình trong không gian âm nhạc ở Nhà hát Lớn sẽ dõi theo qua màn hình.

Tình thế này cũng khiến chương trình hòa nhạc Điều còn mãi buộc phải phát trực tuyến. Việt Nam muôn năm là chủ đề năm nay, ca ngợi ý chí bất khuất của người Việt Nam mang tính thời sự trong tình cảnh chống chọi đại dịch. Ban tổ chức phát đi thông tin về chương trình online 14h chiều 2/9 để đảm bảo an toàn.

Nhà hát online: Tình thế hay xu thế? ảnh 1


Rằng hay thì thật là hay

 Ý tưởng về nhà hát online có thể khiến nhiều nghệ sỹ biểu diễn hoảng hốt. NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam nêu quan điểm không có gì gọi là điên rồ cả, thế nhưng tại thời điểm này đó vẫn chỉ là ý tưởng trên giấy nên không thể tính xa xôi được. Giới nghệ sỹ sân khấu ủng hộ chủ trương của Bộ VHTTDL, ngặt nỗi họ chưa biết bắt đầu từ đâu để thúc đẩy ý tưởng thành hiện thực. 

Chung tâm trạng với Xuân Bắc, NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thấy lúng túng. “Chúng tôi có nhiều băng ghi hình ở dạng tư liệu lưu trữ, nhưng chúng không thể được dùng để phát online được. Nếu muốn phát triển nhà hát online phải đầu tư kỹ lưỡng, bằng không phản tác dụng”, anh nói. Lấy ví dụ về nhà hát Bolshoi lừng danh nước Nga phát trực tuyến một số tác phẩm đặc sắc, Sĩ Tiến phân tích sở dĩ họ làm được vì có sự chuẩn bị và đầu tư bài bản. Nhà hát online không phải muốn là làm ngay, không thể ăn xổi.

Trước kia sân khấu vẫn được phát trên truyền hình trong dự án Nhà hát truyền hình. Để có được những buổi ghi hình và phát trực tiếp như thế, nghệ sĩ được hỗ trợ kỹ thuật đâu vào đấy: đầu tư hình ảnh, góc quay, ánh sáng chứ không chỉ có một cảnh toàn cố định như cách ghi hình tư liệu ở sân khấu thông thường. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đồng quan điểm, bởi kho video dữ liệu sẵn có cũng không đủ tiêu chuẩn phát online phục vụ khán giả. Có chăng nghệ sĩ chỉ đưa ra một vài trích đoạn để duy trì sự giao lưu, gắn kết với khán giả. Đoàn xiếc lớn nhất nước Pháp Cirque du Soleil hồi đầu mùa dịch cũng phát trên mạng một số chương trình đặc sắc. Ít lâu sau họ phải tuyên bố đóng cửa vì không đủ kinh phí nuôi cỗ máy khổng lồ.

“Điều quan trọng nhất là nguồn kinh phí duy trì cho hình thức nhà hát online này. Từ muôn đời nay, nghệ sỹ biểu diễn sống nhờ sân khấu, nhờ khán giả để có cảm xúc thăng hoa. Nhà hát online có thể là giải pháp tình thế trong thời đại dịch, về lâu dài muốn phát triển cần phải tính được nguồn thu để nghệ sĩ đủ trang trải cuộc sống”, Tống Toàn Thắng nói. Với một tác phẩm sân khấu, tiết mục xiếc nghệ sĩ có thể biểu diễn cả trăm suất, nhưng nếu chỉ phát online chỉ cần diễn một lần sẽ ảnh hưởng lớn tới thu nhập. 

Nhà hát online được xem là một trong những điều quan tâm của Bộ VHTTDL tới đời sống sân khấu, nhưng lại bất khả thi trong bối cảnh hiện tại. Nó cũng chỉ như ném đá ao bèo, chưa phải lối thoát cho sân khấu trong tình thế khó khăn chồng chất khó khăn.

Nhà hát online giống như xem đá bóng qua tivi

NSƯT Sĩ Tiến cho rằng, câu chuyện nhà hát online chẳng khác xem đá bóng qua tivi- cảm xúc khác hẳn tới sân vận động. “Tôi nghĩ cần tính toán thật kỹ chuyện nhà hát online, vì nó ảnh hưởng lớn tới cảm xúc biểu diễn của nghệ sĩ và cả khán giả. Về lâu dài nếu phải sống chung với dịch hoặc ở những hoàn cảnh tương tự, chúng ta phải tính tới hình thức biểu diễn giãn cách: thay vì khán phòng đầy ắp, giờ phải làm loãng ra. Khán giả tới rạp tự có ý thức đeo khẩu trang, sát khuẩn và một số biện pháp sát khuẩn khác”, Sĩ Tiến nói.

Không thể tổ chức biểu diễn trong bối cảnh cấm tụ tập quá 30 người, Nhà hát Kịch Việt Nam tập trung dựng vở mới. NSND Tống Toàn Thắng cho hay đang ngồi lại cùng NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam bàn thảo về tác phẩm kết hợp cải lương và xiếc. Dự án dựng huyền sử này sẽ mở màn với tác phẩm về Chử Đồng Tử và Tiên Dung.

MỚI - NÓNG