Vụ ảnh cưới ‘chăn gối’ ở nơi biểu tượng văn hoá: Khi phố đi bộ thành phố nằm

Cảnh tác nghiệp và trình diễn bên Hồ Gươm chiều 16/9 khiến nhiều người nhìn xa tưởng tai nạn giao thông Ảnh: Hải lê cao
Cảnh tác nghiệp và trình diễn bên Hồ Gươm chiều 16/9 khiến nhiều người nhìn xa tưởng tai nạn giao thông Ảnh: Hải lê cao
TP - Xem bộ ảnh cưới độc đáo cô dâu chú rể tình tứ, vô tư nằm chình ình giữa phố đi bộ Hồ Gươm với chăn ga gối trắng toát, có người làm ra vẻ tiếc: vẫn còn thiếu bối cảnh ngã tư Cổ Nhuế, sông Tô thơ mộng, giữa dòng sông Hồng, các thứ, sao không bê nhau ra đó mà tênh hênh và chụp choẹt nốt…

LỢN CƯỚI, ÁO MỚI

Kho tàng tiếu lâm Việt Nam có truyện Lợn cưới, áo mới đặc sắc, đố không cười: Anh nọ bị sổng con lợn, đang hớt hải đi tìm thì gặp một anh đứng giữa đường bèn hỏi có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua không. Anh kia hóa ra cùng tạng, đáp: Từ lúc mặc chiếc áo mới này không thấy con lợn nào cả!

Bộ ảnh cưới gây xôn xao hai ngày nay được thợ ảnh tên là Hải Lê Cao cho biết, xuất phát từ quan niệm “Đâu ai muốn làm người bình thường khi yêu”. Xem mấy chục bức được tác giả đưa lên trang cá nhân và các báo đăng ầm ầm thì thấy họ chẳng hề muốn làm người bình thường thật.

Tông màu trắng toát chủ đạo, chăn ga gối trắng toát, hai nhân vật chính ăn vận ít vải, có những ảnh thấy chú rể vận quần cộc, cả hai nằm chình ình đọc báo giữa Bờ Hồ (cạnh đài phun nước- quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục). Hoặc kiệm vải hơn nữa và cũng nằm tênh hênh trên mái nhà phố cổ. Hoặc ngả ngớn trên cầu Long Biên trong bối cảnh đầy người, xe qua lại. Hoặc lưng trần âu yếm nhau bên bờ Hồ Tây đón mặt trời lặn…

Vụ ảnh cưới ‘chăn gối’ ở nơi biểu tượng văn hoá: Khi phố đi bộ thành phố nằm ảnh 1

Vất vả tác nghiệp giữa phố phường chật hẹp người đông đúc. ảnh: HẢI LÊ CAO

Tác giả ảnh phi lộ thêm: “Đã bao giờ bạn thật sự thả lỏng, dũng cảm buông bỏ những thứ nặng trĩu xuống và ngồi lại. Để sống hết mình, yêu hết mình mặc kệ thế gian ra sao? Bộ ảnh cưới với ý tưởng một đôi bạn trẻ thả hồn yêu nhau mặc kệ ngoài kia mọi người vội vã với việc riêng…”.

Còn đây là một luồng dư luận về bộ ảnh: “Nghĩ gì mà chềnh ềnh giữa giời giữa đất lúc thanh thiên bạch nhật như thế! Sợ thiên hạ không biết các vị cưới hay sao”.

“Studio Bờ Hồ” thời điểm chiều 16/9 ngoài hai nhân vật chính còn có ê- kíp dăm người với dăm xe máy để cơ động bốc dỡ đạo cụ sang các nơi chốn khác. Đầy người mắt tròn mắt dẹt đứng quanh song không quá đông, chắc do ảnh hưởng dịch dã. Thôi thế cũng đủ nổi tiếng rồi!

ĂN TRÔNG NỒI NGỒI TRÔNG HƯỚNG

Câu “ăn trông nồi ngồi trông hướng” các cụ dạy theo cả nghĩa đen nghĩa bóng. Còn thợ ảnh Hải Lê Cao kể cô dâu chú rể “yêu nhau theo cách rất thoải mái nên không có gì phải ngại”. Cứ hồn nhiên thôi!

