Thêm một bước phục dựng nỏ thần An Dương Vương

Tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm và hoàn thiện nỏ thần An Dương Vương bắn được xa hơn
Tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm và hoàn thiện nỏ thần An Dương Vương bắn được xa hơn
TP - Trao tặng chiếc nỏ thần bắn liền 9 mũi tên cho khu di tích Cổ Loa, nay kỹ sư Vũ Đình Thanh đang hoàn tất chiếc nỏ thứ hai với số lượng mũi tên nhiều hơn và bay xa hơn.

Thay tre bằng thép

Chiếc nỏ thần hoạt động theo nguyên lý tên lửa container do kỹ sư Vũ Đình Thanh chế tạo ra mắt giới khoa học hồi tháng 8 vừa rồi. Anh Thanh tặng lại chiếc nỏ cho Bảo tàng Cổ Loa để trưng bày kèm bản thuyết trình chi tiết.

“Nhận thức được việc phục dựng nỏ thần An Dương Vương rất quan trọng với lịch sử nước nhà, tôi tập trung nghiên cứu hoàn thiện với mục đích đạt được các yêu cầu: bắn được nhiều mũi tên cùng lúc, các mũi tên phải bay được xa hơn tầm tên của cung nỏ thông thường cụ thể là bắn xa 600m trở lên, các mũi tên phải bay đầu hướng về mục tiêu để tiêu diệt mục tiêu.

Sau cuộc thuyết trình hồi tháng 8, Vũ Đình Thanh chế chiếc nỏ này có cánh cung bằng tre. Anh Thanh đã thử nghiệm chiếc nỏ bắn 15 mũi tên với khoảng cách 100m, tuy nhiên chỉ bắn 12 phát thì cánh cung bị rão và chỉ bắn được 60m. Vì thế, anh phải xoay sang chọn chất liệu làm cánh bằng thép - do Học viện Kỹ thuật Quân sự chế tạo. Cây nỏ này có cánh dài khoảng 1,2m.

Sở dĩ không thể làm lại chiếc nỏ bằng tre hay gỗ giống loại của hơn 2 nghìn năm trước, anh Vũ Đình Thanh nói rằng do không tìm được loại tre luồng để làm cánh cung.

“Loại tre đó không ai trồng nữa, tôi đi hỏi người Mường cũng không còn già làng trưởng bản nào biết công nghệ xử lý tre như cách nay hơn 2.300 năm. Không có công nghệ xử lý và chế tạo được cánh nỏ từ tre hay gỗ nên tôi quyết định làm bằng thép”, Vũ Đình Thanh nói.

Nhiều vướng mắc

Khẳng định có trong tay nguyên lý để phục dựng nỏ thần theo truyền thuyết An Dương Vương, thế nhưng kỹ sư Vũ Đình Thanh cũng thẳng thắn nêu ra nhiều trở ngại. “Gần một năm nay tôi nhờ nhiều nơi hỏi để làm mũi tên y hệt như mũi tên Cổ Loa xưa nhưng chưa có nơi nào làm được. Mũi tên Cổ Loa có hai dạng là dạng như quả khế và dạng mũi đều có cấu trúc khí động học cực kỳ tinh vi”, anh Thanh nói.

Thêm một bước phục dựng nỏ thần An Dương Vương ảnh 1

Cần đầu tư để chế tạo mũi tên Cổ Loa 

Một trong những nguyên tắc để mũi tên Cổ Loa bay được xa chính là ở cấu tạo của mũi tên: Mũi tên có ba cánh ở đầu, trong đó cánh 1 dài hơn cánh 2 và cánh hai dài hơn cánh 3. Mỗi cạnh có hình thù riêng, thiết diện nhỉnh dần từ gốc cánh đến thân cánh. Phần cánh nhỏ dần đều từ đầu tới thân. Mỗi cánh cong một chút như cánh quạt. Đặc biệt thiết diện không phải hình tròn mà là hình tam giác để khi tra vào lỗ,  mũi tên được cố định và không quay lung tung như hiện tại, nó sẽ quay tròn quanh trục của mũi tên để giữ ổn định và giúp mũi tên bay xa và đảm bảo độ sát thương cao hơn.

“Tôi nghiên cứu xong phần động lực, nghĩa là nghiên cứu và thử nghiệm xong cơ cấu ống tên và đặt mũi tên rồi, chỉ cần chờ mũi tên nữa. Muốn có được mũi tên như mũi tên Cổ Loa chắc chắn cần dự án nhà nước đầu tư, bởi hiện nay muốn sử dụng công nghệ laser cắt gọt mũi tên cũng có giá thành rất cao, khoảng 5 triệu đồng/mũi tên. Hiện nay tôi đang cố gắng cho gia công khoảng 20 mũi tên giống với mũi tên Cổ Loa khoảng 60% thôi. Muốn mũi tên có độ bay xa thì chắc chắn phải chế tạo được mũi tên có cấu trúc như mũi tên Cổ Loa”, Vũ Đình Thanh nói.

Một vướng mắc khác hiện nay của Vũ Đình Thanh phải đối mặt là cần làm mặt bích với lỗ tra tên có thiết diện hình tam giác và nhỏ dần đều và 15 lõi thì phải như nhau (các mũi tên cũng phải hoàn toàn như nhau). Chính vì thế phải có một quy trình đúc mặt bích với lõi tra tên thật công phu, hiện tại Vũ Đình Thanh mới chỉ tạm gia công.

“Thử nghiệm của Vũ Đình Thanh là bước tiến quan trọng sau hội thảo hồi tháng 8, để hướng tới phục dựng chiếc nỏ có khả năng bắn được tới 600m. Nếu làm được điều này là điều quá tuyệt vời, chứng tỏ rằng nỏ Liên Châu của cha ông ta là có thật. Không chỉ đơn giản chúng ta chứng minh nỏ thần không phải truyền thuyết, mà còn chứng minh được cả thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Đó là việc làm ý nghĩa. Tôi ủng hộ và sẵn sàng cùng với anh Thanh thuyết minh với các cơ quan khoa học đầu tư và phát triển dự án phục dựng nỏ thần thành đề án quốc gia”, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói.

Có cơ sở phục dựng nỏ thần An Dương Vương
Kỹ sư Vũ Đình Thanh cho hay: “Bằng nghiên cứu và hiện vật cùng với các tính toán chi tiết và quá trình bắn thử có thể khẳng định nỏ thần An Dương Vương chắc chắn tồn tại, bắn nhiều mũi tên cùng lúc, bắn được địch ở khoảng cách xa hơn nhiều lần tầm tên của giặc”. Anh khẳng định hoàn toàn phục dựng được nỏ thần An Dương Vương với các vật liệu tương tự từ 2300 năm trước. Việc làm cây nỏ bắn 50 mũi tên xa 600 m là hoàn toàn hiện thực. 
Về vướng mắc chưa có mũi tên như giống với công nghệ chế tạo mũi tên Cổ Loa, GS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng điều đó không đáng lo ngại, bởi các nhà khảo cổ tìm thấy khuôn đúc mũi tên Cổ Loa. Đây là cơ sở để nghiên cứu và đổ khuôn làm mũi tên Cổ Loa trong tương lai.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.