Phó Đức Phương, Phú Quang trong hồi ức Mỹ Linh

TP - Mỹ Linh và Phó Đức Phương làm nên một dấu mốc không phai mờ trong V-pop, nhưng thành công của Trên đình phù vân đồng thời cũng kết thúc sự hợp tác của hai người trong âm nhạc. Tuy nhiên, ít ai còn nhớ cùng thời điểm đó Mỹ Linh thu âm khá hệ thống và đã phát hành album chuyên hát Phú Quang Cho một người tình xa. Dịp này, hai liveshow của hai nhạc sĩ diễn ra cùng thời điểm cả hai cùng lâm trọng bệnh, diva kể lại…
Phó Đức Phương, Phú Quang trong hồi ức Mỹ Linh ảnh 1

Mỹ Linh từng có mối quan hệ âm nhạc gần gũi với Phú Quang, Phó Đức Phương dù độ đậm sâu có khác...

Mối quan hệ trong âm nhạc của Mỹ Linh và Phú Quang bắt đầu và kết thúc như thế nào?

Chẳng kết thúc gì. Lúc nào có show thì chú mời thôi. Mỗi người sẽ tìm thấy những gì phù hợp với mình trong từng giai đoạn. Hồi đó mới bắt đầu vào Sài Gòn, cũng khá có tiếng rồi, hát Chị tôi rồi thì chú mời thu. Chú Quang khá kỹ tính, không phải ca sĩ trẻ nào cũng được hát nhạc của chú.

Lúc đó, Mỹ Linh cảm nhận thế nào về nhạc Phú Quang?

Hát thấy xúc động. Vì tất cả các bài của chú lời đều rất hay. Đó là những bài thơ tuyệt đỉnh. Chú Quang lại chắt lọc được những phần tinh túy nhất của những bài thơ đấy. Chú là người thẩm thơ rất tốt. Không phải ai cũng làm được thế, khó đấy. Chú ấy nhặt chỗ này một chút nhặt chỗ kia một chút, nhiều dụng công .. Đâm ra người ta mới nhớ đến nhạc của chú nhiều thế, chứ bê nguyên cả vào thì có lẽ không thành công như thế đâu. Vì khán giả thời của chú thần tượng chú là dân viết lách, có nền tảng giáo dục tốt. Nên họ cảm được phần lời. Còn phần nhạc thì độ đột phá ở mỗi bài mỗi khác. Nhưng nói chung nhạc và lời cặp vào nhau thành bộ đôi hoàn hảo, trở thành những ca khúc làm nên một thời của một số người chứ không phải đơn giản.

“Hồi đấy chú Quang hay tổ chức lắm, một năm phải vài show. Mình dạng như kiểu ca sĩ ruột ấy, hát xong show, những người khác bay về, mình thì ở lại chục ngày hai chục ngày thu. Thu chưa hay thì thời gian lại kéo dài ra. Vì phòng thu tại nhà chú Quang ngày ấy đơn sơ lắm. Nó bé đến mức không được bật máy lạnh. Nóng như thế mà cứ bắt đầu hát thì tắt máy lạnh. Hát xong ra vắt áo luôn. Bởi tiếng máy lạnh bắt vào mic không được. Hồi đấy hát hết, có nhạc bài gì là thu hết”.

Chú Quang rất thành công. Bản thân chú cũng là dân kèn thổi kèn Cor thành ra chú có nền tảng âm nhạc rất tốt. Thời đấy tự phối khí được cũng không phải đơn giản. Chỉ các nhạc sĩ trẻ chứ lớn tuổi mấy ai phối được đâu. Nếu tính ra chỉ có Phú Quang, Bảo Chấn… có thể tự phối. Đó là lợi thế của Phú Quang. Chú rất giỏi. Sự nổi tiếng, thành công của chú xứng đáng với tài năng của chú.

Hồi đấy chú Quang mời Linh vào để thu rất nhiều ca khúc của chú, cũng là một vinh dự. Vì mình là ca sĩ trẻ, lại được giao toàn bài đinh, bài khó, như Hà Nội ngày trở về. Hát cứ gọi là… vỡ cả mật ra. Tại thời ấy trình độ của mình không được như bây giờ. Còn non mà. Chỉ có cảm xúc rất là trong trẻo, trong hơn bây giờ nhiều. Đương nhiên rồi, lúc đấy mới có mười tám đôi mươi. Cũng ngưỡng mộ chú, ngưỡng mộ cô. Cô Nhung dễ thương lắm, cả mấy người con của cô chú. Gia đình rất đáng yêu ở khu Thị Nghè.

