Thanh Lam: 'Tình yêu khiến tôi đổi mới'

Thanh Lam: 'Tình yêu khiến tôi đổi mới'
TPO - Thanh Lam vừa ra album Nơi gặp gỡ tình yêu với 15 sáng tác quen thuộc trong dòng nhạc cách mạng. Đây là lần đầu tiên diva chính thức “lấn sân” nhạc đỏ. Giai đoạn bùng nổ mới của diva có liên quan đến tình yêu mới…

Chị cho hay thời điểm này mình đang đầy năng lượng để tiếp tục hiện thực hóa nhiều ý tưởng mới như làm nhạc world-music, hát cùng các nghệ sĩ trẻ trong dòng indie và làm liveshow trong năm nay.

Thanh Lam khẳng định bộ đôi CD Nơi gặp gỡ tình yêu được thực hiện để kỷ niệm tình yêu thời chiến của cha mẹ mình - nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ đàn dân tộc Thanh Hương. Dự án “tình ca đỏ” được hai nhạc sĩ Lưu Hà An và Trần Thanh Phương hoàn thành phần phối cách đây 3 năm. Tuy nhiên phải đến thời điểm giãn cách xã hội vừa qua, Thanh Lam mới đến phòng thu để hoàn tất phần hát. Chị chia sẻ: “Làm âm nhạc khó! Tôi cần năng lượng bình yên nhất mới hát hay được. Lúc này mình tĩnh tại, các nhạc sĩ cũng không bận có thể đến phòng thu kiểm soát để kiểm soát bà chị hay bị tưng” (cười).

Và rút cuộc họ có kiểm soát nổi chị?

Khi hát cảm xúc trong tôi dâng lên, thường thì tôi thả lỏng nó. Nhưng đúng là đưa cái hồn của mình vào bài hát nhiều quá lại là cản trở. CD này, tôi kiểm soát rất kỹ đến từng con chữ để vẫn đựng trong đấy quá khứ, vẫn gói ghém mơ ước sáng tạo của ca sĩ bây giờ. Đúng là có đôi lúc tôi phải thu lại theo yêu cầu của hai nhạc sĩ, họ bảo tôi vẫn bị quá, nhưng nhìn chung mọi sự diễn ra tự nhiên. Khi hát tôi không đến mức phải dùng lý trí để kiểm soát mà vẫn… rất phê.

Thanh Lam: 'Tình yêu khiến tôi đổi mới' ảnh 1 Thanh Lam: "Thực ra tôi không bao giờ quan tâm đến kỹ thuật, vì kỹ thuật đã thuộc về mình rồi. Cái mọi người đánh giá tôi là kỹ thuật vì năng lượng và biểu cảm rất mạnh của tôi khi hát".

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Thuận Yến có khi nào nhận xét chỉnh sửa cách hát của chị không?

Ngược lại sửa bài của bố tôi là dễ nhất. Bố bao giờ cũng chiều con, con muốn hát thế nào cũng được. Các quãng của ông ảnh hưởng dân ca miền Trung luyến nhiều và đổ xuống thấp chứ không hẳn như khi tôi hát đâu. Từ bé tôi đã được mẹ dạy ngâm thơ, hát dân ca để đi quay truyền hình. Ở nhà bố thường xuyên đàn hát bài đậm chất dân gian cho mẹ nghe. Ông xuống ngọt lắm, Lam hát chưa được ngọt như bố, vẫn bị mới. Sinh ra trong môi trường như vậy, tôi được thẩm thấu rất vững vàng chất dân tộc. Chính vì vậy phong cách hát của tôi mang tính dân tộc đương đại. Vẫn đầy dân gian trong đấy chứ không ảnh hưởng một cô Thái Lan, một cô Nhật Bản hay Whitney Houston. Vốn nhạc dân tộc quá mạnh từ khi được sinh ra là điều thuận lợi nhất để tạo ra một phong cách hát rất đặc biệt, để tôi có chất liệu dân gian trong xử lý bài. Rất cảm ơn bố mẹ đã không kèm con theo kiểu ép mà cứ để tự nhiên thôi.

Một số bài của bố tôi muốn thay đổi cấu trúc, nhấn vào chỗ này chỗ kia có lúc làm ông bực, gập quyển sách lại: “Thôi đấy, con muốn làm gì thì làm!” Càng về sau niềm tin được gây dựng tốt hơn. Bố tôi luôn tin tưởng con mình đủ tri thức để kiến tạo tác phẩm cùng bố. Chính những tranh luận giữa hai bố con cũng giúp cho ba rất nhiều về tính đương đại trong tác phẩm của ông.

