Nhầm lẫn qua nhiều thế kỷ đã được sửa chữa!

Nhầm lẫn qua nhiều thế kỷ đã được sửa chữa!
TP - Tháng 10/2008 vừa qua, nhiều nhà khoa học và nhà nghiên cứu lịch sử có uy tín đã có mặt tại Đại học Vinh (Nghệ An) tham dự Hội thảo quốc gia “Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu”.
Nhầm lẫn qua nhiều thế kỷ đã được sửa chữa! ảnh 1
Đền thờ vua Mai tại thung lũng Hùng Sơn

Lần đầu tiên, hàng loạt nghi vấn lớn tồn tại nhiều thế kỷ nay về cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Đường do người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan lãnh đạo đã được giải mã.

Nhiều thập niên qua, đã có những sai lầm lớn trong các sách giáo khoa Lịch sử, phần viết về khởi nghĩa Mai Thúc Loan (còn gọi khởi nghĩa Hoan Châu).

Các nhà biên soạn chưa khái quát được bức tranh kinh tế - xã hội nước ta đầu thế kỷ VIII, chưa làm rõ được gia thế cũng như quá trình chuẩn bị khởi nghĩa của lãnh tụ họ Mai.

Thay vào đó, một số tình tiết trong truyền thuyết như chuyện “cống vải” được khắc họa quá đậm, khiến nhiều thế hệ học sinh nhầm tưởng nỗi cực khổ của đoàn dân phu gánh vải đi cống là nguyên nhân chính của cuộc khởi nghĩa.

Về quy mô, các nhà biên soạn sách giáo khoa (cũng như giáo trình giảng dạy bậc đại học) ghi khởi nghĩa Mai Thúc Loan nổ ra năm Nhâm Tuất (722), cũng trong năm ấy nó bị dập tắt. Đây là một sai lầm lớn, khiến quy mô khởi nghĩa bị méo mó, thành quả của nó gần như không đáng kể!

Chuyện về Mai Thúc Loan thường được kết theo kiểu: Tuy cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo thất bại, song nhờ đó mà “đường đi cống vải từ nay dứt”, Đường triều đã phải xóa bỏ lệ cống vải gây ra bao cực khổ cho người dân nước ta.

“Đường đi cống vải từ nay dứt”

Đúng như chờ đợi của nhiều người, trong cuộc hội thảo tại TP Vinh, lần đầu tiên các nhà khoa học đã công bố hàng loạt nghiên cứu công phu và đáng tin cậy, cho thấy khá rõ bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta thời thuộc Đường, cũng như những tư liệu về gia thế của Mai Thúc Loan, qua đó nêu ra được những nguyên nhân thuyết phục về khởi nghĩa Hoan Châu.

TS Hà Mạnh Khoa, GS Nguyễn Duy Quý, TS Trần Thị Vinh (Viện Khoa học xã hội) trích dẫn các cuốn “An Nam chí”, “Đại việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt sử ký tiền biên”, “Việt điện u linh”... cho thấy vào đầu thế kỷ VIII, các nghề nông nghiệp và thủ công ở nước ta rất phát triển, từ làm ruộng, làm muối, đánh bắt hải sản, đến làm đồ mây, đồ gốm, chế tác vàng bạc đá quý.

Đặc biệt là nghề dệt vải: “Về hàng dệt vải lụa thì có sa cát liễu, sa bình văn tảo tâm có hoa, sa hợp, lụa quang, tơ nhiễu, lĩnh, là, lượt, giầy hài bằng đồ tơ... Họ (quan lại đô hộ) rất thích hai thứ tơ đay và tơ chuối, vì có thể kéo sợi dệt làm vải, mịn như lượt là, nhất là mặc vào mùa nực thì lại càng hợp lắm”.

Tuy kinh tế - xã hội phát triển, song quyền lợi các tầng lớp nhân dân tiếp tục bị chà đạp tàn bạo bởi quan lại đô hộ. Sau khi thay nhà Tùy, nhà Đường thực hiện chính sách đô hộ tinh vi hơn. Bên cạnh mở rộng hệ thống cai trị xuống tận cấp cơ sở (hương, xã), nhà Đường đẩy mạnh bóc lột người dân An Nam qua các hình thức tô (thuế ruộng đất), dung (thuế lao dịch), điệu (thuế thân).

Chúng còn bắt dân ta thường xuyên cống nạp các loại lâm ngư thổ sản, từ những thứ quý hiếm như sừng tê, ngà voi, trầm hương, vàng bạc, ngọc trai, cánh chim trả, đuôi chim công, đến cả những nông sản thông thường như chuối, cau, đậu khấu...

