Tranh cãi quanh 'di sản của nhân loại'

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái là di sản thứ 13 của Việt Nam được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại
Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái là di sản thứ 13 của Việt Nam được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại
TP - Việt Nam tới nay vẫn tự hào có 13 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên mới đây một cựu chuyên gia của UNESCO nói rằng không có khái niệm di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tạo ra những tranh luận xung quanh câu chuyện này.  

Việt Nam hiểu sai?

Tiến sĩ Frank Proschan, cựu cán bộ chương trình cao cấp của UNESCO, cố vấn của UNESCO về Công ước 2003 Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể, học giả Fullbirght 2019 -2020 khẳng định tại hội thảo “Huy động truyền thông trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể” ở Hà Nội rằng, trong Công ước năm 2003 của UNESCO không có khái niệm di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tranh cãi quanh 'di sản của nhân loại' ảnh 1 Tiến sĩ Frank Proschan

Công ước 2003 ghi rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng cũng như những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan gắn với các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân. Tức là di sản văn hóa phi vật thể chỉ do cộng đồng sở hữu và công nhận, trong một số trường hợp là của cá nhân. Không có di sản văn hóa phi vật thể nào là của quốc gia hay của nhân loại mà chỉ có di sản văn hóa phi vật thể hiện có tại quốc gia nào đó.

Theo Công ước 2003, Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể thiết lập, cập nhật và công bố Danh sách các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhằm đảm bảo nâng cao tính phổ biến và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời khuyến khích đối thoại trên cơ sở tôn trọng đa dạng văn hóa, mọi di sản văn hóa phi vật thể đều bình đẳng nên không so sánh di sản này với di sản khác. Công ước 2003 bác bỏ việc xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể nên càng không có khái niệm xếp hạng, phân cấp di sản theo cấp tỉnh, cấp quốc gia hay di sản cấp thế giới.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết: UNESCO nhận biết từ lâu về việc hiểu và chuyển tải sai lệch khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể trong Công ước 2003. Các sai lệch bắt nguồn từ việc chuyển ngữ từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt. Tuy nhiên, vì điều kiện có hạn nên UNESCO chưa thể dịch, cập nhật liên tục được mà đang tập trung đối thoại trực tiếp với nhà quản lý, cộng đồng sở hữu di sản.

Trả di sản về cộng đồng

Sau khi TS Frank Proschan lên tiếng, nhiều người tỏ ra nghi ngại về loạt 13 di sản được UNESCO ghi danh suốt thời gian từ 2003 đến nay. Họ đặt câu hỏi vậy danh sách Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vô giá trị? Việc Việt Nam cố gắng hoàn chỉnh hồ sơ để đệ trình hằng năm là việc làm vô ích, đổ sông đổ biển?

TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia giải thích, vẫn có danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Tên danh sách là như thế nhưng quan điểm của UNESCO thì cho rằng di sản là của cộng đồng, không có di sản nào của chung nhân loại cả. Di sản của cộng đồng, được sinh ra từ cộng đồng và được cộng đồng bảo vệ. Việc công nhận là công nhận trong một danh sách của UNESCO được các quốc gia đệ trình lên, còn chủ nhân của di sản không ai khác chính là cộng đồng. UNESCO muốn nhấn mạnh rằng di sản là thuộc về cộng đồng, của cộng đồng chứ không phải của nhân loại”, ông nói.

Theo cách cắt nghĩa này có thể hiểu: Quan họ là di sản của cộng đồng người dân ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Không gian văn hóa cồng chiêng tây nguyên là thuộc về đồng bào ở Tây Nguyên, hay di sản thực hành Then của cộng đồng Tày, Nùng, Thái chứ không phải của cả nhân loại. Nhận thức được điều này giúp mỗi quốc gia thành viên xác định chủ nhân thực sự của các di sản văn hóa phi vật thể đó. Công ước 2003 nhấn mạnh câu chuyện cộng đồng là quan trọng nhất, cho nên khi lập hồ sơ xét ghi danh di sản văn hóa phi vật thể vào danh sách này luôn phải lấy ý kiến và có sự đồng thuận của cộng đồng.

Xoay quanh câu chuyện UNESCO không muốn phân cấp thứ hạng cao thấp hay so sánh giữa di sản này với di sản khác, TS Bùi Hoài Sơn phân tích kỹ hơn: Trước kia UNESCO có danh sách Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền miệng của nhân loại, Việt Nam có Nhã nhạc cung đình Huế và Không Gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được ghi danh. Tuy nhiên sau này UNESCO có sự nhận thức trưởng thành hơn nên không còn câu chuyện vinh danh “kiệt tác” nữa, bởi như thế sẽ có sự so sánh hơn hẳn của một di sản văn hóa so với di sản văn hóa khác. Công ước 2003 ra đời chính là để khắc phục tình trạng so sánh này, từ đó “đại diện của nhân loại” thay thế cho danh mục “kiệt tác”.

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, việc được UNESCO tôn vinh vẫn rất quan trọng. “Tuy nhiên cần biết rằng không phải khi tôn vinh thì di sản mất đi chủ sở hữu, tôn vinh để nhấn mạnh thêm vai trò ở cộng đồng. Hiện nay có tình trạng sau khi di sản được ghi danh thì cộng đồng đang sở hữu di sản bị mất quyền kiểm soát, bởi bộ ngành, Chính phủ lại tham gia tôn vinh, quản lý các di sản này. Đây chính là điều Unesco muốn tránh. Tôi cho rằng hãy trả di sản cho cộng đồng để những người chủ sở hữu có thể điều hành, thay đổi thì mới đảm bảo được giá trị của di sản”, TS Bùi Hoài Sơn nói.

Gần đây những người bên ngoài cộng đồng tổ chức các màn đại xòe kỷ lục gây nhiều tranh cãi. Các chuyên gia văn hóa cho rằng, hành động đó làm sai lệch di sản, bởi những người đưa ra ý tưởng biến di sản văn hóa phi vật thể thành các kỷ lục với mục đích lan tỏa di sản, nhưng lại không hiểu rõ giá trị của di sản nên dễ làm méo mó, biến đổi theo hướng sai lệch so với những giá trị ban đầu mà UNESCO vinh danh. Tất nhiên di sản văn hóa phi vật thể có sự tiếp biến, phát triển theo từng thời đại, thế nhưng lựa chọn thay đổi đó phải xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, từ tri thức của họ.

MỚI - NÓNG