Ròm - phim của những 'người điên'?!

Nơi trú ngụ của Ròm với các loại đồ nghề tìm số đánh đề vây quanh
Nơi trú ngụ của Ròm với các loại đồ nghề tìm số đánh đề vây quanh
TP - Ngay từ những cảnh đầu tiên, Ròm đã thể hiện là một phim không bình thường. Nhân vật chính ở tuổi thiếu niên được cư dân chung cư cũ cho sống trên mái nhà vì có biệt tài đoán số đánh đề (!). Góc máy không theo phương ngang mà cứ phải nghiêng đi để nhắc nhở khán giả về những thân phận bấp bênh. Ròm xưng “tao” để kể câu chuyện đời mình… 

Ròm là phim Việt hiếm hoi lấy tên riêng của nhân vật đặt cho phim. Theo phương ngữ miền Nam nghĩa là "gầy còm". Ngoại hình nhân vật chính thì đặc biệt ấn tượng và hợp vai. Nhưng đó không phải là kiểu ngoại hình tiêu chuẩn thường thấy trên phim Việt. Nó chắc sẽ phù hợp để “câu khách” nước ngoài với kiểu mặt khắc khổ, rặt châu Á. Bối cảnh cũng nhất quán theo, rặt chọn những “góc khuất”, xấu bẩn vào loại nhất hạng của TPHCM. Tất nhiên với điện ảnh không có góc nào là xấu. Song phim có xu hướng phóng đại và cường điệu hóa độ xấu bẩn.

Nơi ở của bà Ghi - trùm ghi đề (tất nhiên chỉ là một mắt xích nào đó trong đường dây) do Cát Phượng đóng không khác gì nơi tá túc của dân ăn mày, vô gia cư. Bệ rạc và chui lủi ở một xó xỉnh xa lắc mà bọn nhóc ghi đề không còn cách nào khác phải trèo bè mảng mới tới được. Phim làm cho công cuộc đề lô… trở nên cực kỳ phiêu lưu mạo hiểm, hay cũng là một lối lãng mạn hóa?!

Tác giả luôn có xu hướng cường điệu không riêng về bối cảnh. Các nhân vật luôn làm quá, phát cuồng lên vì những sự vụ không đâu. Chung cư không phải nghiện chơi đề nữa mà giống trại điên. Tất cả mọi người đều vận dụng những phương pháp tự phát để tìm ra con số để đánh. Mỗi người một kiểu chả theo một lý thuyết gì ráo. Tất cả chỉ cốt để bày ra những bối cảnh rườm rà, nhiều chi tiết, màu sắc bí hiểm vẻ Á Đông để lên hình cho bắt mắt mà thôi.

Chẳng hạn một ông có sở thích ngồi cầu khẩn giời Phật gì đó để tìm số trong một chiếc quan tài có nắp đóng hờ bày giữa nhà. Ông này thậm chí không biết nơi an táng của vợ con mình ở chỗ nào trong nghĩa trang nên nhờ Ròm đi tìm. Nếu nó tìm được thì ông sẽ ghi đề qua đường dây của nó. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng kiểu mở rộng mạng lưới khách hàng mà bà Ghi giao cho Ròm... Phim toàn những tình tiết bay bổng, giàu tưởng tượng như vậy.

Chung cư hẳn có cầu thang nhưng, để cho vui mắt, tác giả cứ phải bắc thêm đủ các loại thang gỗ, thang sắt khắp nơi ngay mặt tiền. Cốt để phục vụ công tác ghi đề và bán kết quả xổ số của Ròm và đồng nghiệp. Để làm việc này, chúng không chỉ cần có kỹ năng của những vận động viên parkour hay diễn viên xiếc thăng bằng mà còn phải sẵn sàng hy sinh tính mạng, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Tức là đó phải là những công việc rất cao cả hoặc chúng quá cùng đường không còn cách nào để sống. Còn nếu đó chỉ là công việc ghi số đề như trong thực tế thì hẳn là chúng có vấn đề về đầu óc!