Để ngăn chặn người An Nam nổi dậy, nhà Đường giữ độc quyền mua bán sắt (nguyên liệu chế tạo khí giới) và muối (dễ bề khống chế người miền núi). Nghề muối bị đánh thuế cực cao, mỗi hộ làm muối ở Lục Châu (Quảng Ninh) phải đóng tới 100 hộc gạo/năm. Quan đô hộ bóc lột tàn bạo người miền núi, bắt họ phải đổi một con trâu hoặc một con bò để lấy một hộc muối!

Ngay cuốn “An Nam chí nguyên” của người Trung Quốc viết đầu đời Thanh cũng phải nhận xét “Từ đời Đường, Tống trở về sau càng quá lắm. Bọn tham quan ô lại ngốt vì tiền rừng, bạc bể, coi An Nam là món hàng buôn bán có lời”.

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất: Sưu cao, thuế nặng là nguyên nhân khiến người dân An Nam nổi dậy chống lại ách đô hộ nhà Đường, trong đó nổi bật lên khởi nghĩa Hoan Châu. Đây là cuộc khởi nghĩa có sự chuẩn bị, biết chọn thời cơ, không phải một cuộc bạo động.

Chuyện “cống vải” là một chi tiết của truyền thuyết, cần được ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu, song không thể và không phải là nguyên nhân chính nổ ra cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc do Mai Thúc Loan lãnh đạo.

“Nay ta có chí bình thiên hạ...”

Theo truyền thuyết Mai Thúc Loan sinh ra không có bố. Mẹ ông ở một làng ven biển Ái Châu (Hà Tĩnh), vì dở dang lưu lạc sang nơi rừng sâu núi thẳm huyện Nam Đường - Hoan Châu (nay thuộc xã Nam Thái, Nam Đàn, Nghệ An), sinh con trên tảng đá, dưới một gốc mơ. Mẹ mất sớm, cậu bé Mai Thúc Loan nghèo khổ côi cút phải đi chăn trâu kiếm củi mướn cho những nhà giàu có...

Tuy nhiên, có những nguồn tư liệu khác hẳn truyền thuyết. GS Phan Huy Lê, TS Trần Thị Vinh (Viện Sử học) dẫn cuốn “Việt điện u linh” cho thấy Mai có bố là Mai Sinh, mẹ là Vương Thị, nguyên gốc Lộc Hà - Hà Tĩnh, lưu lạc sang vùng Nam Đàn - Nghệ An.

Năm Mai 10 tuổi, mẹ đi hái củi bị hổ vồ, ít lâu sau bố cũng mất. Mai được người bạn của bố là Đinh Thế đem về nuôi, sau gả con gái là Ngọc Tô cho. Mai khỏe mạnh và giỏi vật.

Ông mở lò vật, lập phường săn, chiêu mộ trai tráng trong vùng mưu việc lớn. Vợ ông giỏi việc nông tang, nhờ đó “gia sản ngày một nhiều, môn hạ ngày một đông”, “thực khách trong nhà thường có đến mấy nghìn người”.

“Việt điện u linh” cũng cho biết Mai học rất giỏi và có chí lớn. Một hôm, chàng trai Mai Thúc Loan nói với người vợ trẻ Ngọc Tô: “Kẻ nam nhi sinh ra không hợp thời, gặp nhiều vận bĩ, ngày tháng trôi qua, nhanh như bánh xe, thật đáng tiếc vậy. Nay ta vốn có chí bình định thiên hạ, đi khắp hải nội để giao kết với hào kiệt bốn phương cùng lập sự nghiệp”.

Nhờ những cuộc du ngoạn lên rừng xuống bể, Mai kết thân được nhiều hào kiệt, sau này khi Mai dựng cờ khởi nghĩa, họ trở thành những tướng tài tụ nghĩa dưới lá cờ của ông, như Phòng Hậu, Thôi Thặng, Đàn Du Vân, Mai Hoành, Tùng Thu, Tiết Anh, Hoắc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sỹ Lâm, Bộ Tân...

Nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến và cộng sự Đinh Lê Yên đã chứng minh nhiều thông tin nêu trong “Việt điện u linh” phù hợp với tộc phả họ Mai ở làng Mai Phụ (Thạch Hà, Hà Tĩnh), thần phả các đền Dục Anh (Cầu Giấy, Hà Nội), đền Điều Yêu (An Dương, Hải Phòng), cho thấy chúng đáng tin cậy.

Nhiều nhà sử học nhận định rất có thể Mai Thúc Loan sinh ra nghèo khổ, nhưng khi lập thân ông đã thuộc tầng lớp hào trưởng và là người có học, có chí lớn.

