Quanh vụ Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh bị kỷ luật Đảng: Thăng, giáng Chánh văn phòng

Ông Vũ Quốc Khánh (chỉ tay) trên ghế Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật một cuộc thi ảnh gần đây. Ảnh: VAPA
Ông Vũ Quốc Khánh (chỉ tay) trên ghế Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật một cuộc thi ảnh gần đây. Ảnh: VAPA
TP - Trong quá trình làm Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, ông Vũ Quốc Khánh mắc phốt không ít, từ vụ tự chấm giải cho mình, trao nhầm giải của Hội cho cuốn sách đạo văn của Trần Mạnh Thường. Thêm vụ cất nhắc cán bộ sai nguyên tắc góp phần khiến ông bị kỷ luật Đảng. Trong khi đó, các hội viên tiếp tục đặt câu hỏi về tài chính thiếu minh bạch.

BÍ THƯ QUÊN SINH HOẠT ÐẢNG

Một nguyên nhân nữa khiến ông Khánh bị cảnh cáo: Ba năm ở cương vị Bí thư Chi bộ Văn phòng Hội, ông chỉ họp Đảng 4 lần (thay vì hàng tháng). Ông Khánh phân bua: “Đấy là lỗi nặng nhất. Tôi làm bên Hội vẫn rất tốt, rất chuyên nghiệp. Buồn nhất là chả ai nhắc Bí thư, đến lúc Bí thư bị thì… Khổ thế!” Trong khi ông Tiễn kể từng nhắc ông Khánh họp Đảng nhiều hơn trong một cuộc họp đầu 2018.

Ông Khánh lý giải nguồn cơn không họp Đảng: Bận công tác Hội và không nắm hết quy định của Đảng. Nhiệm kỳ 1 ông vẫn sinh hoạt Đảng tại Thông tấn xã Việt Nam, nơi ông làm TBT Báo ảnh Việt Nam kiêm Giám đốc NXB Thông Tấn trước khi về hưu. Nhiệm kỳ 2, ông mới nhận chức Bí thư chi bộ Văn phòng Hội NSNA. Ông cho rằng kỷ luật Đảng của ông tại chi bộ gồm 11 Đảng viên này không liên quan đến chính quyền. Tức là chả việc gì ông phải từ chức Chủ tịch Hội hay cũng phải bị kỷ luật về mặt Nhà nước như thắc mắc của một số hội viên. Về việc có điều hành Đại hội toàn quốc tới đây không, ông cho hay còn phải thông qua cấp trên.

Trong khi đó, Trương Hoàng Thêm dẫn quy chế: Hội viên bị kỷ luật (không nói rõ là kỷ luật Đảng hay kỷ luật Hội- PV) trong khóa 8 không được bầu dự đại hội cấp trên, để khẳng định Chủ tịch đương nhiệm không nên có mặt tại ĐH toàn quốc. “Nếu sắp tới anh Khánh dự đại hội thì phức tạp vì anh em sẽ đặt vấn đề tiêu chuẩn đại biểu, sẽ chất vấn Ban Kiểm tra về tư cách đại biểu,” ông Thêm nói.

Ông Khánh cho phóng viên biết: Giữa 2019 thăm dò tín nhiệm Chủ tịch Hội khóa tiếp theo, ông được hơn 400 trên tổng số khoảng 600 phiếu, người tiếp theo chỉ được 148 phiếu. Ông phỏng đoán vì mình nhiều khả năng trúng cử khóa tiếp nên mới rộ chuyện đơn thư mấy tháng trước dự kiến Đại hội.

Hầu hết các Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam đều làm 2 nhiệm kỳ, không hơn. “Càng ngày càng thấy thời Lê Phức tuyệt vời. Ông ấy biết tập hợp, biết giải quyết mâu thuẫn một cách thoáng đãng, không để tấy lên. Chỉn chu nhưng lại có cái gallant của anh làm văn nghệ,” nhà phê bình Vũ Huyến bình luận. “Anh đừng quá đề cao anh, đừng quá vì anh. Làm gì cũng tính trong đấy anh có cái gì, được cái gì thì mất uy tín. Mà rồi đến lúc có vấn đề người ta không đỡ cho đâu”!

