Phát lộ bãi cọc gỗ Bạch Đằng ở Hải Phòng

Cọc gỗ tại hố khai quật ở Cao Quỳ, Hải Phòng có đường kính lớn hơn bãi cọc ở Quảng Ninh. Ảnh: VKC
Cọc gỗ tại hố khai quật ở Cao Quỳ, Hải Phòng có đường kính lớn hơn bãi cọc ở Quảng Ninh. Ảnh: VKC
TP - TS Bùi Văn Hiếu, Viện Khảo cổ học Việt Nam chủ trì khai quật bãi cọc Cao Quỳ, Hải Phòng cho biết, bước đầu các nhà khảo cổ nhận định bãi cọc này liên quan tới cuộc chiến chống xâm lược của quân và dân triều Trần (1226 - 1400).

Lộ thêm hàng chục cọc gỗ

Chiến thắng lịch sử Bạch Đằng của quân dân triều Trần chép trong sử sách, được bổ sung thêm chứng tích cụ thể qua phát hiện khảo cổ ở bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa ở Quảng Ninh. Mới đây nhất bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) được phát lộ, góp thêm chứng tích về chiến thắng lịch sử của nhà Trần.

Bãi cọc Cao Quỳ phát lộ do người dân đào được hai thân cây gỗ ở nghĩa trang làng văn hóa Mai Động nằm trong đê bao sông Đá Bạc. Khi được phát hiện, hai chiếc cọc có bề mặt màu nâu đen, thân trụ tròn một phần còn nhẵn bóng và hơi vát nghiêng. Cọc cao khoảng 3-4m, với đường kính hơn 30cm và được đóng vào lớp phù sa màu hồng. UBND xã Liên Khê báo cáo ngay với UBND huyện Thủy Nguyên ngày 2/10/2019. Ngay hôm sau, đại diện Bảo tàng Hải Phòng xuống hiện trường khảo sát, kiểm tra và lấy mẫu cọc được phát hiện gửi Viện Khảo cổ học giám định niên đại.

Trước khi có đề xuất khai quật, đoàn khảo sát của TS Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học làm Trưởng đoàn, đoàn khảo sát do TS Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam làm trưởng đoàn xuống hiện trường khảo sát lần hai vào đầu tháng 11. Đợt khảo sát này phát hiện 9 đầu cọc. Kết quả giám định C14 cho niên đại 1270-1430 AD (tức cuối thế kỷ 13 đến giữa thế kỷ 15).

Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hải Phòng đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ. Ngày 22/11, Bộ VHTTDL chấp thuận, ngày 27/11, đoàn khai quật do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hải Phòng bắt đầu khai quật.

Sau gần một tháng khai quật 950m2 với ba hố khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện 27 cọc (H1 diện tích khai quật 280m2, phát hiện 17 cọc; H2 diện tích khai quật 198m2, phát hiện 2 cọc, và H3 diện tích khai quật 472m2, phát hiện 8 cọc). Dịp này, Viện cũng tiếp tục khảo sát các di tích, dòng sông cổ, các bến cổ thuộc xã Liên Khê.

Nhân dân địa phương cũng cung cấp thêm thông tin về cọc gỗ. Cụ thể gia đình ông Nguyễn Công Từ, bà Nguyễn Thị Chế làng Mai Động, cách đây khoảng 30 năm, trong quá trình canh tác trên cánh đồng Cao Quỳ (sát hố H1) có thấy 10 cọc gỗ. Ông Trần Văn Do làng Quỳ Khê phát hiện ba cọc gỗ tại cánh đồng thôn vào những năm 1970, đường kính cọc từ 35 đến 50cm. Tại đầu Núi Chẹo và Hang Trê, thôn 7, làng Qùy Khê người dân phát hiện 11 cọc gỗ…

Trong quá trình khảo cổ, các nhà khoa học còn nghiên cứu các di tích đền Thụ Khê, chùa Mai Động, chùa Thiểm Khê liên quan chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1993. Những di tích này còn ghi đậm dấu ấn vào 1288, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn về đây khảo sát trận địa, tập luyện binh mã cho trận chiến chống quân Mông - Nguyên năm 1288.

Bãi cọc quý thời Trần

TS Bùi Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học Việt Nam là người chủ trì khai quật bãi cọc Cao Quỳ. Kết quả sơ bộ cho thấy các cọc phân bố theo chiều đông - tây, đường kính từ 26 - 46cm, trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo, các cọc phân bố không thẳng hàng. Căn cứ kết quả giám định niên đại cho thấy các cọc gỗ có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ 13.

TS Bùi Văn Hiếu xác nhận với Tiền Phong rằng việc phát hiện dấu tích bãi cọc Cao Quỳ, căn cứ vào kết quả khai quật cũng như kết quả mẫu niên địa gỗ bằng phương pháp C14, kết hợp phân tích tài liệu lịch sử ghi chép lại, bước đầu đoàn công tác nhận định đây có thể là chiến địa liên quan quân, dân triều Trần.

Phát lộ bãi cọc gỗ Bạch Đằng ở Hải Phòng ảnh 1 Viện Khảo cổ học xác nhận bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 Ảnh: VKC

“Chúng tôi nhận định sơ bộ bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288). Bãi cọc có thể nhằm mục đích ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Mông - Nguyên đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông - Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên với quốc gia Đại Việt”, ông Hiếu nói.

Bãi cọc Đồng Vạn Muối và bãi cọc Đồng Má Ngựa (Quảng Ninh) có quy mô rộng lớn hơn với hàng trăm cọc phát lộ, thêm hàng chục cọc ở bãi Cao Quỳ càng góp phần khẳng định giá trị lịch sử, khảo cổ xung quanh chiến thắng Bạch Đằng. Khi được hỏi về tính khác biệt của bãi cọc Cao Quỳ so với hai bãi cọc trước đó, TS Bùi Văn Hiếu phân tích cọc gỗ ở Cao Quỳ có đường kính lớn hơn, đầu cọc được chặt khá bằng.

Về phương pháp phát huy di vật sau quá trình khai quật, TS Bùi Văn Hiếu cho rằng, nên xây dựng khu trưng bày ngoài trời tạo nên điểm tham quan di tích, học tập lịch sử nhằm giáo dục sinh động hơn về chiến thắng lịch sử Bạch Đằng.

Ngày 21/12, UBND TP Hải Phòng phối hợp Viện Khảo cổ tổ chức hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ. Tại đây các nhà khảo cổ đầu ngành, Viện Khảo cổ trình bày kết quả khai quật, cùng với những nhận định khoa học và bàn thảo giải pháp bảo quản bảo tồn và trưng bày hiện vật.

MỚI - NÓNG