Trên đường đua MV quảng cáo

Xe máy mới là nhân vật chủ đạo trong MV của Đen Vâu và Justa Tee
Xe máy mới là nhân vật chủ đạo trong MV của Đen Vâu và Justa Tee
TP - Chưa bao giờ câu “thầy già… ca sĩ trẻ” ứng nghiệm đến thế. Trong thời đại mà người trẻ trở thành lực lượng tiêu dùng chính, các nhãn hàng luôn cần tìm những gương mặt trẻ trong showbiz để gửi gắm mặt hàng cần bán. Chỉ vài năm trước, cô gái vàng trong làng quảng cáo là Min thì nay vị trí ấy đã phải nhường lại cho Amee. 

Nhìn lại các MV gần đây của nữ ca sĩ sinh năm 2000 đều lặp lại công thức của một MV ca nhạc cộng sinh quảng cáo với hình ảnh màu mè, kỹ xảo bắt mắt để cuốn thị giác của người xem rồi đến điểm cần thiết sẽ tung ra sản phẩm với logo rõ ràng mà chẳng cần liên quan đến câu chuyện. Nếu thời của Min, công nghệ làm MV mới chỉ cho phép ca sĩ chơi game để quảng cáo game thì nay Amee bước thẳng vào làm nhân vật trong game luôn.

 Chỉ cần trẻ trung, cuốn hút, đang độ hút view là các nhãn hàng sẽ tìm tới đầu tư để các tân binh thỏa sức liên tục tung ra những MV tiền tỉ mà không phải lăn tăn, miễn là gài vào đó đôi ba sản phẩm cần quảng cáo một cách lộ liễu. Khỏi che giấu vì đã có môi trường YouTube hoặc Facebook tha hồ phát tán.

 Thoạt nhìn, sự cộng sinh này lợi cả đôi đường. Ca sĩ vừa có sản phẩm duy trì sức nóng, nhãn hàng lại vừa được quảng cáo một cách thoải mái, chả bị ai kiểm soát, thoát khỏi các ràng buộc chặt chẽ nếu xuất hiện trên các kênh truyền thông chính thống. Nhưng nếu ca sĩ không có thực lực cả về tài năng và tài chính thì khi sức hút giảm đi, không lấy đâu ra vốn để ra sản phẩm hoành tráng như trước. Hậu quả là tên tuổi nhanh chóng đi xuống.

 Ngoài ra, vô hình trung sự xuất hiện của các MV xa xỉ được đầu tư không giới hạn này làm dấy nên một cuộc đua không hồi kết. Không phải ca sĩ nào cũng muốn và cũng có khả năng xin tài trợ nhưng MV khủng thì vẫn phải ra để không bị tụt lại trên đường đua. Nó dẫn đến một trào lưu không có lợi cho âm nhạc. Thay vì đầu tư chính cho âm nhạc, ra đĩa, làm show, thì lực lượng trẻ, sung sức nhất của V-pop còn mải chạy theo trào lưu ra MV, trong đó họ trở thành đại diện (hay người làm thuê?) cho các nhãn hàng.

 Trong các MV chục triệu view, ca khúc không còn là yếu tố quan trọng. Thậm chí có những MV được lên ý tưởng kịch bản trước rồi mới đi đặt nhạc sĩ viết bài. Giai điệu cứ đều đều, quen thuộc, dễ nghe cùng giọng hát thì thào ru ngủ của ca sĩ có khi lại dễ đưa khán giả vào mê cung của hình ảnh.

 Nhìn lại đề cử MV của năm tại giải Cống Hiến vừa được trao có đến 3/6 MV đều dính quảng cáo với sản phẩm lồ lộ trong nội dung. Và nhân vật chính trong MV đoạt giải bên cạnh Đen Vâu hay Justa Tee chính là mẫu xe máy cần bán. Việc được nhận một giải thưởng khá có uy tín rõ ràng sẽ làm cho MV được biết tới nhiều hơn, đồng nghĩa với nhiều xe máy được bán hơn. Ranh giới giữa một ca khúc được viết ra một cách tự nhiên sau đó xin tài trợ để ra MV với một ca khúc được nhãn hàng đặt viết ngay từ đầu để làm MV quảng cáo khá mong manh nhưng không khó để nhận ra.

 Nếu các kênh mạng xã hội không quan tâm các sản phẩm âm nhạc có hay không có quảng cáo thì các giải thưởng chuyên môn nên có sự phân biệt này. Nên cân nhắc loại khỏi đề cử các MV có dấu hiệu quảng cáo ngay từ đầu đảm bảo tính công bằng, khuyến khích sáng tạo tự thân của nghệ sĩ, cũng là tăng uy tín cho giải thưởng.

MỚI - NÓNG