Thơ của một nhà sư

Thơ của một nhà sư
Từ hơn ngàn năm nay ở Việt Nam, thơ của các nhà sư, thơ thiền đã tạo nên một dòng chảy âm thầm, an nhiên nhưng tàng trữ đầy nội lực.
Thơ của một nhà sư ảnh 1

Thơ của các nhà sư thời Vạn Xuân đã khiến vua nhà Đường khâm phục, vị nể. Thơ của các nhà sư thời Tiền Lê như Pháp Thuận, Khuông Việt đã làm cho sứ giả nhà Tống phải nghiêng mình, góp phần tạo nên sự hữu hảo giữa hai nước tới 150 năm. Nhờ sự hữu hảo này, Thiền sư Vạn Hạnh với những lời thơ như sấm truyền đã giúp cho sự ra đời của thời Lý.

Rồi đến thời Trần với những áng thơ của Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông tạo ra dòng Thiền Trúc Lâm thuần Việt. Cứ thế, thơ của các nhà sư, thơ thiền cùng hun đúc nên sức sống dân tộc qua lịch sử.

Cho đến hôm nay, dòng thơ này vẫn cuộn xiết trong đời sống đất nước. Giữa nhiều thi phẩm, tôi đã may mắn được đọc thi phẩm “Bần tăng thi tập” của nhà sư Thích Phước Ngọc – Ủy viên Ban Hoằng Pháp Trung Ương GHPG VN, hiện trụ trì chùa Phước Quang – tỉnh Vĩnh Long, kiêm Giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Phật Giáo “Suối nguồn tình thương”.

Thầy Phước Ngọc hẳn là một nhà sư trẻ tuổi đời nhưng không non tuổi Đạo vì như thầy tự bạch: “Tôi sinh ra, lớn lên – khi đất nước thanh bình”, “Mới lớp 7, tuổi ngây thơ khờ dại/ Biết gì đâu nghĩa hai chữ xuất gia”, nên đến nay, đã có 3 tập thơ của thầy xuất bản: “Con đường tôi đi”, “Tình người muôn thuở” và “Bần tăng thi tập”.

Thầy tâm sự trong lời mở đầu về tập thơ thứ ba này rất chân thật: “Tập thơ thứ ba Bần Tăng này xin tự ví mình như dấu ba chấm… cho một khoảng không gian vô tận, tự do – nơi tiếng gió ngàn có thể vang vọng xa xăm, nơi tiếng chuông ngân được ngân mãi vào tâm hồn, nơi những đường bay không hướng về một chân trời, mà tìm về những chùm quả Bồ Đề được gieo trồng từ những đất mầm Phật tánh! Xin được mãi nâng niu những chùm quả Bồ Đề nhưng nguyện trọn đời lặng – kính – một – vạt – áo Bần Tăng …”. Đấy là một ước muốn thật an lành và thư thái.

Từ bài thơ tự họa “Bần tăng” với những câu thơ đầy triết luận Phật Giáo: “Bần tăng cũng sống cùng nhân quả/ Cũng đến rồi đi … Không lại không”, đủ thấy sự bình thản của một bút lực khi đã quyết định giao phó những cảm xúc hồn nhiên này cho đời sống.

Nhìn vào bố cục các chương của thi phẩm, có cảm giác “Bần tăng thi tập” là một tự truyện bằng thơ của một người tự nguyện đi từ mê đến giác, từ đời thường đến cõi Phật Thiền.

Các chương “Đạo Phật với tuổi hoa niên”, “Thời niên thiếu”, “Hậu sinh tiếp bước”, “Ký sự những miền đất lành” như ứng với từng giai đoạn đời người: Sinh – Học – Hành – Du. Chương 5 “Phật, em và tôi” là chương nói tới các giai đoạn sau cùng của kiếp người là: Lão – Bệnh – Tử. Chương 6 “Hộ Quốc” khép lại tập thơ như tiếng chuông gióng lên đầy dũng mãnh cho hệ tư tưởng xuyên suốt ngàn năm của Phật Giáo Việt Nam “Đạo Pháp đồng hành cùng Dân Tộc”.