1 CHÁNH VĂN PHÒNG, 4 ÁN KỶ LUẬT

Quanh vụ Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh bị kỷ luật Đảng: Thăng, giáng Chánh văn phòng ảnh 2

Bức “Nụ cười Việt Nam” dính bê bối năm 2017. NSNA Trương Hoàng Thêm kể khi ông khuyên Vũ Quốc Khánh rút lại 2 giải tự chấm tại cuộc Nhiếp ảnh Nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới, ông Khánh đáp: “Ai phản ứng, tôi sẵn sàng đối chứng. Tác phẩm của tôi xứng đáng thì phải ở vị trí đó”. 

Một chuyện bi hài với nhiều tình tiết lằng nhằng khiến ông Khánh bị mất điểm là việc nhận và sa thải ông Nguyễn Bá Định tức Hồng Định dẫn đến 4 án kỷ luật trong Hội.

Ông Định đang là Trưởng chi Hội NSNA tại Thái Nguyên, Phó phòng Văn hóa huyện Đồng Hỷ thì được đưa lên Hà Nội làm Chánh văn phòng Hội. Việc cất nhắc này ông Tiễn chỉ được ông Khánh thông báo miệng trong buổi uống nước chè hai người. Chứ ông Tiễn không được tiếp cận hồ sơ của ông Định. Khi ông Tiễn hỏi ông Định có nhà ở Hà Nội chưa thì ông Khánh bảo kệ, Định tự lo. Kết quả có dạo ông Định sống luôn tại văn phòng Hội. “Ông Khánh gọi điện cho từng ủy viên thường vụ, với người này thì nói những người kia đã đồng ý nhận Định cả rồi, chứ không có cuộc họp hoặc thông báo qua email chung nào,” ông Tiễn kể.

Ít lâu sau, có đơn của Kim Khoa và 2 hội viên nữa ở Thái Nguyên tố cáo ông Định đang chịu một số án kỷ luật ở địa phương, không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm. Ông Định khẳng định mình bị vu khống. Hội cử Ban Kiểm tra gồm 2 thành viên gồm trưởng đoàn Trần Trọng Độ và ông Diệu về Thái Nguyên thẩm định.

Theo ông Độ thì ông Định mắc một số vấn đề trong sử dụng quỹ của chi hội và cả một lần kỷ luật ở cơ quan cũ. “Khoa với 2 anh em nữa trước là công nhân khu gang thép cung cấp thông tin đúng nhưng lời lẽ nặng nề quá, nên tôi khuyên mọi người dàn hòa, bắt tay nhau(!) Nhưng Định không chịu, cứ thúc Khánh kỷ luật mấy người kia. Tôi bảo Khoa không việc gì phải nhận (án kỷ luật), nhưng sau đó Trưởng ban kiểm tra Tạ Hoàng Nguyên từ Cà Mau lên ép thế nào Khoa lại nhận”.

Nhưng thông tin từ ông Trịnh Việt Hùng, Phó chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Thái Nguyên lại khác. Ông Hùng cho rằng ông Độ báo cáo sai: “Chúng tôi có ý kiến lên trên, anh Khánh bảo anh Diệu làm lại báo cáo lần nữa. Anh Diệu làm báo cáo rất đúng”. Còn ông Độ lại bảo đã từ chối khi ông Khánh đề nghị viết lại theo hướng có lợi cho Định, vì thế mới tới lượt ông Diệu. Dù sao thì kết quả của lần kiểm tra thứ hai: Kim Khoa bị gạch tên khỏi Hội, hai hội viên cùng ký đơn chịu hình thức cảnh cáo và khiển trách.