TS Hà Mạnh Khoa nhận xét: Bộ máy đô hộ nhà Đường “vươn tay” xuống tận hương, xã đã ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như lòng tự tôn của tầng lớp hào trưởng rất có thế lực chính trị và kinh tế trong xã hội làng xã Việt Nam bấy giờ.

Cùng với chính sách bóc lột tàn bạo, đây là nguyên nhân khiến những hào trưởng như Mai Thúc Loan nổi dậy chống lại bọn ngoại bang đô hộ.

Mười năm độc lập cho đất nước

Nhầm lẫn qua nhiều thế kỷ đã được sửa chữa! ảnh 2
GS Phan Huy Lê (phải) và nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến tại sân đền vua Mai

Thành công lớn nhất của Hội thảo “Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu” là đã chứng minh một cách thuyết phục cuộc khởi nghĩa nổ ra vào năm Quý Sửu (713), không phải năm Nhâm Tuất (722).

Trước Hội thảo, đã có nhiều tài liệu chứng minh khởi nghĩa Hoan Châu nổ ra năm 713, trong đó có cuốn “Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử” của Đinh Văn Hiến và Đinh Lê Yên (in 1997, tái bản nhiều lần).

Tuy nhiên, sách giáo khoa phổ thông và giáo trình bậc đại học nhiều năm qua tiếp tục ghi khởi nghĩa nổ ra năm 722, khiến nhiều người bức xúc.

Nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến có sáng kiến lập một trang Web về khởi nghĩa Hoan Châu, trong đó ông khẩn thiết đề nghị mở Hội thảo quốc gia để làm sáng tỏ những vấn đề còn nghi vấn...

Tại Hội thảo, GS Phan Huy Lê phân tích sai lầm về năm nổ ra khởi nghĩa có lẽ xuất phát từ cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” được khắc in năm 1697. Phần “Ngoại kỷ” do cụ Ngô Sỹ Liên biên soạn có viết “Năm 722, tướng giặc là Mai Thúc Loan (?) chiếm giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm ấp, Chân Lạp, số quân nói là 30 vạn.

Vua Đường sai Nội thị Tả giám môn vệ tướng quân là Dương Tư Húc và Đô hộ là Nguyên Sở Khách đánh dẹp yên được”.

Theo GS Phan Huy Lê, cụ Ngô Sỹ Liên đã dựa vào “Tân Đường thư” (phần “Bản kỷ”) của Trung Quốc, phần này chép năm nhà Đường khởi quân đánh dẹp Mai Thúc Loan mà không chép năm Mai khởi nghĩa. Từ sai lầm của “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhiều cuốn sử sau này đã sai lầm theo.

Để khắc phục sai lầm đó, GS Phan Huy Lê trích dẫn các cuốn “An Nam chí lược” của Lê Tắc (1339), “Hương Lãm Mai Đế ký” của Chư Cát Thị (1774), cho thấy khởi nghĩa nổ ra năm Khai Nguyên thứ nhất theo lịch nhà Đường.

Ông cũng dẫn ngay “Tân Đường thư” (phần “Liệt truyện”): “Khai Nguyên năm đầu, người Man ở An Nam là Mai Thúc Loan làm phản, xưng Hắc Đế, dấy dân chúng 32 châu, bên ngoài liên kết với các nước Lâm ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm giữ vùng biển nam...”.

Với các sử liệu đáng tin cậy, GS Phan Huy Lê khẳng định: Khởi nghĩa Hoan Châu nổ ra năm Khai Nguyên thứ nhất tức 713, không phải năm Khai Nguyên thứ mười tức 722 như những ghi chép ở chính sử của ta hiện nay.

TS Trần Thị Vinh dựa vào “Việt điện u linh” cho thấy thêm Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa năm Quý Sửu (713), trong một tuần chiêu mộ được 10 vạn nghĩa binh, đánh hạ phủ thành Hoan Châu thắng lợi. Tháng 4 năm ấy, Mai lên ngôi vua, xưng là Hắc Đế.

Ông cho xây thành lũy, lập kinh đô Vạn An (thuộc xã Vân Diên và thị trấn Nam Đàn hiện nay), tích cực rèn tập tướng sỹ, lại sai người sang các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, phủ dụ họ đem quân hỗ trợ.

Năm Giáp Dần (714), Mai Hắc Đế tiến binh đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Đô hộ Quan Sở Khách cùng đám thuộc hạ không chống lại được, bỏ thành chạy về nước.

Như vậy, từ chỗ đánh chiếm Hoan Châu, lên ngôi vua, củng cố lực lượng, Mai Thúc Loan đã giải phóng toàn bộ đất nước và giữ vững nền độc lập trong 10 năm (713-722), không phải cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo nổ ra và bị dập tắt ngay trong cùng một năm 722 như các tài liệu phổ biến hiện nay.

Tiến tới đại lễ 1.300 năm

Trong phạm vi một cuộc Hội thảo, nhiều vấn đề đặt ra về khởi nghĩa Hoan Châu chưa thể có ngay lời giải đáp.

Trước hết, về gia thế Mai Thúc Loan và công tác chuẩn bị khởi nghĩa của ông còn nhiều chi tiết cần được nghiên cứu thêm mới có thể khẳng định. Đến việc kinh đô có tên Vạn An, vậy quốc hiệu là gì? (GS Phan Huy Lê giả thuyết, tương tự Lý Nam Đế đặt tên nước trùng tên kinh đô là Vạn Xuân, có thể Mai Hắc Đế cũng đặt tên nước là Vạn An).

Quan trọng nhất là mười năm độc lập, ông “Vua Đen” như nhân dân gọi một cách tin yêu đã làm được những gì để dân đỡ khổ so với thời đô hộ? Tiếp đến, nhà Đường tái chiếm An Nam như thế nào?

Theo truyền thuyết cũng như đền miếu, phong tục thờ cúng nhiều địa phương, cuộc kháng chiến chống lại Dương Tư Húc do Mai Hắc Đế (sau khi ông mất vì trọng bệnh, người kế vị là Mai Thiếu Đế, con trai ông) lãnh đạo không chỉ có mỗi trận huyết chiến tại thành Tống Bình như sử Trung Quốc ghi, mà diễn ra ở nhiều nơi trong cả nước, lùi dần từ Tống Bình về Hoan Châu...

GS Phan Huy Lê thay mặt giới sử học khẳng định tuy còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, song năm nổ ra khởi nghĩa Hoan Châu là 713 cũng như triều đại họ Mai tồn tại 10 năm là đã rõ ràng, và đây là vấn đề cần sớm được sửa chữa trong các sách giáo khoa Lịch sử, không thể để chậm trễ thêm nữa.

Lãnh đạo Quân khu 4, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất các việc cần làm nhằm thiết thực kỷ niệm 1.300 năm Khởi nghĩa Hoan Châu (2013), trong đó có việc xây một tượng đài hoành tráng về anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan, tuy nhiên cũng có ý kiến cần thận trọng, lâu nay ta xây khá nhiều tượng đài song thành công thì rất ít.

TS Nguyễn Quang Hồng (Đại học Vinh) đề xuất cần xây một ngôi miếu trong khu vườn thiêng, theo truyền thuyết là nơi vua Mai sinh ra, hiện chỉ có bát hương sơ sài do người dân đặt tạm...

GS Phan Huy Lê và TS Nguyễn Quang Hồng cùng chung ý kiến: Vấn đề cấp bách nhất là cần tiến hành các nghiên cứu khảo cổ học tại nhiều di tích, phế tích về kinh đô Vạn An và các thành lũy của Mai Hắc Đế. Nếu việc này được làm tốt, chúng ta sẽ có nhiều câu trả lời đầy đủ hơn, thuyết phục hơn về khởi nghĩa Hoan Châu.

Đền miếu vua Mai và các thân tướng, thuộc tướng của ông hiện có ở nhiều địa phương Bắc Bộ. Quần thể di tích tại cố đô Vạn An (Nam Đàn, Nghệ An) gồm: Đền thờ vua Mai tại thị trấn Nam Đàn; miếu thờ mẹ vua Mai tại xã Nam Thái; đền thờ Đông dực Đại tướng quân Nguyễn Huynh (Đại tướng giỏi nhất của vua Mai) tại xã Vân Diên... Đặc biệt là đền, miếu, mộ Mai Hắc Đế và Mai Thiếu Đế tại thung lũng thiêng Hùng Sơn thuộc xã Vân Diên.

Tương truyền đây là thành lũy hiểm yếu nhất của nghĩa quân Hoan Châu, nơi an táng Mai Hắc Đế, cũng là nơi Mai Thiếu Đế tử trận, đặt dấu chấm hết cho vương triều họ Mai.

Hằng năm có nhiều kỳ lễ, hội tưởng nhớ vua Mai cùng những người trong gia tộc và tướng sỹ của ông. Quan trọng nhất là Lễ hội đền vua Mai được tổ chức các ngày 13-15 tháng Giêng tại Nam Đàn, Nghệ An.

Trong mưa Xuân lất phất, người dân địa phương và nhiều nơi trong cả nước cùng tụ hội về nơi sông Lam áp sát núi Đụn, tham gia nhiều trò chơi truyền thống như rước kiệu, đua thuyền, đánh vật, chọi gà, đu tiên, hát tuồng, hát ví dặm...

MỚI - NÓNG