Tản mạn về Trịnh - Người hát thơ

Tản mạn về Trịnh - Người hát thơ
TPO - Tôi nghĩ, làm nên cái lớn của Trịnh Công Sơn, ngoài phương diện âm nhạc mà trong đó, ông là cả một dòng sông cái (thật ra không có nhạc sĩ nào ở ta mà sự nghiệp được gọi bằng tên riêng như ông: Nhạc Trịnh), ông còn là một nhà văn, một nhà thơ không nhỏ.

Hôm nay, 1/4, là ngày mất của Trịnh Công Sơn.

Tôi nhớ khi ông mất, tôi bật các đài trong ngoài nước hết đài này đến đài khác để nghe các tin bài về ông. Tất cả các đài chốc chốc lại phát bài “Cát bụi”, trừ RFI Việt ngữ. Đài này phát bài “Phôi pha”.

Ôm lòng đêm
Nhìn vầng trăng mới về
Nhớ chân giang hồ
Ôi phù du
Từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ
đời người như gió qua

Tôi thích bài hát này từ đó cho đến tận bây giờ.

Nói về Trịnh, người ngoại đạo như tôi tốt nhất khỏi bàn nhiều về phương diện âm nhạc. Tôi nghĩ bất cứ cuộc bình chọn hay xếp hạng nào về các tác giả ca khúc của âm nhạc Việt Nam mọi thời kỳ mà không có Trịnh Công Sơn trong Top 3 thì kết quả đều là đáng vứt bỏ (theo nhiều người thì Top 3 đó phải là Văn Cao – Phạm Duy – Trịnh Công Sơn).

Tôi nghĩ, làm nên cái lớn của Trịnh Công Sơn, ngoài phương diện âm nhạc mà trong đó, ông là cả một dòng sông cái (thật ra không có nhạc sĩ nào ở ta mà sự nghiệp được gọi bằng tên riêng như ông: Nhạc Trịnh), ông còn là một nhà văn, một nhà thơ không nhỏ.

Anh Nguyễn Trọng Tạo có lần kể rằng hồi chiến tranh, ở chiến trường, trong số chiến lợi phẩm thu được từ lính Sài Gòn, có một tập sách mỏng đề tác giả là Trịnh Công Sơn. Anh đọc các bài in trong đó và nghĩ Trịnh Công Sơn là một nhà thơ có cỡ ở Miền Nam. Lúc đó, có lẽ anh cũng chưa nghe Nhạc Trịnh và không biết đó là tập ca từ của nhạc sĩ.

Rất may mắn là một lần trên hè phố tôi mua được cuốn sách cũ tựa là “Một cõi Trịnh Công Sơn” (NXB Thuận Hoá – Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản năm 2002). Một cuốn sách còn mới, bìa cứng, thiết kế rất đẹp, nội dung thì khỏi nói – tôi coi là một trong những lần mua sách thành công nhất của mình - không hiểu sao người ta mang ra bán sách cũ!

Tản mạn về Trịnh - Người hát thơ ảnh 1
Trong sách, ngoài các bài viết được tinh tuyển về Trịnh, còn in phần văn xuôi Trịnh Công Sơn và ca từ các bài hát nổi tiếng nhất của ông. Tôi nghiệm ra văn xuôi của Trịnh rất hay. Nó cũng khác thường như nhạc của ông vậy. Và nó cũng thơ như ca từ của ông vậy. Trích đoạn hồi ức của ông về cảm hứng để viết Diễm xưa: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.

Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.

Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận.
Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung.

(…) Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. (…)

Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của giấc mơ.

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.

Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa”.

Tôi đọc phần ca từ của Trịnh Công Sơn và thấy bài nào cũng là thơ. Nhà báo Hoàng Tố Hoa viết trên Tiền Phong rằng, bố chị, nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến Từng được nhóm những người yêu thơ mời tham gia chọn chùm những bài thơ tình hay của thế kỷ 20, ông đã đã tiến cử ca từ bài hát “Đêm thấy ta là thác đổ” của Trịnh Công Sơn. Và ông mãi bảo lưu bình chọn của mình.

Văn Cao viết "Trịnh Công Sơn là người hát thơ (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ".

Phạm Duy thì nghĩ: “Toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác lẫn hồn thơ, nghe lãng đãng, mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa”.

Tôi đọc trên thivien.net và một vài trang mạng thấy bên cạnh các ca từ-lời thơ, Trịnh còn nhiều bài thơ độc lập chưa phổ nhạc hoặc không phổ nhạc. Chúng cũng mơ hồ, mơ màng hoặc giàu triết lý nhân sinh như các nhạc phẩm của ông. Chẳng hạn:

TƯ LỰ

Mùi hương má cũ muộn màng
Ché môi tư lự nỗi bàng hoàng xưa
Nắng phai lời giã biệt từ
Nhớ thêm một chút hương mù mịt xa.


Nhưng cũng có những câu thế này:

Mặc đời ô trược vừa qua
Tấm thân nhỏ nhặt người la mắng người
Buồn phiền vỡ mộng đường dài
Ta xin một góc ta ngồi với ta
(Từ “Những bài thơ không tựa”).

Những câu thơ này thì đời lắm rồi. Có lần dự một đêm Nhạc Trịnh, tôi nghe Hồng Nhung kể trên sân khấu: “Ông Sơn phải thất vọng nhiều nên ông viết “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Nhưng ông cũng viết “Chúa đã bỏ loài người, Phật cũng bỏ loài người”. Ông ấy nói với tôi rằng, đến Chúa cũng bỏ loài người, Phật cũng bỏ loài người thì vài cô nhân tình bé bỏng có bỏ ta đi cũng chẳng có gì là to tát”.

Tức Trịnh rất đời. Tôi nhớ lần đầu tôi nghe ông trực tiếp trên sân khấu, đó là đêm nhạc Văn Cao – Trịnh Công Sơn – Phú Quang diễn ra cách đây đến mấy chục năm. Được mời phát biểu, Trịnh bằng giọng khàn khàn hơi yếu nói khá dài về việc ông vừa vào và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp. Nhà văn Nguyễn Quang Lập đứng cạnh tôi cười nói: Việc gì ổng phải dựa hơi tướng Giáp như vậy!

Sự kiện đó diễn ra đã rất lâu rồi. Có lẽ hồi đó vị thế chính thức của Trịnh cũng chưa thật vững. Ông rất đời, nên dù là một ngọn núi, ông vẫn chọn một ngọn núi cao hơn để dựa.

1/4/2020
LÊ XUÂN SƠN
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.