Ra mắt điểm đến an toàn: Biến nguy cơ thành cơ hội

Mũi Điện - Phú Yên, nơi đón ánh bình minh đầu tiên ở Việt NamẢnh: KỲ SƠN
Mũi Điện - Phú Yên, nơi đón ánh bình minh đầu tiên ở Việt NamẢnh: KỲ SƠN
TP - Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk chính là bốn điểm đến an toàn đầu tiên của chương trình kích cầu du lịch Việt Nam khắc phục hậu quả dịch Covid-19. Hàng chục doanh nghiệp tham gia liên minh kích cầu nhằm đưa tới sản phẩm an toàn, giá thành ưu đãi nhất tới khách hàng.

ÐÓNG MÁC AN TOÀN

Một trong những hành động thiết thực và tức thời của Hiệp hội Du lịch Việt Nam là thành lập Liên minh kích cầu du lịch, ban hành chương trình kích cầu du lịch Việt Nam. Kích cầu du lịch Việt Nam giai đoạn đầu dự kiến kéo dài đến hết tháng 6, sau đó tùy điều kiện cụ thể để địa phương điều chỉnh cho phù hợp. Hiệp hội không hạn chế số lượng doanh nghiệp tham gia.

“Điểm mới của chương trình này là triển khai trên toàn quốc, trước mắt làm từng bước. Ban đầu là giới thiệu, xúc tiến cho du lịch của Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk - những tỉnh miền Nam Trung bộ, Tây Nguyên an toàn với du lịch và quyết tâm khôi phục du lịch, tạo ra sự hưởng ứng của các doanh nghiệp”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch nói.

Muốn tạo ra sản phẩm du lịch an toàn, kích cầu trong thời điểm dịch bệnh và thoát dịch, các doanh nghiệp và địa phương cần sự đồng hành của các hãng hàng không. Ông Cao Anh Sơn (Vietnam Airlines) phát biểu trong lễ ra mắt liên minh kích cầu 21/2 rằng, hãng nhận thức rõ ràng trách nhiệm, sứ mệnh trong sự phát triển du lịch, cam kết đồng hành với liên minh để đưa du lịch sôi nổi trở lại.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam kịp ban hành tiêu chí du lịch an toàn với Covid-19. Bộ tiêu chí này đưa ra các điều kiện đối với điểm đến du lịch an toàn, doanh nghiệp du lịch an toàn, dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí an toàn, dịch vụ ăn uống và hàng hóa an toàn, dịch vụ vận chuyển an toàn. “Điều quan trọng nhất khi kích cầu du lịch chính là đưa khách đến các điểm du lịch an toàn, đánh mạnh vào ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp”, ông Bình nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về hình thức “đóng mác an toàn”, ông Vũ Thế Bình giải thích: các tiêu chí đã rõ, nên địa phương hay đơn vị nào thấy đủ điều kiện có thể gửi thư đề nghị xác nhận. Sau khi xem xét và giám sát, Hiệp hội đưa điểm đến hoặc doanh nghiệp vào danh sách an toàn để khách hàng, doanh nghiệp lựa chọn. Nếu không làm tốt sẽ phải ra khỏi danh sách.

KHÁCH HƯỞNG LỢI

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Hanoitourist thay mặt doanh nghiệp lữ hành cam kết đồng hành với các cơ quan đưa du lịch thoát dịch. Với tư cách Phó Ban Chủ nhiệm Liên minh kích cầu, ông thể hiện khát vọng truyền thông điệp “Việt Nam là điểm đến an toàn”. Nhu cầu du lịch trong nước rất lớn, nhưng khách vẫn băn khoăn nên trước hết phải giải tỏa tâm lý.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định tự tin Bình Định là điểm trung chuyển tới tuyến Phú Uyên-Gia Lai-Đắk Lắk. Hành trình 4 ngày 5 đêm, 5 ngày 6 đêm với chuỗi sản phẩm biển xanh nắng vàng, tài nguyên thiên nhiên của Tây Nguyên khiến khách có trải nghiệm tốt. Hành trình từ tỉnh này tới tỉnh kia không quá 200km khá thuận lợi. Sản phẩm kích cầu giúp du khách tiết kiệm 10-30% so với giá hiện hành. Để tua kích cầu đến gần với người dân hơn, các địa phương như Bình Định, Phú Yên mong mỏi sự chung tay của hàng không: Mùa hè 2019, giá vé máy bay hai đầu Hà Nội, TPHCM về đây đắt đỏ nhất nước.

Giá phòng lưu trú, dịch vụ ở Phú Yên tương đối thấp, tuy thế đại diện Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên thông báo chính quyền và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đều cam kết giảm giá từ 20-30% để tham gia liên minh. Phú Yên có khoảng hơn 4 nghìn phòng lưu trú, nhiều điểm đến đang tiếp tục được nâng cấp. Gềnh Đá Đĩa, Bãi Môn-Đại Lãnh luôn nằm trong số điểm thu hút, Sở Phú Yên cho biết còn nhiều điểm đến hấp dẫn và hoang sơ khác.

Sở dĩ bốn điểm đến này được chọn đầu tiên làm điểm đến an toàn vì chưa có trường hợp nhiễm virus, lại cam kết đảm bảo quy trình an toàn cho du khách. Ông Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai nói, 90% khách về tỉnh là khách nội địa nên người dân có thể an tâm hơn khi đến Gia Lai và Tây Nguyên. Đại diện Gia Lai mời chào du khách, bởi “Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật” là một trong những thời điểm rất đáng trải nghiệm không khí đại ngàn.

“Khi có sản phẩm an toàn rồi chúng ta phải tạo ra yếu tố giá tốt, có thể giá rẻ hơn nhưng vẫn giữ nguyên dịch vụ hoặc bổ sung dịch vụ chất lượng khác. Có như vậy mới kích thích nhu cầu của khách, đồng thời bổ sung sản phẩm, dịch vụ mới để mở rộng nhu cầu của khách”, ông Nguyễn Công Hoan, TGĐ Hanoi Redtours, Trưởng Ban truyền thông HH Du lịch Việt Nam nói.

MỘT SỐ TUA KÍCH CẦU 

Một số doanh nghiệp tung các tua ưu đãi: Quy Nhơn - Tuy Hòa (4 ngày) ; Buôn Mê Thuột - Pleiku (4 ngày), Tuy Hòa- Buôn Mê Thuột (4 ngày), Quy Nhơn - Gia Lai (4 ngày) có chung mức giá trọn gói 4.490.000 đồng, khách được bay hàng không 4 sao Vietnam Airlines, ở khách sạn 4 sao. 

Có doanh nghiệp đưa ra chương trình “giải cứu” du lịch nội địa với các combo bao gồm vé máy bay và khách sạn giảm tới 70%. Các điểm Phú Quốc, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, Buôn Mê Thuột, Gia Lai áp dụng combo cho tua 3 ngày 2 đêm tại khách sạn 2-5 sao với giá chỉ từ 1.590.000 đồng, khởi hành từ 24/2-31/5.

Ra mắt điểm đến an toàn: Biến nguy cơ thành cơ hội ảnh 1 Quy Nhơn - một trong bốn điểm đến an toàn đầu tiên trong mùa du lịch. Ảnh: KỲ SƠN
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.