Phát triển ồ ạt du lịch Homestay: Thiếu bền vững

Du khách nước ngoài tìm về các homestay ở bãi biển An Bàng Ảnh: Giang Thanh
Du khách nước ngoài tìm về các homestay ở bãi biển An Bàng Ảnh: Giang Thanh
TP - “Cứ ồ ạt như thế này thì Hội An sẽ gánh thêm một lượng lớn rác thải nhựa, quá tải lưu thông, mất luôn du lịch sinh thái cộng đồng …”- ông Lê Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Homestay Hội An lo lắng.

Chúng tôi tìm đến một số căn homestay nằm trung tâm thành phố Hội An. Dù được quảng cáo với những từ rất mát mẻ như có “nhà vườn”, “xanh”…nhưng khi đến chỉ có mấy chậu hoa treo trước cửa. Dãy phòng nằm phía sau, mỗi phòng rộng tầm 20m2, thiếu khoảng không để thư giãn. Khi được yêu cầu nấu bữa sáng, chủ nhà báo không làm được “vì bận nhiều việc”.

Ông Thuận chia sẻ, nhắc đến homestay là người ta hình dung đến căn nhà có sân vườn, không gian yên ả, du khách tới đó tận hưởng. Ông dẫn chứng nhà dân tầm 200 - 300m2, chủ nhà sẽ ở phía sau, làm thêm vài phòng cho khách, dành mảnh đất nhỏ làm vườn để khách thư giãn, ngắm cảnh... Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế, cứ sai dần dần rồi mất luôn những homestay đúng nghĩa. Việc cho phép xây homestay diện tích 100m2 đã khiến du khách bít bưng mọi hoạt động giao lưu, trải nghiệm, phá vỡ sự phát triển bền vững.

“Bền vững là phải có yếu tố “xanh”, có không gian, hệ sinh thái tốt, có nguồn thu, lượng khách dồi dào… Trong khi đó nhà 100m đầu tư homestay thì làm sao có đủ các tiêu chí này? Anh thu mỗi người 150- 300 ngàn đồng/ngày thì đố dám chi tiền ra để mua ống hút tre, đồ dùng thân thiện môi trường. Cứ sắm toàn đồ nhựa, dùng một lần rồi vứt. Vậy là tạo gánh nặng cho môi trường rồi”, ông thẳng thắn. Còn ở góc độ văn hóa, nếu làm homestay như vậy khách sẽ “mù tịt”, đánh giá sai lệch con người, vùng đất Hội An này. Khách nước ngoài đã phản ứng rất kịch liệt việc homestay Hội An biến tướng.

Chia sẻ với Tiền Phong, một chủ homestay thành thật, vì cơ sở của mình đơn thuần chỉ là chỗ ngủ nghỉ nên không dám để giá cao, cũng không dám “kén” khách. “Thời điểm cuối tuần, nhiều nhóm ở các tỉnh thành lân cận kéo về mang theo loa kẹo kéo, ăn nhậu hát hò suốt đêm làm khách nước ngoài “khiếp đảm”. Khi rời đi họ đã để lại bình luận rất tệ trên trang đặt phòng. “Chúng tôi bị liệt vào “danh sách đen”, khó kiếm được nguồn khách ổn định, lâu dài”, vị này ngao ngán.

Theo ông Thuận, thị phần homestay giá rẻ vẫn phải có để đáp ứng nhu cầu của du khách, tuy nhiên Hội An có nhiều lợi thế, sẵn tài nguyên sông, biển, văn hóa… cần phải suy nghĩ thêm về dòng khách. Nếu không sẽ sớm chặt đứt con đường phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Làm không tốt, sẽ tự đào thải

Sau một buổi sáng lục tung phố cổ vẫn không tìm ra căn homestay nào ưng ý, nhóm bạn của chị Nguyễn Thị Nhung (37 tuổi, Hà Nội) chạy ra vùng ven biển An Bàng. Ngôi nhà rộng rãi, có sân uống trà, mắc võng, mát rượi dưới vòm cây đã níu chân cả nhóm. Dù giá từ 600 - 900 ngàn/phòng, nhưng cả nhóm vẫn rất hài lòng, vì được chủ nhà dẫn đi tắm biển, dạo quanh xóm, xem họ làm bữa sáng với những món đặc trưng Quảng Nam.

Hiện tại, du khách đang đổ về homestay An Bàng, bởi không chỉ rộng rãi, mà còn có nhiều yếu tố cuốn hút khác như gia đình có 3 thế hệ sinh sống, nhân thân gia đình chủ tốt, được trải nghiệm cuộc sống cùng người dân địa phương...

 Theo ông Thuận, đời sống vật chất tăng thì nhu cầu hưởng thụ của người dân sẽ tăng theo. Những homestay giá rẻ đang thoái trào và sẽ tự đào thải khi du khách ở Hội An dịch chuyển về những khu vực có dịch vụ homestay đúng nghĩa. Ông lưu ý hộ kinh doanh loại hình lưu trú này không nên ham nhiều phòng, mà chú trọng vào chất lượng để có cơ sở nâng giá, chắc chắn thu nhập sẽ ổn hơn. Đó cũng là hành động góp phần vào du lịch bền vững. “Hiệp hội homestay Hội An kiến nghị thành phố có biện pháp điều chỉnh. Nên chăng gọi những homestay nhỏ, chật  hiện nay là motel, guesthouse... để trả lại những homestay đúng nghĩa, tiếp tục là một sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng của Hội An như nhiều năm qua thành phố đã xây dựng”, ông đề xuất.     

Ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP Hội An  cho hay: Hội An đã đi con đường du lịch cộng đồng với mong muốn mọi người dân đều có thể tham gia làm du lịch với hai tư cách: một là chủ thể làm dịch vụ và hai là người được hưởng lợi.

Homestay là hướng đi để cộng đồng được hưởng lợi từ du lịch. Sắp tới đây, UBND TP chủ trương xây dựng thành phố du lịch thông minh, du khách có thể trực tiếp phản hồi về các trải nghiệm dịch vụ. Về lâu dài, điều này sẽ góp phần điều tiết các dịch vụ du lịch ở địa phương nói chung và dịch vụ lưu trú nói riêng. Cơ chế thị trường sẽ tự điều chỉnh, nếu anh làm không tốt, không đáp ứng được kỳ vọng của du khách anh sẽ tự loại bỏ mình. 

MỚI - NÓNG