'Quyên' - đẹp chưa đủ

Vũ Ngọc Anh và Trần Bảo Sơn trong phim Quyên.
Vũ Ngọc Anh và Trần Bảo Sơn trong phim Quyên.
TP - Quyên có nhiều yếu tố để được chờ đợi. Thứ nhất nó thuộc dòng phim nghệ thuật, có tính văn học. Hơn hẳn các thứ phim thị trường, hài nhảm câu khách. Thứ hai, chọn một mảng hiện thực khá hóc búa, chưa được khai thác nhiều - ăn đứt các kiểu phim nhái kịch bản Mỹ, Hàn. Xem Quyên để chia sẻ với một cách làm phim dấn thân đồng thời để hiểu thêm về hiện thực khắc nghiệt của đồng bào ta ở nước ngoài.

Với Cánh đồng bất tận, Nguyễn Phan Quang Bình đã có một sự bảo đảm khiến khán giả mạnh dạn mua vé xem Quyên. Mở đầu bằng cảnh núi tuyết, khá lạ lẫm với một bộ phim Việt. Nhưng ngay từ những cảnh đầu tiên đã thấy không yên tâm về nữ chính. Cứ như là Vũ Ngọc Anh đang vượt biên chứ không phải Quyên. Thiếu nhiều thứ để có thể nhập vai, Quyên của Vũ Ngọc Anh cứ như bị đẩy ra khỏi bối cảnh. Ngay cả những cảnh ngã cũng giả, vật ra một cái như ngất luôn nhưng không hề có một vết xây xát. Quần áo không có vẻ gì của những thập kỷ trước mà trông mới coóng, như thể diễn thời trang trên tuyết.  Đáng ra diễn viên phải làm cho khán giả thương xót Quyên thì lại khiến họ ái ngại cho chính… Vũ Ngọc Anh chẳng hiểu hoàn cảnh đưa đẩy thế nào phải đi đóng phim (!).

Vũ Ngọc Anh có lợi thế gương mặt xinh, thuần Á Đông. Ở một số cao trào cảm xúc phần đầu phim, diễn xuất của cô chưa đến nỗi tệ. Khi cô cất tiếng nói đầu tiên, với Hùng “Hãy cho tôi về với chồng tôi!”, thay vì xúc động, người xem lại nén cười. Nhân vật Hans mặc dù diễn viên nước ngoài thủ vai, nói tiếng Việt lơ lớ xem ra vẫn còn biểu cảm hơn Quyên. Nhưng diễn xuất của Hans thì không khá khẩm hơn.

Đã có ý kiến chuyên môn cho rằng, một số nhân vật trong phim chỉ cần lồng tiếng là nhiều vấn đề sẽ được giải quyết. Mấy nhân vật khác không đến nỗi thều thào như Quyên nhưng phát âm cũng khá cứng, nhiều chỗ đối thoại mà tưởng độc thoại hoặc đọc kịch bản. Do chất lượng chung của phát âm trong phim nên đây không thể coi là khiếm khuyết của diễn viên được nữa.

Quyên lâm một bệnh của phim Việt hiện nay. Đó là giao vận mệnh cho cho các diễn viên tay ngang. Không hiểu các đạo diễn có động cơ gì trong “trào lưu” này? Họ muốn đỡ tốn tiền trả cho các diễn viên chuyên nghiệp, muốn lăng-xê người quen biết, hay thậm chí có thể diễn viên tay ngang còn góp tiền vào làm phim cũng nên?! Nếu cách làm này biến thành trào lưu thực sự thì sẽ có tác dụng làm què quặt nền điện ảnh khi nghiệp dư hóa và “ăn may hóa” một mắt xích trọng yếu quyết định đầu ra của phim.

Không biết có phải vì diễn xuất của diễn viên chính còn nhiều hạn chế nên nhân vật Quyên ít được khai thác nội tâm và hành động. Như vậy mảng tâm lý của phim đã bị bỏ ngỏ, đành phải trông cậy vào mảng hành động. Phải nói là cuộc đời của các “soái” người Việt ở nước ngoài rất gây tò mò. Nếu dựng thành tiểu thuyết hay phim chắc cũng chả kém gì Bố già. Quyên phần nào hé lộ thế giới đó qua những diễn biến khá gay cấn. Nhưng nếu đi vào tiểu tiết thì bản thân các pha hành động lại được dựng khá sơ sài.

Trọng tâm cảm xúc của khán giả dồn vào nhân vật Hùng của Trần Bảo Sơn. Với vai Hùng, Trần Bảo Sơn có bước tiến với chính anh, đặt cạnh các phim trước đây. Nhưng nếu Ngọc Anh diễn bằng bản năng, thì Trần Bảo Sơn cũng chỉ ở mức vận dụng kinh nghiệm. Nếu Quyên trong phim mặt lúc nào cũng ngây thơ vô tội thì Hùng lúc nào cũng nghiến răng nghiến lợi. Cứng và đơn điệu. Đạo diễn từng đoán chắc: “Với phim này, nếu khán giả không yêu nhân vật Quyên thì họ cũng sẽ khó đồng hành với bộ phim”. Chắc khán giả cũng không vì Quyên vụng dại mà bỏ đi một bộ phim nhiều cảnh quay đẹp, công phu, dám khai thác đề tài gai góc, không phải nhà làm phim nào cũng đủ sức xông vào.

Xem Quyên xong mới thấy vai trò quan trọng của diễn viên, có khả năng quyết định chất lượng, thậm chí tuổi thọ của phim. Nhiều khi người ta xem phim vì ngôi sao. Đằng này đã không có sao, diễn viên lại tay mơ, coi như phim mất một kênh tiếp cận khán giả.

MỚI - NÓNG