Sự kiện bài thơ Mùa xuân nhớ Bác

Sự kiện bài thơ Mùa xuân nhớ Bác
TP - Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Đoàn 26/3/1986, báo Tiền Phong đăng bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác của Phạm Thị Xuân Khải, SV năm thứ 2 khoá Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội, đã gây tiếng vang lớn, tác động sâu sắc tới độc giả trong và ngoài nước thời gian dài.

> Báo Tiền Phong đã có nhiều thành tích đáng tự hào (*)
> 60 năm nhìn lại để tự hào và sửa mình

Đầu tháng 3/1986, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Mão nhận được thư của ông Lưu Văn Lợi, thư ký của ông Lê Đức Thọ (khi đó là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng phụ trách tổ chức) truyền đạt gợi ý của ông Thọ về việc đăng bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác của Phạm Thị Xuân Khải.

Sự kiện bài thơ Mùa xuân nhớ Bác ảnh 1

Trước khi đăng bài thơ, TBT Đinh Văn Nam thận trọng cử nhà báo Lê Văn Ba về trường ĐH Tổng hợp Hà Nội để điều tra nhân thân tác giả. Nữ sinh Xuân Khải sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng; là người phụ nữ sắc sảo, thông minh và đã từng xung phong đi chiến trường B trong thời kỳ chống Mỹ. TBT Đinh Văn Nam đã dũng cảm quyết định in nguyên văn bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác, trong đó có đoạn:

“...Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt/Có học hành, lại phải sống cầu an/ Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”/Bởi lẽ đấu tranh- tránh đâu cho được?/ Đồng chí không bằng đồng tiền/ Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp/ Có ai thấu chăng /Và ai phải sửa?” và “Lòng vẫn thầm mơ ước/ Bác Hồ được sống đến hôm nay/Làm nắng mặt trời xua tan hết mây/ Trừ những thói đời làm dân oán trách/ Có mắt giả mù, có tai giả điếc/ Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung/ Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ/ Cùng chí hướng sao bầy mưu chia rẽ...”

Bài thơ hàm chứa nhiều nội dung gai góc trong thời kỳ đất nước bước vào giai đoạn tiền Đổi mới được ví như “quả bom” nổ giữa lòng Hà Nội và xung chấn của nó lan toả khắp cả nước.

Ngoài sự ủng hộ của đông đảo độc giả khen ngợi tinh thần dũng cảm của báo Tiền Phong và tác giả, sự phản đối giận dữ của một số nơi, một số người là rất dữ dội.

Một số đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã gọi về Văn phòng Trung ương Đảng với thái độ gay gắt: Báo Tiền Phong đăng bài thơ này “dễ gây kích động” trong tình hình đất nước thời đó”.

Tại thời điểm đó, đất nước chưa bước vào Đổi mới (thời điểm đi vào đổi mới là từ Đại hội VI của Đảng vào tháng 12/1986), nên tư tưởng chống tiêu cực một cách trực diện như vậy thực sự gây sốc và gây tranh luận dữ dội trong thời gian dài. Báo Tiền Phong trải qua những ngày tháng không dễ dàng. Nhưng bước đột phá dũng cảm trên đã góp sức ủng hộ thúc đẩy tinh thần Đổi mới, chống tiêu cực.

Một hiện tượng hiếm có trong làng báo đã diễn ra khi đăng bài thơ. Báo vừa phát hành đã hết veo. Thời gian ấy máy photocopy còn hiếm, các cơ quan, công sở hầu hết còn dùng máy chữ và in rônêô, chưa có điều kiện nhân bản, in ấn với số lượng nhiều và nhanh như bây giờ. Mặc dù vậy, nhưng mọi người đều cố tìm mua báo Tiền Phong, mua lại những tờ đánh máy, in rônêô với giá cao gấp nhiều lần so với bình thường. Nhiều người phải chép tay bài thơ và nhanh chóng thuộc lòng...

Và sau “sự kiện” bài thơ Mùa Xuân Nhớ Bác, trên mặt báo Tiền Phong tiếp tục có những bài báo thẳng thắn và đầy sức nặng, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên thanh niên, như “Lảng tránh hay kiên quyết đấu tranh” về cuộc hội thảo của tuổi trẻ ngành đường sắt Hà Nội; “Tệ cửa quyền và thái độ của tuổi trẻ”, hay “Một vụ kỷ luật vi phạm đạo lý, pháp luật”...

Sự dũng cảm trong thông tin, đấu tranh chống tiêu cực mang tính xây dựng vì cái chung của Tiền Phong đã góp phần vào công cuộc Đổi Mới chung của đất nước, trong đó có đổi mới báo chí, truyền thông sau Đại hội Đảng VI.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG