Tìm bình yên cho người đã khuất

Chùa Kỳ Quang 2 vốn là ngôi chùa đẹp, thu hút khách tham quan
Chùa Kỳ Quang 2 vốn là ngôi chùa đẹp, thu hút khách tham quan
TP - Hàng trăm hũ cốt tại chùa Kỳ Quang 2 (TPHCM) bị mất tên tuổi, hình ảnh dẫn tới việc rất khó xác định được hũ tro cốt nào là của ai thực tế này khiến nhiều người dân lo lắng, hoang mang về chuyện “hậu sự” cho người thân trong thời đô thị hóa, đất chật, người đông. Chị Mỹ, người dân quận 12 nói. “Đem tro cốt gửi chùa mà còn mất thì giờ biết gửi chút tro tàn nơi đâu?”.

Cụ Chi và người chồng gốc Quảng Nam mất và được con cháu mua đất, an táng trong chùa Kỳ Quang 2 (Gò Vấp, TPHCM), những tưởng đó là chốn yên nghỉ cuối cùng của các cụ song thực tế lại không phải như vậy. Thực hiện chủ trương không chôn cất trong khu dân cư, không duy trì các nghĩa trang trong phố phường, TPHCM đã giải tỏa nhiều nghĩa trang trong nội đô, trong đó có nghĩa trang của chùa Kỳ Quang 2. Con cháu cụ Chi nói: “Chúng tôi theo lời của chùa, đã bốc mộ hai cụ lên để hỏa táng, đem tro cốt gửi trong chùa. Bây giờ lại xảy ra vụ việc chùa tu sửa, kho cốt ngổn ngang, không rõ tro cốt của ai! Hai lọ cốt của các cụ gửi chùa, hiện giờ chúng tôi tìm được một tấm hình nhưng lại chưa tìm được hũ cốt?”. 

Sư thầy Thích Quang Thành, người thường giúp các gia đình tổ chức lễ cúng cho người quá cố, giờ suốt ngày đón tiếp thân nhân người đã khuất hỏi về tro cốt của gia đình. Thầy Thích Quang Thành nói: “Tôi được biết, thời gian qua, những người tu sửa trong chùa đã sơ ý làm thất lạc nhiều hình ảnh, tên tuổi trên các hũ cốt. Trong số gần 900 hũ cốt lưu tại đây, hiện có gần một nửa số ấy bị rơi mất hình ảnh, biển ghi tên tuổi người đã khuất”.  

Trưa 5/9/2020, Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM quyết định tạm ngưng chức vụ trụ trì chùa Kỳ Quang 2 đối với hòa thượng Thích Thiện Chiếu.

Danh nhân, liệt sỹ cũng bị “mất cốt” 

 Chị Vân, người ở gần chùa vừa khóc nức nở vừa nói với phóng viên Tiền Phong: “Gia đình em ở sát chùa, trước có công đức một phần đất để xây dựng chùa này. Trong chùa có lưu trữ cốt của 12 người, từ các cố, đến ông bà, cô bác chúng em. Vậy mà mấy hôm nay, tìm mãi không biết cốt nào là của gia đình. Hình ảnh thì chúng em mới tìm thấy ở trong một cái túi để ở góc chùa, nhưng giữa hàng trăm hũ cốt không tên, bây giờ không xác định được đâu là hũ cốt của cố, của ông, bà”. 

Anh Bình, người gửi 5 hũ cốt của người thân trong gia đình  đã khuất vào chùa kể: “Tôi nghe nói chùa sửa chữa làm mất hết di ảnh, tên tuổi trên hũ cốt, vội chạy vào thì thấy hũ cốt xếp ngổn ngang mà tên tuổi dán trên đó thì không còn nữa”. Tối 4/9, anh Bình tìm thấy di ảnh của chị gái, không cầm được nước mắt, anh kêu lên: “Chị ơi! Em tìm chị mấy hôm nay không thấy, giờ thấy hình chị nằm ngoài chùa, còn hũ cốt chị đi đâu rồi?”. 

Sư thầy Thích Quang Thành ngậm ngùi nói với phóng viên: “Chẳng giấu gì nhà báo, sai sót xảy ra rất đau lòng. Trong số các hũ cốt đặt tại chùa, hiện bị thất lạc tên tuổi, có nhiều hũ cốt là thân nhân của các cán bộ cách mạng, trí thức địa phương. Thậm chí, hũ cốt của danh nhân, liệt sỹ Nguyễn Văn Lượng (tên liệt sỹ đã được dùng để đặt tên đường ở quận Gò Vấp), cũng bị thất lạc mất tên, hiện đang phải xác định lại chính xác hũ cốt của cụ là cái nào!”.