Với nền tảng dân gian vững chắc như vậy, tại sao chị không thử sức trong dòng nhạc world-music hay bolero?

Nghệ sĩ luôn luôn thích thử sức ở các dòng nhạc khác nhau. World-music Lam cũng rất thích vì biên độ tưởng tượng rất lớn không bị kiểm soát bởi định mức nào cả, được bay rất ghê. Hy vọng sắp tới sẽ có dự án với em trai là nhạc sĩ Trí Minh trong dòng nhạc này.

Bolero hay cực kỳ luôn, mà cái đấy tôi bị kém hay sao ấy, hát chưa ngọt lắm (cười). Tôi mạnh mẽ thế này hát bolero hơi khó. Phải ủy mị cơ. Âm nhạc cũng là ngôn ngữ biểu cảm của chính mình. Tôi là người tưởng là đau khổ nhưng rồi vượt qua hết. Đau khổ là cánh cửa mở toang ra một chân trời. Bolero cũng rất khó với tôi vì nó cứ đóng không gian lại.

Trong quá trình thu đĩa này, có bài nào làm khó nổi chị?

Ở hai đầu nỗi nhớ Bảo Yến, Anh Thơ đã hát rất hay, mọi người đã quen nghe. Bài này tôi chưa bao giờ hát, cũng là gợi ý của người bạn tôi rất thích bài này. Với tôi nó rất khó, ngay cả nốt nhạc mình cũng chưa nắm bắt hết. Bài này tôi vỡ bài và thu trực tiếp với Thanh Phương, Lưu Hà An đứng sửa từng nốt. Khi đã hát đúng rồi, tôi đưa cái cảm, không gian tưởng tượng của riêng mình vào.

Lên ngàn khó vì vẫn mang tính chiến tranh. Giờ còn giết chóc gì nữa, quá khứ rồi. Tôi hoàn toàn không muốn nhắc lại những ca từ như “căm thù giết Tây” nhất mình lại là theo đạo Phật. Mình hiểu mọi điều xảy ra đều là nhân duyên… Vậy nên khi hát tôi không muốn nặng nề về quá khứ, hát làm sao chữ “căm thù” mà trở thành tha thứ rất khó. Tôi và bạn tha thứ cho nhau…

Thanh Lam: 'Tình yêu khiến tôi đổi mới' ảnh 2 Thanh Lam: “Bao giờ trước khi hát một bài nhạc đỏ, tôi cũng nguyện trong lòng cảm ơn tất cả sự hy sinh của những người đã khuất. Tôi hiểu những gì mình có được hôm nay xây dựng từ quá khứ mất mát đau thương”

Vì sao bây giờ chị mới hát nhạc đỏ một cách có hệ thống?

Khi tham gia những chương trình nhạc đỏ tôi thường có cảm giác thiêng liêng, thấy trong đó khí phách của con người. Nhạc đỏ có độ mãnh liệt, rất có đất cho mình hát. Tôi chưa làm vì không muốn lấn sang đất của rất nhiều ca sĩ. Các bạn hát rất hay, tôi cũng cảm thấy hơi e dè. Khi đủ điều kiện, tâm hồn mình tĩnh tại, tôi mới nghĩ tới dự án này. Vốn sống rất quan trọng. Khi hát CD này tôi đã biết cái gì cần phải cho, điều gì cần phải nhận. Đây là thời khắc vừa đủ cho tôi để cảm nhận sâu hơn cả về đời sống và ca hát.

Chị có chia sẻ dự án trong quá trình thu âm với nhạc sĩ Quốc Trung?

Tôi không cho anh ấy nghe. Thấy là điều thiêng liêng của tôi. Mình đang thu, anh nói gì đó sợ bị ảnh hưởng. Tôi chỉ chia sẻ với những ng thân của mình, như mẹ. À tôi có cho anh ấy nghe bài Đất nước. Nghe xong anh ấy chỉ im lặng thôi.

Giai đoạn này chắc chị không còn cần một người thầy trong thanh nhạc?

Tôi học trong cuộc sống, học những bạn đồng nghiệp rất nhiều, trong cách họ hát, cách tiếp cận với công chúng, không phải học để ảnh hưởng nữa mà nó tự thẩm thấu. Thầy của mình không chỉ là người đã có danh, mà đôi khi tôi học từ sự tinh khôi của các bạn trẻ. Dạo này tôi nghe nhiều nhạc mới nhờ bạn tôi. Anh ấy nghe nhạc của Ngọt, Chilli, Da Lab. Mình mới vỡ ra: Thôi chết rồi, đôi khi âm nhạc không cần phải quá to tát, chỉ là những điều chân thực, giản dị như nói chuyện thế này. Tôi có ý tưởng làm CD cộng tác với những bạn trẻ, không phải những người đã có thương hiệu mà những nhóm hát mới mà tôi thích. Hy vọng cuối năm có sản phẩm.

Thanh Lam: 'Tình yêu khiến tôi đổi mới' ảnh 3 Thanh Lam: "Tôi may mắn sinh ra trong gia đình hạnh phúc. Do đó trong tình yêu tôi rất mộc mạc, vì tôi có một đời sống đơn giản"- Ảnh: Kim Bánh Trôi Nước

Chị có nói đây là “giai đoạn bản lề” trong đời sống nội tâm của mình. Cụ thể thế nào?

Mọi điều đều là kết quả của một thời gian dài tích lũy vốn sống. Tôi luôn gieo ước mơ, muốn làm những điều tốt đẹp cho chính hoài bão của mình chứ không phải làm để chứng tỏ bản thân. Tôi hay tâm sự với con trai, cả một chặng đường, mẹ luôn nghiêm khắc với bản thân, luôn nỗ lực tự rèn rũa, luôn gieo những hạt giống tốt, vậy thì mẹ phải hái được quả ngọt thôi…

Kể cả quả ngọt trong hôn nhân cũng là điều mà chị đang mong nhận được?

Điều kỳ bí nhất trong cuộc sống chính là tình yêu. Bạn không thể tiên đoán được gì cả. Không phải cứ giỏi, cứ trí tuệ là kiểm soát được. Tình yêu dựa trên tự nhiên, nhân duyên. Vậy cứ để nó tự nhiên đi. Đừng đề ra tiêu chí gì.

Thời gian qua, sự cân bằng của tôi không phải nhờ tình yêu mà nhờ những buổi thiền. Phật giáo với tôi tuyệt vời, giống như liều thuốc bổ ghê gớm cho bộ não. Tôi rất cảm ơn nhân duyên với đạo Phật làm cuộc sống đẹp hơn. Tôi biết ơn hơn cả những cái mà mình không được, cả những người mang cho mình nỗi buồn, để mình trưởng thành. Đồng thời rất cảm ơn những năng lượng tốt lành đến với tôi trong thời khắc này. Tên album này cũng là một cái duyên, là điểm gặp gỡ giữ tình yêu của ba mẹ tôi trong quá khứ và hiện tại của tôi bây giờ.

Chị có thể giới thiệu thêm về “hiện tại” của mình?

Nghề nghiệp của chúng tôi đều kết thúc bằng chữ “sĩ” (cười). Anh trẻ hơn. Tôi sâu sắc hơn. Vì vậy tôi hay đùa: “Nhờ có anh em hời hợt đi nhiều”(cười). Cảm ơn cuộc sống đã cho tôi gặp một người có năng lượng rất an. Anh rất hồn hậu. Điều ấy tôi hơi thiếu. Tôi hơi bị bi lụy một tí. Nhờ có anh, tôi đã đổi mới mình rất nhiều.

Trích lời...

“Anh Thuận Yến và tôi phải biết ơn Thanh Lam. Vì anh chỉ nổi tiếng trong thời chiến tranh với Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc, Mỗi bước ta đi, Những bàn chân không nghỉ… Cũng nhờ Thanh Lam mà anh có thêm một chặng về sau trong sự nghiệp.

Như Chia tay hoàng hôn, người hát đầu tiên là Bảo Yến, đến lượt Thanh Lam khác hẳn. Anh từng nói: ‘Trời ơi con Thanh Lam hát bài hày của anh hay quá đi! Anh nhận không ra bài của anh nữa’. Đấy là bài Em tôi. Anh ấy hát cho tôi nghe khác, mà Thanh Lam hát tự nhiên khác hẳn. Bài Em tôi nằm trong danh sách tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh của anh Thuận Yến. Phải nói nhờ ‘bàn đạp’ Thanh Lam giúp cho giải thưởng Hồ Chí Minh của anh ấy thêm vững chắc. Nhờ cách hát của con gái mà những bài sau này của anh được nhiều người biết”.

NSƯT Thanh Hương- mẹ ca sĩ Thanh Lam

Thanh Lam: 'Tình yêu khiến tôi đổi mới' ảnh 4 NSƯT Thanh Lam và mẹ- Ảnh: Bình Quách
MỚI - NÓNG