Dường như tác giả quan niệm rất rõ ràng kiếp người khi sinh ra đã là một sự nợ nần, trả vay hết sức tự nhiên:

Có phải vì mình nợ thế gian
Mà sao vương mãi … tránh lại càng
Còng lưng gắng trả dù cao lãi
Nợ cũ vừa xong, nợ mới mang
Mỉm cười: “Ừ nhỉ! Ai bảo vay?”
Trả vay vay trả chuyện xưa rày
Muốn đừng vướng mắc thôi vay trả
Xua bóng đêm dài, tỉnh mộng say

Cái nhãn quan ấy về sự sinh đã hướng tác giả tới sự gắng thoát khỏi đêm dài thế tục của kiếp người để bước sang một thanh thản “rũ sạch bụi trần”. Từ thanh thản này, tác giả nhìn ra những u mê của cõi người ta, nhìn ra chỗ sáng láng để dấn thân, để đi tới: “Lá rơi in bóng vô thường/ Thời kinh cầu nguyện đưa đường người đi”. “Thì em ơi hãy nhận diện nguyên nhân đau khổ/ Bình thản đón nhận bằng tâm trung thực công bình”.

Và nhận ra lối thoát: “Đi anh nhé rời xa phiền não/ Cõi ta bà lắm nẻo u mê/ Theo em nhé sớm chiều kinh kệ/ Lòng an vui như thấy đường về”.

Dấu ấn thơ của một nhà sư thời hôm nay đã được tác giả viết như không. Làm sao thơ của các nhà sư thế hệ trước có được thi ảnh này: “Phật ma, ma phật do tâm tạo/ Riêng chiếc cell phone sẵn vậy rồi!”.

Từ đó, ta cảm nhận được một tinh thần nhập thế dũng mãnh của thế hệ Tăng – Ni trẻ ngày nay. Tu không phải là bi quan yểm thế, mà là hạnh nguyện dấn thân đưa Đạo Pháp sâu rộng vào cuộc đời. Đây là mạng mạch, là hơi thở rất riêng của Bần Tăng Thi Tập.

Nhưng để đạt được ý nguyện nhập thế độ đời đó, thì trước tiên chính bản thân mỗi bần tăng phải có sự Tu Học để “rũ sạch bụi trần”. Tác giả đã phải có những quyết định dành cho sự “học” của mình qua chương “Thời niên thiếu”. Câu chuyện đi vào cửa Phật của tác giả như một duyên phận không thể thay đổi. Tác giả tâm sự rất chân thực:

Mới lớp 7, tuổi ngây thơ khờ dại
Biết gì đâu nghĩa hai chữ xuất gia
Theo mẹ đến chùa kinh kệ ê … a
Dần cảm mến màu áo nâu giản dị

Tôi mơ được vào chùa ở mãi
Học, tu sao được thanh thoát như người

Rồi một hôm khoanh tay, đứng trước mẹ rưng rưng
Dồn can đảm: “Con đi tu nghe Mẹ”

Khi mơ ước đã được mẹ cha đồng cảm, thì sự dứt bỏ đời thường để bước vào phật nghiệp lại là một giằng xé trong tâm tưởng ghê gớm. Những câu thơ tả về thời khắc ấy thật rung động lòng người:

Cha vỗ đầu mẹ ôm con ghì chặt
Không nói nửa lời mà như trút vạn lời
Nắng lên cao, mặt cách tay rời
Rồi cha mẹ xa dần … khuất dạng
Cổng thiền tự chợt sao to lớn
Như bức tường kiên cố uy nghiêm
Cậu bé 13 tuổi nuốt nước mắt cắn răng
Cúi mặt lặng thinh theo Thầy vào chính điện…

Nhịp thơ tự nhiên khiến ta nhớ đến “Tống biệt hành” của Thâm Tâm: “Người đi ừ nhỉ người đi thực/ Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say …”. Tâm trạng dâng lên đến đỉnh điểm của ngỡ ngàng trước con đường đã chọn qua cảm xúc “Ngày xuống tóc”. Đây là một bào thơ lạ và hay:

Buổi sáng đó có bao giờ quên được
Rất hồn nhiên như đi hớt tóc thôi
Sao bỗng dưng xao xuyến bồi hồi
Không hiểu vì sao người đông, đông quá!

Chợt hiểu ra ngày xuống tóc rất thiêng liêng …

Cảm xúc Phật thiền như một phản ứng dây chuyền mạnh mẽ cứ dắt hồn thơ đi qua những trạng thái bất ngờ như “Soi gương”:

Khoác áo Sa Di (tiểu tăng) đầu nhẵn nhụi
Mình trong gương nhưng bỗng lạ vô cùng
Chợt bật cười buông hết mông lung
Không tóc rối không sắc màu theo đuổi
Chỉ còn một màu nâu giản dị
Của chân thành, nhẫn nhịn, bao la
Hay màu vàng của ánh đạo sâu xa …

Bài thơ làm mới hẳn tứ thơ xưa của Tản Đà: “Mình với ta tuy hai mà một/ Ta với mình tuy một mà hai”.

Cái sự học của tác giả càng lúc càng cháy bỏng trong ý chí, khiến cho tư duy sâu sắc, chính chắn hẳn ở tuổi thiếu niên:

Đã hẹn tìm về với chân tâm
Thì dẫu gian truân vẫn cứ tầm
Sẽ có một ngày như ý nguyện
Chuông ngân … đêm tối hóa trăng rằm

“Chuông ngân … đêm tối hóa trăng rằm”, một câu thơ được làm tự nhiên nhưng thao tác thơ thật vi diệu, tinh tế xứng đáng là một câu hợp sừng sững sau các câu khai, thừa, chuyển. Sức mạnh của Phật pháp có thể làm thay đổi cả tự nhiên. Thật khâm phục khi ở tuổi thiếu niên, tác giả bằng tình yêu mãnh liệt cuộc sống tu hành đã đạt được độ “ung dung tự tại” của một hiền triết:

Tự tại ơi hãy đợi
Tham ái tâm rối bời

Yêu thương dành muôn loại
Tự tại ơi! Tuyệt vời.

Chương 3 “Hậu sinh tiếp bước” là thể hiện giai đoạn “hành” của tác giả trên bước đường tu hành. Cái “hành” của tác giả chính là sự nhận thức đời sống xung quanh bằng cái tâm của người tu hành:

Nâng bát cơm đầy thương biết bao
An lành cảm xót cảnh gieo neo
Dặn lòng hãy sống trong đơn giản
Dành dụm sẻ chia kẻ đói nghèo.

Đấy là niềm trắc ẩn của một kẻ hậu sinh được sống trong thanh bình với những hy sinh dâng hiến của người đi trước:

Đất nước mình bao nhiêu năm chinh chiến
Lớp lớp thịt xương trong lòng đất quê hương
Nghĩa trang liệt sĩ trải khắp mười phương
Từ Điện Biên tới mũi Cà Mau trắng phau mộ địa

Mộ có tên, mộ không tên và biết bao hài cốt, côi cút tủi hờn giữa rừng sâu núi thẳm

Phải “hành” thật sâu sắc mới nhận ra Bác và Phật là hình ảnh tương đồng của “cứu nhân độ thế”:

Dáng gầy Bác đã một lần
Cà sa ẩn dạng, tim mang cơ đồ

Bác là đấng cha hiền, là đức Phật tái sinh
Thị hiện cứu vớt quyền được sống công bằng
cho người dân nhược tiểu …

Và tác giả đã hành động như những gì mình tâm niệm ở ngay chính ngôi chùa mà mình trụ trì:

Sương bình minh vương vương
Khuôn viên chùa Phước Quang
Đua nhau về học Phật
Áo lam, đoàn lại đoàn …

Hay việc xây dựng nên trung tâm cô nhi Phật giáo “Suối nguồn tình thương”:

Em ơi mộng ước đây rồi
Một căn nhà với một trời yêu thương
Thôi không vất vưởng ngoài đường
Thôi không ngày tháng đoạn trường mưu sinh …

Với tượng đài Quan Âm Thị Kính rất thuần Việt ngay tại Trung tâm cô nhi. Một việc làm ngỡ bình thường nhưng tiềm ẩn lòng từ bi cao cả:

Suối nguồn Cam Lộ tràn đầy

Tình thương ban rải, cạn vơi biển sầu “hành” để đi tới xác tin một chân lý vĩnh hằng:

Phật giáo nguyện mãi mãi là hơi thở, là bình minh của dân tộc.

Cái “hành” tỏa rộng ra khắp nhân gian, ra khắp hành tinh:

Yêu trái đất yêu thiên nhiên
Như con yêu mẹ gắn liền thịt xương
Nhìn lá hoa ta như thấy đất trời có mặt

Trông một hạt cát như thấy cả lịch sử vũ trụ cấu thành.

Tư duy này như tư duy của Văn Cao trong bài viết về tập thơ “Những ngọn đèn” của Yến Lan từ gần 60 năm trước.

Giai đoạn “du” theo những chuyến hoằng pháp được tác giả thể hiện trong chương 4 “Ký sự những miền đất lành”. Khi thả mình đắm chìm trong thiên nhiên tươi đẹp của tổ quốc, bút lực của tác giả dường như bay bổng trong những câu thơ chứa chan thi ảnh đầy thẩm mỹ.

Đến đất Kiên Giang là: “Mái cong nào én liệng mãi mùa xuân/ Đò dọc, đò ngang con kinh nào chèo khua nước bạc”. Đến cầu Cần Thơ là: “Cần Thơ – Vĩnh Long không còn ngăn cách/ Cây cầu xinh nối tuyến đường huyết mạch”. Thật da diết khi nghe đàn ca tài tử:

Tiếng hò sông nước Cửu Long
Tự bao giờ thấm vào lòng thật sâu
Tha phương dù tận đâu đâu
Điệu ca vọng cổ ngọt ngào mãi theo

Cứ thế, tác giả thả tâm hồn bay liệng trên không gian các miền đất như một cánh chim phiêu lãng. Đến Nha Trang là: “Hát mãi cho người nghe điệu rì rào sóng vỗ/ Đẹp hoài nghe em, biển cát trắng Nha Trang”. Đến Quy Nhơn thì cảm hoài Hàn Mặc Tử: “Tài hoa yểu mệnh đời thương tiếc/ Hàn Mặc Tử đi tình vẫn đầy”. Đến An Giang chợt trầm lắng: “Trên chuyến phà qua Mỹ Hòa Hưng/ Con đò chiều nghiêng nghiêng câu vọng cổ”, “Ai chạm cho em một chút buồn/ Thoáng buồn tư lự một Châu Giang”.

Và thật xao xuyến giữa Sài Gòn: “Bể dâu … vật đổi sao rời/ Sài Gòn vẫn đẹp muôn đời thịnh hưng”. Đấy là nhưng xúc cảm tinh tế qua những chuyến hoằng pháp trên khắp nẻo đường đất nước của một Hoằng pháp viên yêu thơ nhưng không quên chuyển tải sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của mình vào câu chữ:“Thuyền Bát Nhã vững tay chèo/ Nhắn bờ tỉnh thức gian lao không sờn”, và cả quyết tâm: “Giữ cõi trần nối tiếp/ Che chắn bụi hư vô/ Cuồng phong hay bão tố/ Bằng cà sa đơn sơ”.

Chương 5 “Phật, em và tôi” là chương nói tới các giai đoạn Lão – Bệnh – Tử. Bằng một cái nhìn già dặn của Lão, tác giả bàn về “Phật pháp với doanh nghiệp”, “Kinh tế tỉnh giác” – những đề tài rất thực tế và rất nhập thế, bàn ngay về con đường mà mình đang dấn thân. Câu thơ “Em là tôi và tôi cũng là em/ Cùng bản thể vô sinh vô diệt” rất Trịnh Công Sơn trong “Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng”. Tác giả thật bình thản khi bàn về Bệnh – Tử:

Chết không phải là điều đáng sợ
Chỉ là sự thay đổi hình hài
Xác thân tàn tạ bỏ đi
Thân tướng mới mẻ xinh tươi khởi đầu
Chết chỉ là quá trình chuyển tiếp
Là điểm tột cùng của một giai đoạn mà thôi

hay:

Ra đi nhè nhẹ thong dong
Ra đi không vướng bụi hồng thế gian
Ra đi không chút xốn xang
Ra đi như thể là đang trở về

Đạt được sự bình thản này đâu có dễ. Phải thật thấu triệt và hoàn toàn thanh thoát. Hình như đó là sự gói lại của một tâm hồn thơ đạt tới độ giác ngộ cao siêu mà Bần tăng Thích Phước Ngọc định chia sẻ với nhân gian: “Ngày nào về với hư không/ An nhiên tự tại thong dong Phật đài”.