Việc ca sĩ sống dài ngày ở nhà nhạc sĩ kể cũng hiếm?

Thì cùng dân Bắc với nhau, mà cô Nhung lại rất quý người. Hồi Nguyên Thảo thu album đầu tay cũng ở nhà mình cả tháng. Chuyện đấy hết sức bình thường. Toàn những người nồng hậu, quý khách. Giờ mình nghĩ lại vẫn cảm thấy ấm áp, đặc biệt mình nhớ cô Nhung nhiều hơn nhớ chú Quang. Sự nồng hậu của một người phụ nữ đã đẹp lại giỏi. Cô Nhung thổi sáo hay lắm. Cô cháu có nhiều đồng cảm.

Tình cảm sau đó vẫn duy trì. Chỉ có là, ai cũng thế thôi, khi mình trưởng thành hơn, mình muốn tìm hiểu những thứ khác. Ngoài ra Linh còn khao khát có những bài hát mang tên mình. Còn nếu có hát nhạc chú Quang thì cũng như hát nhạc Trịnh hay nhạc chú Dương Thụ. Đó là những bài hit đã sẵn nổi tiếng và rất nhiều người hát. Mình chỉ thêm một chút vào bức tranh chung của các chú thôi. Hát những bài mang tính cá nhân của mình, những bài viết cho mình - là mong ước bình thường của tất cả các ca sĩ.

Vậy có một lần nào đó Phú Quang mời thu nhưng Mỹ Linh đã không nhận lời?

Cái đặc sản và cũng là may mắn của Linh là chỉ nhớ những gì đẹp. Sau này có lần mẹ đẻ Linh ngạc nhiên: “Mày không nhớ gì à, não mày bị hỏng à?”. Thì Linh trả lời: “Vâng, não con bị hỏng theo một cách tốt”. Còn Anh Quân bảo: “Anh chỉ mong sao được như em. Không thích gì là anh xóa”. Đấy là lợi thế. Tại vì bắt đầu có cái gì đó không hay là mình chạy trước. Bao giờ cũng thế, mình không chữa (các quan hệ). Bởi mình biết tất cả các mối quan hệ bao giờ cũng sẽ có lúc rất OK, cho đến khi một người trưởng thành thì nó sẽ không còn hoàn chỉnh, và người đấy sẽ đi tìm một phần khác để phù hợp với mình. Chuyện này hết sức bình thường.

Khi thu âm, Phú Quang hướng dẫn chỉ bảo ca sĩ thế nào?

Cũng không hướng dẫn kỹ càng lắm, chú để cho tự cảm nhận. Chú cũng tôn trọng. Chú với chú Phương hoàn toàn khác. Chú Phương là phải chỉnh từng nốt, từng chỗ phải đúng, y chang bản nhạc. Còn chú Quang thoải mái hơn. Chú Quang là dân nhạc mà nên có độ trân trọng tính cá nhân hơn. Còn chú Phương nghe nói chú ấy dạy Toán (cười), nên là nó chỉ có một công thức thôi. Nó cứ chính xác.

Xem ra sự đứt đoạn giữa Mỹ Linh và Phó Đức Phương không hẳn là vì Mỹ Linh mải “vui duyên mới” với ban nhạc Anh Em mà chính do phản ứng từ phía nhạc sĩ?

Chú Phó Đức Phương hoàn toàn không hài lòng (với cách Mỹ Linh hát Trên đỉnh phù vân). Với cả Trên đỉnh phù vân hay Chảy đi sông ơi đều thu cho kịch, hết kịch thì thôi làm gì còn bài gì nữa. Chú Phương không phải sáng tác như kiểu chú Quang: cứ thấy thơ hay là phổ nhạc. Thành ra lượng bài của hai người là rất chênh lệch. Nên mình thu cho chú Phương hết kịch thì thôi. Với lúc đấy mình cũng đang bận rộn…

Mọi người cứ hay đặt nặng những chuyện đấy, Linh thấy bình thường. Với nhạc chú Phương hát 1-2 bài thôi, chứ toàn hát nhạc chú ấy sao nổi vì nó quá mãnh liệt. Mà người nào cứ mãnh liệt từ đầu đến cuối thì mệt lắm. Nó phải có độ lặng lại để cảm nhận nhau rồi lại tiếp tục chứ…

Dù sao Mỹ Linh cũng đã kịp ghi dấu ấn riêng không thể tẩy xóa với  Trên đỉnh phù vân?

