Tôi đã viết 'Bến không chồng' như thế!

TP - Là người cầm bút, tôi đã viết bằng cả trái tim mình vì quê hương. Ðó là câu trong suốt ba chục năm qua, tôi đã luôn tâm nguyện. Tôi viết bằng cả tấm lòng yêu thương của một người lính từ chiến trường về nhìn thấy quê hương, thấy những người thân yêu của mình chịu bao mất mát thương đau vì chiến tranh.
Tôi đã viết 'Bến không chồng' như thế! ảnh 1

Bia tưởng niệm Bến không chồng, khánh thành tháng 3 năm 2019

Sau 15 năm thống nhất, do cơ chế bao cấp, đất nước vẫn còn quẩn quanh trong khó khăn đói kém. Đến những năm1989- 1990, công cuộc đổi mới đất nước mới bắt đầu: Mở cửa biên giới thông thương làm ăn với nước ngoài, kinh tế dần hồi phục, văn học ngày ấy mới được gọi là“ cởi trói”. Chả biết ai trói ai hay mình tự trói mình. Tôi cũng theo trào lưu ấy, lao vào thử sức viết một cuốn tiểu thuyết xem sao.

Trong tâm thế lúc ấy cũng lơ mơ nhận ra “Tiểu thuyết là cỗ máy cái của văn học”. “Bến không chồng” chính là tiểu thuyết đầu tay của tôi nên khi viết cứ vô tư thấy gì viết nấy. Các nhân vật có sẵn trong làng trong xóm cứ thế mà phanh phui mổ xẻ chẳng ngại ngần gì. Các nhân vật chính như chú Vạn, bà Nhân, bà Hơn, đều là bà con họ tộc trong làng. Còn Hạnh, Dâu, Thắm đều là bạn bè trang lứa. Khi viết tôi hình dung ra rõ tính cách từng người. Mỗi người một thân phận khác nhau. Câu chuyện tôi muốn gửi gắm tới bạn đọc với chủ đề chính là sự hi sinh mất mát vô cùng lớn lao của người dân quê tôi và những cô gái trong làng, họ đã trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Các trai làng ra trận để lại những cô gái không chồng hoặc có chồng cũng như không. Điều quan trọng hơn cả là sắp xếp các mối quan hệ cho hợp lí để bố cục tác phẩm cho chặt chẽ.

Khi viết “Bến không chồng” tôi mới chỉ là anh chàng thợ máy tàu thủy, làm máy trưởng của con tàu HQ06 của Cục Hải quan Quảng Ninh. Ngoài công tác kiểm soát chống buôn lậu, còn phải tham gia sản xuất trồng lúa, trồng khoai sắn, và còn cả đánh cá cải thiện đời sống, tham dự vào công cuộc chống đói như trên tôi đã đề cập. Đói thì đói, nhưng trong tư tưởng vẫn luôn hồn nhiên tràn đầy khí thế quyết chí tới mức ngu ngơ, hứng lên làm đơn xin lãnh đạo cục cho nghỉ không hưởng lương 6 tháng liền ngồi nhà viết văn, mặc cho nhiều người bảo mình gàn dở. (Cái sự gàn dở này, mãi sau này tôi mới nhận ra, đây chính là tố chất ưu việt, rất nghệ sĩ của mình).

 Khi tác phẩm Bến không chồng được gửi lên nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (nay là nhà XB Hội Nhà Văn), tôi thực sự cảm động trước nhận xét của nhà thơ Nguyễn Phan Hách: “Tiểu thuyết Bến không chồng như một biên niên sử của làng Đông nói riêng và của miền quê đồng bằng Bắc bộ nói chung.

Tôi đã viết 'Bến không chồng' như thế! ảnh 2 Một cảnh trong phim truyền hình “Thương nhớ ở ai”, chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng”
Vào một buổi tối, tôi nhận được điện thoại của nhà văn Lý Biên Cương thông báo “Bến không chồng được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam”. Tôi  dửng dưng thoáng chút nghi ngờ tưởng nhà văn nói đùa. Nhưng giọng nói đầy hào hứng của nhà văn Lý Biên Cương bảo mai lên Hà Nội, sáng kia hội nhà văn tổ chức trao giải. Khi lên tới Hà Nội, tôi nhận được điện của nhà báo Dương Phương Vinh, phóng viên báo Tiền Phong xin gặp phỏng vấn. Oách nhỉ, tôi thầm nghĩ. Và vài ngày sau đã thấy báo Tiền Phong xuất hiện bài viết với cái tít ngồ ngộ “Chàng trai thợ máy tàu thủy lĩnh giải văn chương”.

Khi nhận giải thưởng xong, tôi có ghé thăm Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan Trương Quang Được. Mục đích cũng chỉ để khoe chút thành công sau này ngành tạo điều kiện cho mình. Thật may Tổng cục trưởng là người cũng đam mê văn chương nên ông rất phấn khởi bảo tôi: Dương Hướng cứ về, hải quan Quảng Ninh sẽ tổ chức mừng giải thưởng. Đây là niềm tự hào cho ngành.

