Trình độ tâm linh của người Việt qua lễ hội

Trình độ tâm linh của người Việt qua lễ hội
TP - Tháng giêng là tháng lễ hội của người Việt. Từ xa xưa, đó là phong tục lành mạnh. Người phương Tây theo Kinh thánh từ vài nghìn năm nay, mỗi tuần có một ngày nghỉ là Chủ nhật - ngày Chúa trời dựng nên thế gian.

> Đi hội là tốt, nhưng... 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nhưng người phương Đông không có ngày nghỉ chính thức nào, theo cách cả ông chủ và người làm công đều nghỉ để đi nhà thờ (đó là nguyên tắc cứng). Người phương Đông nghỉ theo nguyên tắc mềm như giỗ chạp, hiếu hỉ, lễ hội... Với người Việt, tháng giêng là tháng hội hè, cúng giỗ thần thánh, tổ tiên - được coi như nguyên tắc nghỉ ngơi mềm.

Một loạt lễ hội diễn ra ở Chùa Hương, đền Bà Chúa Kho, Đền Trần trước kia cũng như năm nay, vẫn với những hành vi nặng về cúng bái, buôn thần bán thánh, cầu tài cầu lộc, biến đền chùa thành chợ, biến thế giới tâm linh thành thế tục tham lam.

Đền Trần qua mấy mùa lễ hội đều là vấn đề nổi cộm, đến năm nay người ta còn xô đổ hàng rào thép, giẫm đạp lên nhau, nhiều người ngất tại chỗ. Đến nơi tôn nghiêm mà lại dùng tiền mua ấn bằng mọi cách, như khát hối lộ thánh thần để mua vé sớm. Đi chùa, đi động chỉ chăm chăm tìm cách nhét tiền vào nơi hiểm của các khối đá, các bức tượng để cầu xin điều này, điều nọ.

Một số chuyên gia, nhà thần học nhận định rằng trình độ tâm linh của người Việt hiện ở mức “bái vật giáo”. Người ta đem những đồ vật ăn uống được như thịt, xôi, hoa quả đến cúng thần cây đa, ma cây gạo, đền chùa. Thờ cậy ba ông Phúc – Lộc – Thọ để xin những giá trị nhãn tiền của cuộc đời.

Việc vay tiền bà Chúa Kho là ví dụ điển hình. Không chỉ ở đó mà nhiều nơi khác, người đi lễ dâng lễ vật, mắt đảo điên sợ người khác bưng mất của mình đi, trông thật trần tục. Không chỉ người ngay mà kẻ ăn gian nói dối cũng cúng vái, mà nội dung cúng lễ thì, như thiên hạ vẫn tiếu lâm: Mong cho phòng thuế có mắt như mù, công an có tai như điếc, để dễ bề buôn gian bán lậu.

Những hỗn loạn, đảo điên tranh giành, ganh đua của cả người đi lễ và người phục vụ lễ cho thấy: Họ không đến để cầu xin điều cao cả mà vẫn chỉ là ham muốn thế tục. Đền thánh không phải là nơi thiêng liêng mà chỉ là một siêu thị kiếm lãi nhờ tâm linh. Tôi nghĩ rằng, đó chính là vấn đề về trình độ tâm linh đại trà của người Việt.

Con người có tín ngưỡng, lễ bái để mong rằng cái gì họ không làm được thì đấng thiêng liêng sẽ làm thay. Nhưng rất nhiều người đi lễ hiện nay chỉ quan niệm rằng: Họ không kiếm được tiền, không thăng quan tiến chức thì thần thánh cao cả hơn sẽ giúp họ. Như vậy sẽ còn hỗn loạn dài dài. Mong sao chúng ta hãy tự xét mình để có được một đời sống tâm linh xứng đáng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG