Thoái vốn hãng phim truyện, tranh cãi di sản nóng tại họp báo Bộ Văn hóa

Nóng vấn đề cổ phần hóa hãng phim truyện tại họp báo quý IV tại Bộ VHTTDL
Nóng vấn đề cổ phần hóa hãng phim truyện tại họp báo quý IV tại Bộ VHTTDL
TPO - Thông tin thực hiện kết luận thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hóa hãng phim là một trong những vấn đề nóng nhất tại cuộc họp báo quý IV năm 2019, tại Bộ VHTTDL ngày 3/1.

Chủ trì cuộc họp báo quý IV, ông Nguyễn Thái Bình Người phát ngôn Bộ VHTTDL nhận được nhiều câu hỏi của báo giới về quá trình thực hiện kết luận thanh tra Chính phủ, xử lý dứt điểm việc cổ phần hóa hãng phim và giải quyết thắc mắc của nghệ sỹ nêu ra nhiều tháng nay. Ông Bình cho biết: “Bộ nhận được văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Chúng tôi đang làm rồi”.

Về việc thoái vốn hãng phim, Người phát ngôn Bộ VHTTDL cho biết Chính phủ chỉ đạo Bộ xác định số tiền cụ thể để hoàn trả nhà đầu tư chiến lược. Hiện nay Bộ đang xử lý thoái vốn, sau đó sẽ xem xét xử lý các cá nhân liên quan. 

Tuy nhiên liên quan tới các câu hỏi về hoạt động của hãng phim, chế độ của nghệ sỹ đại diện Bộ chưa có giải đáp thấu đáo. Nghệ sỹ hãng phim nhiều tháng qua liên tục giăng băng rôn xung quanh Hãng phim yêu cầu giải quyết dứt điểm cổ phần hóa tại đây.

Thoái vốn hãng phim truyện, tranh cãi di sản nóng tại họp báo Bộ Văn hóa ảnh 1 Người phát ngôn của Bộ VHTTDL giải đáp thắc mắc về cổ phần hóa hãng phim truyện

Liên quan tới điện ảnh, một số phóng viên quan tâm tới bộ phim Ròm được giải thưởng LHP Busan khi chưa có giấy phép phổ biến, quá trình xử lý ra sao? Sau khi có văn bản của Cục Điện ảnh về xử lý bộ phim, nhà sản xuất nộp bản phim có chỉnh sửa để xin cấp phép phổ biến nhưng chưa có hồi âm. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Cục phó Cục Điện ảnh trả lời Cục đã nhận được bản phim này, đang tiến hành các thủ tục chuyên môn. 

Trong cuộc họp, ý kiến gây tranh cãi về thuật ngữ "vinh danh", "tôn vinh" "công nhận" di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại những ngày qua một lần nữa làm nóng diễn đàn. Trước đó ông Frank Proschan có phát ngôn về việc hiểu sai khái niệm UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Ông Trần Đình Thành, Cục Phó Cục Di sản giải thích, ý kiến của ông Frank chính là câu chuyện ghi danh di sản không có nghĩa là chạy theo danh hiệu, UNESCO không có ý định phân cấp và phân biệt di sản cấp quốc gia, thế giới mà nhấn mạnh chủ thể của di sản là của cộng đồng. 

Thực tế Việt Nam có 13 di sản được ghi danh vào danh mục Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. UNESCO có những tiêu chí cụ thể để ghi danh di sản, đi kèm với danh hiệu là các cam kết của quốc gia thành viên có di sản được ghi danh. Sáng 3/1, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và TS. Frank cũng có buổi nói chuyện, trao đổi kỹ hơn về việc này.

Trong khuôn khổ họp báo sáng 3/1, Bộ VHTTDL mời các cơ quan báo chí bình chọn 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2019.

MỚI - NÓNG