Tái hiện trăm năm báo chí Việt Nam

Khoảng 700 hiện vật đầu tiên được trưng bày ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: KỲ SƠN
Khoảng 700 hiện vật đầu tiên được trưng bày ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: KỲ SƠN
TP - Khoảng 700 hiện vật về hành trình 155 năm báo chí Việt Nam được chọn lọc từ kho tư liệu hơn 20 nghìn hiện vật, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ mở cửa đón công chúng trong vài ngày tới. 

HÀNH TRÌNH NGHÌN NGÀY

Chuẩn bị khai trương, hai tầng trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam tại đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội, chỉ còn chờ vài thao tác kỹ thuật cuối. “Chúng tôi trải qua hơn nghìn ngày chuẩn bị, không kể hết những việc làm được cũng như khó khăn vấp phải. Lúc đầu, chúng tôi nhận nhiệm vụ xây dựng đề án trưng bày bảo tàng gần như ở tình thế tay không xây dựng cả quả núi”, bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam nói.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam thành lập năm 2017. Ba năm qua là quá trình gom góp xây dựng dự án trưng bày hiện vật. Bảo tàng Hà Nội khánh thành chục năm nay nhưng vẫn là “cái xác” vô hồn. Vì thế việc ra mắt trưng bày đầu tiên của Bảo tàng Báo chí Việt Nam là thành công đáng kể, nỗ lực của Hội nghề nghiệp và hàng nghìn hội viên.

Tái hiện trăm năm báo chí Việt Nam ảnh 1  Tờ báo Tiền Phong số 5/6/1975 trưng bày ngay lối vào tham quan ở tầng 2, phản ánh không khí mừng thống nhất đất nước.  Ảnh: KỲ SƠN

Để thu lượm được hơn 20 nghìn hiện vật, Hội Nhà báo Việt Nam và ban lãnh đạo bảo tàng tổ chức dự án sưu tầm, nhiều cuộc vận động hiến tặng. Hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của báo chí Việt Nam được thẩm định và đưa vào trưng bày khai mạc ngày 19/6, nhằm dịp kỷ niệm 95 năm báo chí cách mạng Việt Nam. Công chúng có cái nhìn khái quát về lịch sử 155 năm nền báo chí Việt Nam, tính từ khi tờ Gia Định báo - tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời - và dấu mốc 95 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, từ năm 1925. Có thể nói, trưng bày làm nổi bật màu sắc của từng loại hình báo in, báo nói, báo hình và một phần không gian báo điện tử đa phương tiện.

Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam là cố vấn tích cực trong quá trình xây dựng nội dung trưng bày. Ông cũng là người kết nối trong quá trình tìm kiếm hiện vật suốt ba năm qua. Bà Hoa kể, khi những người thực hiện muốn tái hiện phòng tối của báo ảnh Việt Nam, ông Lê Quốc Trung mời kỹ thuật viên dựng phòng tối tới chia sẻ về câu chuyện làm ảnh thời gian khó, chuyện những cuộn phim của các nhà báo chiến trường cũng vượt bom đạn đem về để thao tác rửa ảnh.

ÐỒNG HÀNH LỊCH SỬ DÂN TỘC

Bảo tàng lưu trữ lịch sử của những người làm báo liệu có hấp dẫn công chúng? Trả lời PV Tiền Phong, bà Trần Kim Hoa cho rằng báo chí là một phần của lịch sử dân tộc nên chắc chắn những người quan tâm tới lịch sử dân tộc sẽ quan tâm tới câu chuyện của Bảo tàng Báo chí Việt Nam. “Bài học đầu tiên chúng tôi học được khi bắt tay làm nghiệp vụ bảo tàng chính là nếu có hiện vật phải gắn liền với câu chuyện, chỉ khi đó hiện vật mới có giá trị, sức hấp dẫn và chuyển tải thông điệp”, bà Hoa nói.

Không chỉ bày hiện vật theo hướng minh họa lịch sử, những người thực hiện tái hiện lịch sử qua tác phẩm báo chí và nhân vật báo chí như hành trình làm báo của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Paris với báo chí, ngày thống nhất đất nước năm 1975 đầu tiên trên mặt báo. Trong số 26 phim tư liệu được trình chiếu tại trưng bày, có 16 phim tư liệu về 16 nhà báo cách mạng. Bên cạnh hàng trăm tờ báo gốc, người xem tận mắt thấy những chiếc máy đánh chữ máy chụp ảnh, quay phim cổ gắn với hành trình làm báo thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học đánh giá, những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam bước đầu biết cách sắp đặt và kể chuyện khá sinh động. Bước vào không gian trưng bày tầng 1, người xem được dẫn vào lịch sử báo chí Việt Nam từ thời sơ khai, một chút khái quát về báo chí thế giới. Ở mỗi không gian, người thực hiện chọn được điểm nhấn, chẳng hạn hình tượng bút sen ở gian khánh tiết, bục kim cương ở gian 1865-1925 (viên kim cương 10 mặt trưng bày các tờ báo cổ nhất thế giới và tờ báo đầu tiên của Việt Nam), báo chí chiến khu, làm báo dưới hầm, tái hiện phòng tối của Báo ảnh Việt Nam hay không gian tưởng niệm các nhà báo ngã xuống vì Tổ quốc và nhân dân.

“Dù chúng ta có nhiều bảo tàng, nhưng Bảo tàng Báo chí Việt Nam phản ánh đầy đủ quá trình cách mạng, tình hình chính trị đất nước”, ông Lê Quốc Trung nói. Diện tích chỉ 1.500m2 khá khiêm tốn và hạn chế so với nhiều bảo tàng khác buộc những người làm bảo tàng phải lựa chọn hiện vật thật khéo, vươn tới ứng dụng thực tế ảo, công nghệ số để kể chuyện. Ông Lê Quốc Trung còn góp ý cần có sự tham gia tương tác nhiều hơn của khách tham quan. Chiều 15/6, Bảo tàng Báo chí Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với hai cơ sở đào tạo báo chí lớn-Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH KHXH&NV) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền về việc đưa sinh viên tới học tập, tham quan.

Tư liệu báo chí ngồn ngộn được sắp xếp thành hai tầng, chia năm phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945, giai đoạn 1945-1954, giai đoạn 1954-1975 và báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay. Bà Trần Kim Hoa nói vui hiện nay vẫn phải “làm bào tàng kiểu con nhà nghèo”. Với số kinh phí vừa phải nên bảo tàng ưu tiên một số hạng mục như đồ họa, trưng bày trên đai vách, làm phim và đưa vào số hóa hiện vật. “Chúng tôi nỗ lực để có được 95% hiện vật gốc-điều không dễ dàng với bảo tàng còn quá non trẻ, số còn lại chúng tôi cố gắng phục chế”, bà Hoa nói.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.