Những đại dịch chỉ có trong phim

Cảnh Theo và Kee bình an đi giữa hai làn đạn trong Children of Men
Cảnh Theo và Kee bình an đi giữa hai làn đạn trong Children of Men
TP - Nhiều nhà làm phim mượn bệnh dịch như một hoàn cảnh đặc biệt để kể những câu chuyện đặc biệt, trong đó các nhân vật được thử thách hết mức, từ đó bật lên những giá trị nhân bản. Đặc điểm chung của các bệnh dịch trong phim mới có dưới đây: việc phát hiện nguyên nhân, giải pháp cho chúng vượt quá khả năng nhân loại.

CHILDREN OF MEN (CON CỦA LOÀI NGƯỜI)

Bảo vệ một bà bầu đã là trọng trách rồi, đây lại còn là bà bầu đầu tiên của nhân loại sau 18 năm nữ giới bị vô sinh! Vì thế mà Theo - một nhà hoạt động xã hội đã rút lui về làm một viên chức mẫn cán - lập tức nhận lời với đảng Cá để đưa Kee - người phụ nữ da màu nhập cư đang mang thai tới nơi an toàn: con tàu Ngày Mai - trụ sở của Dự án Nhân loại tìm cách cứu vãn loài người. Trong hoàn cảnh dân nhập cư bị đang nước Anh xua đuổi, thậm chí tàn sát không thương tiếc.

Sau khi một dịch bệnh toàn cầu bí hiểm hoàn tất công cuộc triệt sản nhân loại 18 năm trước thời điểm phim diễn ra, thế giới trở nên hỗn loạn. Điều này được mổ xẻ sâu trong tiểu thuyết gốc của P.D James. Chẳng hạn khát con quá, nên mọi người sinh ra mốt gọi chó mèo là con, mặc quần áo cho chúng và đem chúng đi… rửa tội. Truyện “triệt sản” nam giới, còn nhân vật có bầu là người của đảng Cá - vợ cũ của Theo. 

Kee là nhân vật chỉ có trong phim vì đạo diễn Alfonso Cuarón muốn tái hiện giả thuyết loài người có một thủy tổ từ châu Phi. Ông cũng muốn loài người mới bắt nguồn từ tầng lớp yếu thế bị xua đuổi. Phim tập trung vào cuộc phiêu lưu đầy gay cấn của Theo và Kee. Kee giống như Tân Đức Mẹ, còn Theo tựa Thánh Joseph. Theo không bao giờ cầm súng trong mọi trường hợp, duy nhất một lần buộc phải giết kẻ đang truy sát Kee. Cảnh kinh điển trong phim là binh lính hai bên đang bắn nhau dữ dội đều lập tức buông súng khi bà bầu xuất hiện.

Bất chấp ý tưởng hết sức hoang đường, Alfonso Cuarón đã sử dụng nhuần nhuyễn phong cách phóng sự tài liệu khiến cho bộ phim chân thực đến mức sững sờ. Thực ra những vấn nạn trong phim cũng chính là hiện thực được cường điệu hóa: vấn nạn nhập cư, tỷ lệ sinh thấp ở các nước phát triển, sự tàn phá môi trường…

Theo đạo diễn, tên tiểu thuyết của P.D James lấy từ một câu trong Kinh Thánh: “Chúa khiến loài người trở vào bụi tro; và phán rằng: Hỡi con cái loài người, hãy trở lại”. Thực ra đây cũng là ý tưởng chung của khá nhiều bộ phim tận thế. Dường như các tác giả đều đã hết kiên nhẫn với loài người hiện nay, và chỉ còn trông mong vào thế hệ tương lai. Năm 2017, tạp chí Rolling Stone bầu chọn Children of Men là phim viễn tưởng hay nhất thế kỷ 21.

BLINDNESS (MÙ LÒA)

Giờ nếu nhắm mắt lại thay vì màu đen bạn thấy trắng toát thì cũng mệt đấy. Đã có những hình thức tra tấn đưa nạn nhân vào căn phòng bốn bề sáng trắng. Còn Blindness của đạo diễn người Brazil Fernando Meirelles dựa theo tiểu thuyết cùng tên của José Saramagoche (nhà văn Bồ Đào Nha đoạt Nobel 1998) thay màn đen bằng trắng sữa để khẳng định đây không phải là bệnh mù thông thường, và rất dễ lây. Chẳng mấy chốc cả thế giới đều nhiễm mà không hề có triệu chứng báo trước. Có thể bạn đang lái xe trên đường vào giờ cao điểm và mù luôn. Người miễn nhiễm duy nhất là vai của Julianne Moore - chấp nhận bị lây để theo chồng là bác sĩ mắt (Mark Ruffalow) vào khu cách ly.

Những đại dịch chỉ có trong phim ảnh 1  Sứ mệnh cứu rỗi thuộc về người nhìn thấy trong Blindness

Các khu cách ly trong phim bao giờ cũng từ tệ đến rất tệ (nếu xịn thì lại không có chuyện để thành phim được). Phim này còn hơn cả rất tệ vì người mù tự đi mà chăm sóc bản thân. Phim có những cảnh khỏa thân (mù cả thì còn mặc đồ làm gì) đẹp như tranh. Chẳng hạn cảnh người đàn bà béo bệu nằm trên giường sắt thả hồn theo tiếng nhạc - phút giây thư giãn hiếm hoi trước khi nơi cách ly rơi xuống vực thẳm của bạo lực.