Chiều 5/9, đại diện của chùa Kỳ Quang 2 đã gặp các thân nhân, gia đình những người có tro cốt gửi tại chùa. Thời gian tới, chùa sẽ phối hợp với các gia đình, các cơ quan chức năng xác định danh tính các hũ tro, dựa vào hình ảnh còn tìm thấy được, cũng như vị trí, các dấu hiệu trên các lọ tro cốt. Chùa cũng đề xuất phương án sẽ đúc tượng Phật từ những hũ tro không thể xác định được danh tính, đồng thời sẽ có bảng bia ghi tên những người đã khuất. 

Tìm bình yên cho người đã khuất ảnh 1 Chị Vân rơi nước mắt khi đã  tìm được di ảnh người thân tại chùa Kỳ Quang 2 nhưng chị vẫn chưa tìm được hũ cốt
Ảnh: Trần Nguyễn Anh


Sư thầy Thích Quang Thành nói với phóng viên: “Chùa Kỳ Quang 2 chúng tôi xây dựng từ đầu thế kỷ 20, mà đến nay cũng chỉ lưu giữ chưa tới 900 cốt, số lượng như vậy là rất ít, chủ yếu là ưu tiên cho những người có đóng góp với chùa, đóng góp từ thiện nuôi trẻ mồ côi ở chùa, chứ không hề có tư tưởng kinh doanh trục lợi gì cả. 

Bảo quản thế nào cho văn minh?

 Ngày 4/9, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản yêu cầu các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá việc gửi và thờ phụng tro cốt tại các cơ sở tự viện Phật giáo tại địa phương, nhằm tạo cơ sở để Giáo hội đưa ra định hướng trong công tác quản lý Phật sự đặc thù.

Thượng tọa Thích Chân Quang cho biết: “Ngày 26 tháng 11 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 2282/QĐ - TTg phê duyệt đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng với mục tiêu từng bước đưa việc hỏa táng trở thành hình thức táng phổ biến của người dân Việt Nam tại các địa phương trên toàn quốc theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường. Từ đó, người dân có xu hướng thiêu và gửi tro cốt của người đã khuất trong chùa”.

Ảnh hưởng từ việc giải tỏa các nghĩa trang nội đô và nhu cầu hỏa táng tăng cao, ước tính những năm tới, chỉ riêng TPHCM đã cần không gian mới cho thờ tự khoảng 50.000 lọ cốt/ năm. 
Hòa thượng Thích Chân Quang phân tích: “Người sống có tâm lý gửi tro cốt của người đã khuất lên chùa thờ phụng với mong muốn người thân của mình có được một nơi yên nghỉ an lành, hằng ngày được ở trong không gian thanh tịnh của Phật, được nghe Kinh Phật, được Quý Thầy cúng thức ăn mỗi ngày,... Đây như là một lời tri ân, một sự hiếu kính với tổ tiên… Tuy nhiên, hiện chưa có những quy  định cụ thể về việc tổ chức các tháp cốt trong các cơ sở tôn giáo như thế nào”. 

“Giáo hội Phật Giáo Việt Nam nên có những quy định cụ thể về việc gửi tro cốt tại chùa để thờ phụng phù hợp với nhu cầu và điều kiện tại từng địa phương nhằm khuyến khích các chùa cùng làm theo mô hình này. Đây là một mô hình thờ tự mới, tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường, phù hợp với sự phát triển của một đất nước tiến bộ”.

Thượng tọa Thích Chân Quang


Việc hỏa táng, gửi tro cốt, hoặc chỉ gửi hình ảnh vào các chùa, các cơ sở tôn giáo được xem là xu hướng hiện đại, phù hợp với xã hội hiện đại. Song, các cơ sở tôn giáo cũng gặp không ít khó khăn trong việc lưu giữ cốt do thiếu diện tích, thiếu người trông coi bảo vệ. Hòa thượng Thích Từ Trí, chùa Giác Lâm (TPHCM) nói: “Quan điểm của thầy là không lơ là việc quản lý nhà cốt vì mất tiền của đền được còn mất  tro cốt không thể đền bằng tiền...

MỚI - NÓNG