Nó ghi dấu vì mình mang nó vào chương trình Duyên dáng Việt Nam 5 và nó là hiện tượng của thời đó. Bốn đêm liền, người ta vỗ tay không mệt, cứ hát một câu vỗ tay một câu. Thành công của bài hát mới dội ngược ra Hà Nội. Chứ lúc đầu mới hát (trong kịch) có ai quan tâm đâu, chả ai biết bài đó là bài gì. Sau chương trình Duyên dáng Việt Nam đấy, mình gọi điện ra khoe: “Chú ơi thích lắm, tuyệt vời lắm”… “Thế hả cháu”, ông vui lắm. Cho đến khi ông nghe được bản thu âm đêm diễn, dội luôn gáo nước lạnh: “Không được, không được! Hoàn toàn khác ý chú rồi”. Thế là thôi. Không ai nói ai cả nhưng vẫn có kiểu giận giận nhau…

Nhưng mà như thế cũng khó đấy. Nếu mình mà là chú Phương nhé, kể cả khác nhưng nếu thực sự nó khoác một cái áo mới cho suy nghĩ của mình thì cũng có thể chấp nhận được chứ nhỉ. Tại sao cứ phải nhất định như thế. Như vậy tính định kiến rất cao. Chú ấy đóng trong một cái hộp và tất cả chỉ được ở trong đấy thôi, không được bước ra ngoài. Thì tính của Linh lại hoàn toàn khác. Linh cực kỳ rộng mở. Kể cả bây giờ mình chơi với bọn 19-20 tuổi. Cái nó thấy hay, mình cũng có thể thấy hay. Chứ mình không bắt nó phải theo những cái mình thấy hay. Chính vì cởi mở thì thời đấy mới có thể nghe được nhạc Anh Quân - Huy Tuấn chứ mọi người có nghe đâu. Mọi người cho rằng đấy là một thứ nhạc Tây, vớ vẩn, kiểu thế… Thành ra mình với chú Phương cũng khó để tiếp tục thăng hoa trong âm nhạc. Chú là chú, mình là mình mà. Tôi phải có cái tôi của tôi. Người ta chỉ nhớ vì tôi có tôi ở trong đấy. Chứ tôi lại là cơ quan phát ngôn của ông Phương thì chán chết.

Thực ra Mỹ Linh chỉ thay vài nốt đầu của bài từ âm hưởng nhạc Phật kiểu Tây Tạng thành ca trù thôi mà nhỉ?

Mình cho thế là sáng tạo. Vả lại trước đó đã có bản thu âm đúng ý nhạc sĩ rồi, lúc diễn phải khác. Thực ra chú đã bắt Linh thu đi thu lại rất nhiều lần, đến nỗi người thu là chú Phó Đức Vạn - anh ruột chú Phương cũng phát cáu, bảo: “Nó đã hát hay thế rồi, cậu còn muốn gì nữa?!”. Thế là chú Phương mới thôi không bắt thu tiếp.

Sự kết hợp giữa Phó Đức Phương và Mỹ Linh dừng lại giữa những năm 1990 với 4 ca khúc. Cho đến tận liveshow được đầu tư nhiều nhất của Phó Đức Phương lấy bài Trên đỉnh phù vân làm chủ đề vào cuối 2016, Mỹ Linh vẫn không có mặt. “Thực ra mình cũng thương chú”, diva tâm sự. “Nếu mời mình cũng nhận. Mà đã nhận cũng chả lấy đồng nào đâu, nhưng mà chú không mời”. Tuy nhiên có thể xem đêm nhạc 10/7 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội đánh dấu sự đoàn tụ của hai người. Trong đêm nhạc này, Mỹ Linh sẽ hát lại Trên đỉnh phù vân và Chảy đi sông ơi. Cũng là để nhắc nhớ một thời nhạc sĩ đã mang từng nải chuối, từng quả dưa hấu đến tận nhà Mỹ Linh hồi còn ở Khương Trung để tập bài cho cô ca sĩ trẻ, khiến bố mẹ cô rất cảm động. Cứ cầm tay nhạc sĩ nói: “Có gì anh chỉ bảo giúp đỡ em nó với nhé!”.

MỚI - NÓNG