Chương 6 “Hộ Quốc” với bút lực của thể ca truyền tải sự dũng mãnh tinh thần Phật Giáo và Dân Tộc. Cảm nhận được tác giả đã làm sống dậy Hào Khí Đông A một thời của nước Đại Việt:

Nước Việt ta Nam Bắc một nhà,
Lòng dân chung khối.

….

Dân tộc ta
Chí quật cường bao đời nuôi dưỡng

Hay:

Việt Nam ta tuy nhỏ bé
Nhưng cuồn cuộn sóng yêu thương

Nội dung thơ làm ta liên tưởng ngay đến những áng chính ca thuở nào còn vang vọng đâu đây. Nhìn lại lịch sử của Phật Giáo Việt Nam và những thăng trầm trong việc giữ nước và dựng nước, thì rõ ràng Phật Giáo luôn đồng hành cùng vận mện dân tộc. Hình ảnh vua Trần Nhân Tông “cởi cà sa khoác chiến bào” để mang lại thái bình cho đất Việt. Để rồi từ đây, Phật Giáo Việt Nam có một nét rất Thuần Việt mà không lầm, không lẫn ở bất kỳ nơi đâu.

Mạch nguồn đó âm ỉ và nuôi nấng bao hạt mầm của trưởng tử Như Lai qua bao thế hệ mai hậu. Khí thơ mạnh mẽ là thế, nhưng vốn có nhân duyên sinh làm “người dân Việt” yêu chuộng hòa bình, vốn có nhân duyên được đi theo Đạo Phật – đạo của từ bi, nên giữa những lời thơ trầm hùng đó, vẫn len lõi sự từ ái, dịu dàng… Có lẽ, đây mới chính là cái chất thơ của một nhà sư:

Quá khứ đã qua, thôi ta xin khép lại
Mình bắt tay nhau giữa thời đại văn minh
Hướng tới một thế giới hữu nghị hợp tác hòa bình
Đó mới là nguyện ước của vạn loại nhân sinh, bạn ạ!

Rõ ràng, tư tưởng Phật Giáo luôn được tác giả đả thông qua mọi góc nhìn, kết hợp với một tâm hồn thi sĩ và thế là thăng hoa trong tự tại:

Việt Nam tôi, ôi những giấc mơ hoa
Mãi một màu thanh bình cho nhân sinh vạn loại
Mãi một hương sen Thiền cho lòng luôn tĩnh tại
Mãi một giọt đàn bầu khắc khoải tiếng tơ vương
Đất tôn nhau, nước hòa cùng nhau lại
Sống làm người, hãy biết Hiểu và Thương.

Khép lại gần 200 trang của Bần Tăng Thi Tập, tôi cảm nhận đúng như lời khai đề tác giả đã gửi gắm: Bần Tăng Thi Tập như một dấu ba chấm… trải dài và bao trùm tất cả, nhưng cái bao trùm đó rất tự tại, rất tự do, tựa hồ như những đường thơ bay “khi cao vút”, “khi ngọt ngào trần lụy” theo tư tưởng của một vị Tăng trẻ. Dấu ba chấm này, sẽ còn mãi trong lòng người mộ đạo, yêu thơ, như chính sự cung kính nâng niu“vạt áo Bần Tăng” mà từ thuở niên thiếu tác giả đã nguyện khoát cho mình: “Bao kiếp luân hồi với chút duyên/ Trần gian ghé bước thật êm đềm/ Áo Chân Như khoát từ niên thiếu/ Chìm, nổi, tỉnh, mê… vượt thác ghềnh”. Bần Tăng Thi Tập khép lại đạm nhiên, tự tại là thế!

Theo Viết
MỚI - NÓNG