Án kỷ luật thứ 4 dành cho chính Hồng Định, chỉ năm rưỡi sau. Ông Định bị miễn chức Chánh văn phòng Hội và xóa tư cách hội viên một cách cũng gấp gáp như khi được thăng chức. Lý do: Không trung thực trong hồ sơ và không chịu làm việc. Nhưng theo ông Tiễn, chẳng qua Định không được phân công công việc, nên đành ngồi chơi xơi nước. Còn ông Hùng thì nhấn mạnh, tới nay không thể khẳng định ông Định khai man hồ sơ Đảng vì người giữ hồ sơ là Chủ tịch Hội thông báo đã làm mất nó!

Định ra khỏi đồng nghĩa Khoa được trở lại Hội, mặc cho chi hội Thái Nguyên không nhận. Nghĩa là đột nhiên chi hội được BCH Hội thông báo đã duyệt đơn xin quay lại của Kim Khoa. “Tôi liền gọi điện cho anh Tạ Hoàng Nguyên và anh Trần Phong trong BCH thì các anh đều bảo chả biết gì, thấy anh Khánh nói trong cuộc họp là có biên bản hay một báo cáo gì của Ban Kiểm tra là đã họp với Thái Nguyên thì mọi người OK cho Khoa quay lại thôi”. Ông Hùng khẳng định chi hội không hề được tham khảo ý kiến, đừng nói là có hẳn cuộc họp.

Được biết dẫn đến sự “đảo chiều” này là do mâu thuẫn dẫn đến kiện cáo giữa Chủ tịch Hội và Chánh văn phòng. Ông Hùng đoán: “Anh Khánh cố tình gạt Định ra khỏi Hội vì sợ cuối 2019 nếu anh Định dự Đại hội sẽ nêu nhiều vấn đề bất lợi”. Ông Hùng cũng mong được họp với T.Ư Hội để dứt điểm án kỷ luật Kim Khoa. Hai lần Chi hội Thái Nguyên gửi Hà Nội đơn kiến nghị về việc này, vẫn bặt vô âm tín.

CÂU HỎI BỎ NGỎ

Giữa 2018, ông Định khi còn là Chánh văn phòng đã đưa đơn “kiện” ông Khánh tới Ban Kiểm tra T.Ư, trong đó nêu một số dấu hiệu vi phạm quy định nhà nước về tài chính kế toán: Bảy năm liền, Chủ tịch kiêm Chủ tài khoản Hội không báo cáo tài chính công khai; ước tính kinh phí trên cấp và các khoản thu khác của Hội trong 7 năm vào khoảng 60-70 tỷ đồng nhưng chỉ do ông Khánh và một nhóm nhỏ quản lý chi tiêu, còn lại 10/11 ủy viên BCH, lãnh đạo văn phòng và hội viên hoàn toàn không biết gì…

Hội viên Trần Trọng Độ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước, cho rằng Chủ tịch đã vi phạm điều lệ Hội khi không công khai tài chính: “Lẽ ra hàng năm, theo quy định của Bộ Tài chính anh phải dán bản kê khai tài chính ở những nơi cần thiết cho mọi người được biết”. Ông Độ đơn cử những năm gần đây, Hội tổ chức thi ảnh quốc tế hàng ngàn người tham dự, ai thi nhiều chủ đề đều phải đóng tầm 20-30USD: “Những cái đấy phải công khai. Chưa đúng phải điều chỉnh, có người phải thoái thu”.

Trong thư ngỏ gửi toàn thể hội viên tháng 4/2018, ông Bùi Hỏa Tiễn cũng khẳng định: “Nhiều năm nay (Hội) không công khai tài chính, không xây dựng Quy chế, Kế hoạch chi tiêu tài chính; Ban Thường vụ, BCH chưa bao giờ được trao đổi, có ý kiến và ra quyết định về việc quản lý, phân bổ sử dụng kinh phí Nhà nước cấp”. Ông Tiễn còn cho rằng ông Khánh tự ý ra văn bản lấy danh nghĩa Ban Thường vụ (dù chưa được bàn bạc, trao đổi) để phục vụ hành động tự quyết tài chính của mình. Từ đó đặt câu hỏi việc chi tiêu tài chính trong công tác Hội hàng năm liệu có bảo đảm đúng quy định pháp luật?

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.