Anh cũng cho biết chả bị ai làm khó khi tác nghiệp. Bởi mình chả làm gì vi phạm pháp luật? Cũng có xe của phường đến nhắc nhở là vì mấy cái xe máy đỗ không đúng qui định mà thôi.

Vụ ảnh cưới ‘chăn gối’ ở nơi biểu tượng văn hoá: Khi phố đi bộ thành phố nằm ảnh 2

Tình tự bên cầu Long Biên. ảnh: HẢI LÊ CAO

Chúng ta, người ngoài nhìn vào thì sao?

Ảnh chụp đẹp xấu không nói, vấn đề là bộ ảnh “lăn lê Hà Nội”, “chăn gối muôn nơi” này có gây cản trở giao thông? Thì rõ ràng là có. Trên cầu Long Biên, hai nhân vật chính nằm ngả ngớn tình tự như trong phòng ngủ nhà mình khiến đầy người đi xe trên đường tò mò chú mục. Hãy lấy làm may mắn là chưa có sự cố giao thông xảy ra. Có người bình: “Sao không ra nốt đường cao tốc hoặc đường ray xe lửa mà nằm chụp một thể nhỉ!”, “Có cái xe mất phanh nó lao vào lại đổ tại số và tại tháng cô hồn”. Người chụp ảnh thì đổ tại dân mình tò mò chứ ê kíp có định cản trở giao thông đâu.

Đường đi lối lại, không gian công cộng đâu phải chỗ muốn nằm thì nằm muốn dãi thẻ thì dãi thẻ, kể cả khi sự nhầm lẫn của anh chị chưa kịp gây tai nạn đi nữa. Một người khác tả: “Tại ngã tư Tràng Tiền chờ đèn đỏ, đôi bồ cu chạy ra đứng trước đoàn người chờ dừng để chụt chụt và bưng bổng nhau lên. Đến chịu!”

Và bộ ảnh “tứ bể là nhà” này có gây ô nhiễm cảnh quan, mất mỹ quan đô thị không? Phố xá sông hồ cầu cảng, nhất là những danh lam như Hồ Gươm, Hồ Tây, Long Biên, Hồng Hà không phải chốn để bạn diễn cảnh gối chăn. Người ta nói “chuyện phòng the” nghĩa là chuyện chỉ có hai người biết với nhau. Từ bao giờ có những người lại coi việc bê những thứ riêng tư trình ra chốn công cộng là hết sức bình thường, “chả ảnh hưởng đến ai”. 

Và khi hồn nhiên phô diễn sự khác người của mình trước thiên hạ thì bạn phải chấp nhận trí tưởng tượng bacy bổng của họ thôi: “Ơ chỉ nằm thế này thôi à, tưởng phải làm gì nữa chứ!” “Sẵn nong sẵn né sao không làm tới luôn cho ảnh cưới sweet hơn, sợ gì bố con thằng nào”, “Ra nhà xác chụp cho đúng tông màu trắng luôn đê”…

Ăn trông nồi ngồi trông hướng, thế mà có những người trẻ cấp tiến quan niệm mình thích thì mình làm thôi, bất chấp? Còn thợ ảnh một khi đang mê mải theo đuổi “yên sĩ phi lý thuần”, “săn bắt con nghệ thuật” thì làm gì có rào cản!?

Vụ ảnh cưới ‘chăn gối’ ở nơi biểu tượng văn hoá: Khi phố đi bộ thành phố nằm ảnh 3

Mô típ ảnh cưới chụp trên mái nhà của HẢI LÊ CAO

NGHỆ THUẬT?

Trên một diễn đàn, có người tỏ ra thành thạo, thông tin: “Style này có lâu rồi, coi Tiktok của Trung Quốc có mấy cặp chụp kiểu này rồi”.