Đúng lời Tổng cục trưởng, Cục Hải quan Quảng Ninh tổ chức mừng giải thưởng tại phòng B cung Văn hóa Việt Nhật. Đại biểu mời dự có cả đại diện các ban ngành đoàn thể trong tỉnh. Tôi thật xúc động khi lên nói lời cảm ơn và đón nhận những món quà tặng. Tuy những món quà chỉ là chiếc đồng hồ treo tường, chiếc phích nước Rạng Đông, bộ ấm chén sứ Hải Dương, nhưng tôi nhận ra trên gương mặt các đại biểu là những nụ cười ấm áp, chân tình, trân quý dành cho tôi.

Tiểu thuyết Bến không chồng bắt đầu từ ngày ấy cứ liên tiếp được tái bản hàng năm, phóng viên báo chí viết bài, phỏng vấn đủ chuyện. Rồi sinh viên, học viên các trường đại học điện thoại xin gặp làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Rồi nước Pháp, nước Ý, nước Đức dịch. Đặc biệt Đạo diễn Lưu Trọng Ninh hai lần làm phim: Bến không chồng phim nhựa, Thương nhớ ở ai, phim truyền hình. Khi Thương nhớ ở ai lên sóng, báo chí khen chê loạn cả lên. Có phóng viên báo phê diễn viên mặc hở hang quá. Đàn bà con gái gì ra đường không mặc áo con. Vậy ý kiến của nhà văn sao? Tôi bảo cái thời ấy phụ nữ làng Đông quê tôi chả ai có “áo con”. Họ ra đường mặc yếm là bình thường. Các bà các cô nào mà có  được chiếc áo cánh trắng là thuộc diện hiếm phải cất kĩ khi có sự kiện gì lớn mới dám mặc.

Nhân chuyện này, bữa nói chuyện giao lưu với các bạn trẻ sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm1 Hà Nội tôi có chia sẻ về quan điểm của mình khi ta tìm hiểu và nhận xét một tác phẩm văn học, hay một bộ phim nào đó- điều cốt yếu ta phải tìm ra cái hay ở bên trong, cái giá trị cốt lõi ở chiều sâu, ở tầm cao của tác phẩm… Những tác phẩm văn học, tác phẩm điện ảnh đích thực luôn kén chọn người thưởng thức là thế. Xung quanh chuyện so sánh gữa tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh, tôi đã phải trả lời và giải đáp nhiều câu hỏi của mọi đối tượng. Đạo diễn có trung thành với tiểu thuyết không? Phim có hay hơn tiểu thuyết không? Rồi kết của phim sao lại khác tiểu thuyết?... Nói tóm lại quan điểm của tôi rất rõ ràng, Phim có cái hay của phim, Tiểu thuyết có cái hay của tiểu thuyết. Tiểu thuyết biểu hiện bằng ngôn từ, phim bằng hình ảnh. Đạo diễn và nhà văn làm sao cho tác phẩm của mình có giá trị cao là được.

Tác phẩm điện ảnh hay hơn tác phẩm văn học là đạo diễn có tài và ngược lại. Với tôi khi tác phẩm của mình được xuất bản tôi coi đấy là món quà dành cho bạn đọc. Việc dịch sang tiếng nước ngoài là nhiệm vụ của dịch thuật. Làm phim, hay chuyển thể sang sân khấu là của biên kịch, của đạo diễn. Họ muốn làm thế nào là quyền của họ.

Trong tiểu thuyết Bến không chồng, chàng thợ ảnh khuyết tật chân đi thập thễnh nên không phải đi bộ đội, anh ta tán gái rất tài nên các cô gái làng Đông mê tít. Chàng thợ ảnh có bộ râu quai nón, đẹp trai, da dẻ hồng hào. Khi tác phẩm xuất bản, tôi nghĩ anh ta sẽ nổi giận, nên lần nào về quê, tôi đều tránh không muốn giáp mặt. Thật bất ngờ, một lần tôi về thăm công trình bia lưu niệm Bến không chồng, có ông Giáo sư Guenter Giesenfeld - Chủ tịch hội hữu nghị Đức-Việt đi cùng (ông này là người dịch Bến không chồng sang tiếng Đức, ông về trả tiền bản quyền cho tôi). Bất ngờ tôi nhận được lời mời của ông Dân (thợ ảnh trong tác phẩm), kèm theo lời nhắn: “Ông đừng ngại vì chuyện bêu xấu tôi trong tiểu thuyết. Đó là thời cuộc mà…”. Lời mời như cởi tấm lòng, tôi cùng giáo sư Guenter Giesenfeld và chị Triệu Minh Châu phiên dịch cho giáo sư xuống nhà ông Dân. Chàng trai thợ ảnh phố huyện năm nào nay đã ngoài 70. Cuộc gặp mặt tay ba, giữa nhà văn, nhân vật, dịch giả sau 30 năm tác phẩm ra đời thật thú vị. Và kết cục, nhân vật chàng trai thợ ảnh phố huyện tài tán gái năm nào giờ là chủ tiệm ảnh lẫy lừng đã tình nguyện tài trợ toàn bộ phần quay phim chụp ảnh cho buổi khánh thành tượng đài tác phẩm Bến không chồng

MỚI - NÓNG