Ráo riết siết sách lậu, sách giả

Người mua sách được khuyến cáo tìm đến các địa chỉ uy tín để tránh mua phải sách giả, sách lậuẢnh: KỲ SƠN
Người mua sách được khuyến cáo tìm đến các địa chỉ uy tín để tránh mua phải sách giả, sách lậuẢnh: KỲ SƠN
TP - Sách lậu, sách giả ngày càng tinh vi hơn khiến cuộc đấu tranh ngày càng phức tạp, nhưng không vì thế mà bó tay. Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nêu một loạt giải pháp thúc cuộc chiến chống sách lậu, sách giả trong thời gian tới.

BÙNG NỔ

Gần đây, nhiều nhà xuất bản và công ty sách bức xúc trước hàng chục địa chỉ bán sách lậu, sách giả tràn lan trên mạng xã hội và các fanpage. Theo rà soát của các đơn vị làm sách chân chính, khoảng 33 trang mạng xã hội rao bán sách giả. Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) lên tiếng cảnh báo hiện tượng các trang này dùng hình ảnh sách thật của các đơn vị xuất bản để chạy quảng cáo, tuy nhiên sách tới tay người mua là sách lậu, sách giả. Có thể điểm mặt một loạt địa chỉ như Kho sách, Kho sách của bạn, Khu vườn mọt sách, Nhà sách Tuổi trẻ books, Sách hay giá rẻ, Tổng kho sách Việt, Tổng kho xuất bản sách.

Giữa tháng 6 vừa rồi, NXB Kim Đồng tha thiết phát đi thông điệp “Sách và con trẻ xứng đáng với một tình yêu chân thật”. Nhà xuất bản này cùng với các đơn vị bạn liên tục phát hiện các cuốn sách nổi tiếng bị làm giả, in lậu với số lượng lớn và chất lượng kém. Có thể kể một số cuốn kinh điển của NXB Kim Đồng như Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, các bộ truyện tranh Doraemon, Thám tử lừng danh Conan. “Sách lậu gặm nhấm, mài mòn sức lực của từng biên tập viên, họa sĩ minh họa, người chế bản, trình bày, người phụ trách in ấn. Một cuốn sách biên tập viên mất cả 10 năm theo đuổi, họa sĩ lên phác thảo trình bày trong 10 năm trời, được chế bản công phu bỗng bị biến thành cuốn sách lậu với bìa xộc xệch, màu phai lạt, chữ mờ chữ tỏ”, đại diện NXB Kim Đồng nêu.

Sách giáo khoa cũng không thoát kiếp nạn bị làm giả tràn lan. Cuối tháng 6, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị chỉ đạo công tác quản lý thị trường ngăn chặn sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả. Bộ nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh lo ngại trước hiện tượng nhiều xuất bản phẩm, sách giáo dục giả ở một số địa phương.

“Trước năm 2004 người ta cho rằng chỉ Việt Nam và Philippines có sách lậu, nhưng gần đây hiện tượng in lậu, làm sách giả tương đối phát triển dựa vào sự phát triển công nghệ. Việc in lậu, in sách giả, sao chép tài liệu vi phạm bản quyền ngày càng tăng ở nhiều quốc gia. Việc đấu tranh ngày càng phức tạp, khó khăn là bởi phương tiện máy móc để sao chép, in ấn ngày càng nhỏ và đặt lẫn vào các khu dân cư, lại không phải đăng ký. Có những loại máy photo 300 trang/phút tương đương máy in nhưng giờ không phải đăng ký, góp phần không nhỏ khiến nạn sách lậu, sách giả bùng phát”, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nêu.

XỬ NẶNG TAY

Cuộc chiến chống sách lậu, sách giả không đơn giản, nhưng không có nghĩa các nhà quản lý thúc thủ. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định lâu nay Cục vẫn âm thầm xử lý, nhưng nay sẽ đẩy mạnh hơn nữa. Cả năm 2019 Cục xử phạt khoảng 80 triệu đồng, nhưng chỉ nửa năm 2020 số phạt tăng tới cả trăm triệu đồng. Cục Xuất bản vừa gửi công văn đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông ở 63 tỉnh thành phối hợp, chủ động nắm bắt thông tin và sớm xử lý các vụ vi phạm.