Cảnh hai anh chị điềm nhiên nằm đọc báo giữa phố với ngổn ngang chăn gối, liệu có phải bắt chước bức ảnh nổi tiếng John Lennon và Yoko Ono cũng nằm đọc báo trên giường để quảng bá tư tưởng “Make love, not war” (làm tình, không làm chiến tranh) nhằm phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam? Tôi không nghĩ xa thế. Với lại cặp vợ chồng “nổi tiếng hơn cả Chúa Jesus” nọ (ca sĩ John Lennon tự nhận mình nổi tiếng hơn cả Chúa Jesus) cũng có nhao ra giữa đường đâu.

Tác giả bộ ảnh cưới “không giống ai” tỏ ra hoàn toàn tự tin về độ ép-phê của nó. Nhưng có sự lầm lẫn ở đây- lầm lẫn dung tục với nghệ thuật, khiến phản cảm. Nghệ thuật mà chỉ thỏa mãn cái tôi lệch chuẩn của mình, không đúng nơi đúng chốn, không phân biệt được điều sơ đẳng giữa không gian công cộng và riêng tư, thì là nghệ thuật gì? Năm ngoái cô gái cởi trần cắp nón che một phần ngực leo lên mái nhà cổ ở Hội An để chụp ảnh cũng gây ầm ĩ, chủ quán cà phê- nơi chắp cánh cho cô thao diễn thì bị quản lý địa phương sờ gáy, nhưng xem ra so với bộ ảnh “bạ đâu ngủ đó”, “màn trời chiếu đất”  này, vẫn lịch sự chán.

Quan sát phản ứng của độc giả trên các báo và thành viên các diễn đàn thì thấy ngoài dòng chủ lưu là chỉ trích phê phán sự lập dị hoặc cười nhạt kiểu “không chấp”, cũng đầy người thấy “hay đấy chứ” “đẹp thế còn chê, ai ngon quăng ảnh mình đẹp hơn vào đây”… Cứ đà này hẳn còn nhiều “concept” kinh dị được sản xuất, với những studio ngày càng “tìm tòi” hơn?

“NHẬN GIẶT LÀ CHĂN GA GỐI ĐỆM”

(Bình luận của một số bạn đọc và cư dân mạng về bộ ảnh cưới “độc lạ” hôm 16/9)

Trời nóng vãi, sao ê kíp không cho hai bạn mẫu cởi hết ra chụp có phải vừa tự nhiên vừa mát không.

Chả may vớ phải ông lái xe say rượu hay mất phanh làm cái “bép” thì…

Tưởng tai nạn, A di đà phật.

Tên bộ ảnh là gì vậy, mang chăn gối đi khắp thế gian à.

Nhìn ảnh nằm mái nhà cứ liên tưởng mấy anh ngáo đá lên cơn…

Bộ ảnh cưới có tên “Vô gia cư”.

Từ chối hiểu.

Lăn lê khắp Hà Nội như thế hẳn chăn gối nhàu nhĩ bẩn thỉu, đây nhận giặt là chăn ga gối đệm nhé.

Sáng sờ tạo là không giới hạn.

Ơ thế không có tư thế 69 à.

Chẳng qua Cô-vít chứ bình thường xe với người đè bẹp các chế rồi.

Tình chỉ đẹp khi phường chưa đuổi.

Tôi đi qua cầu Long Biên giờ tan tầm đúng lúc mấy bác đang chụp ảnh. Cứ thắc mắc mãi, nằm dưới đấy có hít bụi nhiều hơn tôi ngồi trên xe không.

Những đôi lúc cưới lãng mạn quá, sau một thời gian dễ có biến.

Mới đầu chưa quen nhìn như giống dở. Nhìn quen mắt rồi thì thật sự là dở.

Mai chúng mình cũng phải đổi tọa độ mang chăn ga gối ra đường ngủ mới được.

Thế là có chuyện để kể rồi: hồi bố mẹ lấy nhau chụp ảnh cưới công an phường thấy bộ ảnh không ra gì bèn dẹp để trả lại vẻ đẹp cho Hồ Gươm.

…..

MỚI - NÓNG