Những cố gắng để đem lại trật tự của vị bác sĩ ngây thơ không hiệu quả. Lý tưởng trật tự đại đồng rút cuộc không thắng nổi sự hỗn loạn may rủi. Một kẻ xã hội đen điên khùng và có súng tự xưng vua và đề ra những luật lệ, đầu tiên là gom hết các khẩu phần ăn lại và bắt mọi người phải đổi bằng những thứ mà họ có. Khi không còn gì để đổi lấy thức ăn nữa thì… Khu cách ly chính là một phòng thí nghiệm về tính người khi bị đẩy vào hoàn cảnh ngặt nghèo. 

PERFECT SENSE (GIÁC QUAN HOÀN HẢO)

Hiếm có phim dịch bệnh nào lại trữ tình như Perfect sense, với đầy đủ cảnh khỏa thân, sex. Và hình như cuối cùng dịch bệnh vẫn gia ân để lại xúc giác cho những người yêu nhau còn cảm nhận nhau. Phim của đạo diễn người Scotland David Mackenzie với sự tham gia của Eva Green và Ewan McGregor khá nhẹ nhõm, chậm rãi, đầy cảm xúc. Càng về sau càng căng thẳng (có xoa dịu khán giả đôi chút trước cao trào kết thúc), nhưng vẫn ít gây hấn hơn cả trong các phim về dịch bệnh. Thậm chí có những đoạn xem không khỏi không bật cười về sự ngộ nghĩnh và yếu ớt của loài người. Dịch bệnh chỉ là cái cớ để phim nhấn mạnh sự bất lực đó, đồng thời tuyên xưng sự tối thượng của tình yêu. 

Phim dừng lại ở cái kết “tiền đồ chị Dậu” đúng nghĩa chứ không thèm có hậu như các phim đại dịch, thảm họa khác. Nhưng dù sao khán giả vẫn thở phào: ít ra hai nhân vật chính vẫn còn tìm thấy nhau. Cho dù cuộc tình của họ có dấu hiệu bị virus tác động, nhưng trong hoàn cảnh đó thì còn kén chọn gì?! Phim giống như muốn cảnh tỉnh những người lười yêu, hoặc hay so đo tính toán khi yêu. Còn với những ai vẫn neo đơn trong thời khắc “tận thế” thì sao nhỉ? Chắc khi ấy Thượng Đế sẽ ở bên họ. Cũng như khi mọi giác quan thông thường tiêu biến, sẽ hiện ra Giác quan Tối hậu?!

LOS ÚLTIMOS DÍAS (NHỮNG NGÀY CUỐI)

Phim của anh em đạo diễn Tây Ban Nha David và Àlex Pastor đóng góp cho điện ảnh thế giới một loại bệnh dịch khá… thú vị. Đùng một cái, mọi người cứ bước chân ra ngoài trời là hoảng hốt và tim ngừng đập. Bệnh dịch này chính phiên bản kinh dị hóa của vài chứng bệnh hiếm có thật là sợ khoảng trống (agoraphobia) và sợ giao tiếp (hikikomori).

Tóm lại khi bệnh dịch đã lan rộng thì ai đang ở đâu thì cứ ở nguyên đấy. Lời nhất là những người đang ở siêu thị - nơi có sẵn nhiều đồ ăn. Nhưng rồi lại thành nơi nguy hiểm nhất vì mọi người bắt đầu xây chiến lũy đánh nhau.

Những đại dịch chỉ có trong phim ảnh 2 Cuối cùng chỉ còn lại tình yêu và giác quan tối thiểu để cảm nhận nó…

Kỹ sư máy tính Marc cùng các đồng nghiệp phải đào một đường hầm từ văn phòng thông ra hệ thống cống ngầm của thành phố, để từ đó có thể tỏa đi các nơi. Marc nóng lòng muốn tìm cô người yêu vừa có thai Julia. Muốn thế, anh phải hợp tác với tay quản lý khó tính Enrique cũng đang muốn kiếm người thân duy nhất: ông bố đang nằm viện. Và Marc sẽ phải làm gì khi nhìn thấy người yêu ngay bên kia đường, nhưng không có đường hầm nào để nối hai người?

Phim khá kịch tính và mang những nét lãng mạn đặc trưng Tây Ban Nha. Chẳng hạn Enrique chuyên đi nhặt nhạnh các hạt giống (hẳn là đã chín) trong các túi ngũ cốc, hoặc bánh mì. Nhưng sau này khi trồng xuống chúng đều mọc. Thông điệp của phim hẳn là: Thay vì giam mình cả đời trong các tòa nhà có điều hòa, chúng ta hãy ra ngoài, chọn cách sống cân bằng, hòa hợp với thiên nhiên. Cũng như Children of Men, Los Últimos Días nhấn mạnh: Trẻ em là tương lai của thế giới.

Trong khi xã hội trong 4 bức tường cách ly đang đấu tranh quyết liệt thì xã hội bên ngoài thế nào. Đã gọi là dịch bệnh của Chúa thì những bức tường cách ly đâu ý nghĩa gì. Blindness có cảnh nhân vật chính ghé vào nhà thờ và thấy tất cả các tượng thánh đều đeo băng vải che mắt - lý do khiến cả thế giới bị mù chăng?

MỚI - NÓNG