Đỉnh điểm của cơn điên là khi Ròm cắn vào vai Phúc- kẻ tranh chấp địa bàn. Cú máy cận mặt Ròm và cái mồm đầy máu sau cú cắn kia sẽ đóng đinh vào khán giả. Nhất là những ai xem cảnh này tách rời khỏi bộ phim (và rất có thể nó sẽ có tác dụng câu khách), nhưng thực tế nó cũng chỉ là một trong những màn đánh nhau chí tử tưởng khiến hai đấu sĩ không chết thì cũng nhập viện, nhưng rút cuộc chẳng có gì xảy ra. Nghĩa là sau đó hai nhân vật không hề rút ra bài học kinh nghiệm hay thay đổi lối hành xử gì hết. Số phận và quan hệ của hai nhân vật cứ vật vờ như thế từ đầu đến cuối phim.

Có thể nói các nhân vật trong Ròm đều không phải người thường cũng không có khái niệm chính diện hay phản diện, thậm chí vai trò thủ phạm nạn nhân cũng chẳng rõ ràng. Cứ cho là dân chung cư cực kỳ căm hận bà Ghi và thằng Phúc nhưng không hiểu sao lại phải tống họ lên tầng áp mái cho Ròm trông coi? Và sau đó họ có trốn thoát đi đâu cũng chả ai thèm quan tâm. Vai giang hồ của rapper Wowy cũng chẳng hiểu sao lại phải đốt chung cư? Chỉ để lấy mấy tờ giấy ghi nợ hay để đi tù?

Thằng Ròm chẳng mảy may suy nghĩ tới hậu quả mình gây ra cho mạng lưới khách hàng mà răm rắp làm theo lời đại ca. Thú vị hơn, cảnh cháy cũng chỉ có tác dụng tạo ra một cảnh quay hoành tráng chứ chẳng thấy ai hề hấn gì.

Tóm lại, các nhân vật không mình đồng da sắt thì hình như đều bị lắp đặt thiếu một bộ phận gì trong não (?) Nếu ai đó lo Ròm khắc họa hình ảnh sai lệch, tiêu cực về xã hội, về người Việt thì thực tế còn “hãi hùng” hơn: Ròm đang kể câu chuyện về những nhân vật không có cơ chế cảm xúc, không hành xử theo logic và thậm chí cấu tạo thể chất cũng không giống người. Và vì thế bộ phim không thể nào kết thúc được. Nó như một trò chơi trực tuyến kéo dài vĩnh viễn.

Trước khi phim hết, tác giả ngoằng nó về với phim ngắn 16:30 có ý nói đó chính là quá khứ của nhân vật hay chỉ cốt “tri ân” tác phẩm của chính mình, chịu không đoán được. Chỉ biết Ròm và các nhân vật trong phim ngắn được Cánh Diều Vàng 2012 vẫn còn hành xử theo logic thông thường.

Mỗi kỳ, LHP Quốc tế Busan (Hàn Quốc) chọn hai phim đầu tay hoặc thứ hai của các đạo diễn châu Á để trao giải New Currents (tạm dịch: Dòng chảy Mới). Ròm là một trong hai phim và là phim Việt đầu tiên đoạt giải này năm ngoái. Mới đây lại rinh giải Phim Đầu tay Xuất sắc tại LHP Fantansia (Canada). Hay là các LHP này không quan tâm tới kịch bản hoặc chuyên trao giải cho phim phi hiện thực (kỳ ảo)?! Thêm một cú PR ngoạn mục nữa là lệnh cấm, thậm chí bắt tiêu hủy Ròm của Bộ VHTT&DL vì phim chưa được cấp phép đã thi quốc tế. Tất cả khiến Ròm lập kỷ lục phim được khán giả đặt trước nhiều nhất, ngày đầu ra rạp đã thu 10 tỷ.

Có những đạo diễn thể hiện xuất sắc trong phim đầu tay nhưng phim thứ hai lại rất thường. Còn trường hợp phim đầu tay điên hết nấc như Trần Thanh Huy không hiểu phim tiếp theo sẽ ra sao, có lập kỷ lục phòng vé nữa không. Thật là tò mò quá đi…

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.