Trước thực trạng các trang mạng xã hội chạy quảng cáo bán sách lậu, sách giả lừa người mua, lãnh đạo Cục Xuất bản khẳng định phối hợp với cơ quan quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội như Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, các cơ quan an ninh liên quan để xem xét. “Chúng tôi đề nghị các cơ quan phối hợp nhằm đấu tranh để gỡ bỏ các trang quảng cáo sách lậu, sách giả để tránh cho độc giả tiếp cận thông tin không phù hợp. Các trang thông tin này cơ bản là mạng xã hội, hoặc trang web đặt máy chủ ở nước ngoài nên quá trình đấu tranh cần kiên trì, có thể bằng hình thức gỡ bỏ hoặc dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn”, ông Nguyên nói.

Hai giải pháp nêu trên vẫn là giải pháp tình thế, chạy theo vụ việc giải quyết nên Cục Xuất bản nghĩ tới giải pháp căn cơ hơn. Nghị định xử phạt trong lĩnh vực xuất bản áp dụng từ năm 2014 có nhiều điều bất cập, nhiều nội dung không theo kịp thực tiễn. Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị chỉnh sửa luật để hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan xử phạt. Ở Luật Xuất bản mới sẽ xử lý trực tiếp từng xuất bản phẩm, không còn xử lý trên hành vi vi phạm nên mức xử lý tăng nặng hơn, có tính răn đe hơn.

“Tôi nghĩ rằng giải pháp căn cơ nhất là cần sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là truyền thông, tuyên truyền ý thức bảo vệ sách thật chống lại sách giả, sách lậu từ học đường. Xét cho cùng sách giả sách lậu ảnh hưởng tới ba điều: Gây thiệt hại cho chính người làm sách, uy tín của nhà xuất bản, ảnh hưởng đến độc giả. Sách lậu chất lượng không đảm bảo đã đành, nó làm suy kiệt nguồn lực của tác giả và nhà xuất bản dẫn đến suy kiệt nguồn lực xuất bản, độc giả không được tiếp cận với sách có chất lượng. Người dân không nên nghĩ rằng mua phải sách giả, sách lậu nghĩa là vẫn đọc được tri thức đó, hãy nhớ rằng khi mua sách giả hôm nay với giá rẻ nghĩa là anh làm suy yếu nguồn lực mang lại sách chất lượng. Địa phương phải coi đấu tranh sách lậu, sách giả như đấu tranh chống hàng giả, chỉ khi đó việc chống sách giả, sách lậu mới hiệu quả được”, ông Nguyên nói.

Ráo riết siết sách lậu, sách giả ảnh 1
 

Yêu cầu thu hồi cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt trên toàn quốc
Cục Xuất bản, In và Phát hành có văn bản gửi toàn bộ 63 tỉnh thành về việc thu hồi cuốn sách Từ điển chính tả tiếng Việt. Căn cứ quyết định đình chỉ và quyết định thu hồi cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Cục đề nghị các địa phương hỗ trợ cho nhà xuất bản để thu hồi cuốn sách. “Về mặt nội dung, Cục Xuất bản nhận thấy nếu phổ biến rộng cuốn sách không phù hợp, cần phải thu hồi để điều chỉnh, chỉnh lý và bổ sung”, ông Nguyễn Nguyên trao đổi với PV Tiền Phong. Lãnh đạo NXB có báo cáo giải trình, thừa nhận các nội dung nêu trên và chủ động đề xuất thu hồi. 
Trước đó, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công chỉ ra một loạt lỗi sai chính tả, sai phương pháp nghiêm trọng của nhóm biên soạn cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt do NXB ĐH Quốc gia Hà Nội ấn hành.

MỚI - NÓNG