Vu Lan trực tuyến đặc biệt

Vàng mã ế ẩm mùa vu lan này Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG
Vàng mã ế ẩm mùa vu lan này Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG
Vu lan năm nay bớt lễ đài lộng lẫy, cúng lễ phô trương, lãng phí. Mùa Vu lan trực tuyến dần theo đúng tinh thần Phật giáo về báo hiếu, báo ân.

Bớt vàng mã

Mùa Vu lan báo hiếu trong đạo Phật trùng với tết Trung nguyên (xá tội vong nhân) trong dân gian. Đây cũng là một trong những dịp người dân Việt theo lệ coi trọng cúng lễ tại chùa và tại gia. Một trong những tập tục ăn sâu bén rễ bao đời là đốt nhiều vàng mã cho ông bà tiên tổ. Nhiều gia đình còn thực hành cúng “cô hồn” tại gia.

Những thủ phủ vàng mã như làng Cót (Cầu Giấy), Thường Tín (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh) mọi năm nhộn nhịp thương lái mua bán. Thế nhưng năm nay ế ẩm- từ nơi sản xuất cho tới các cửa hàng tại các con phố lớn như Hàng Mã. Phần do dịch bệnh phần khác do nhận thức người dân chuyển biến tích cực. Một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, nhiều người dân chỉ mua vàng mã đơn giản vài chục nghìn đến hơn trăm nghìn đồng.

“Năm đầu tiên về nhà mới lại là thổ cư nhưng tôi không đốt nhiều vàng mã dịp tháng bảy âm lịch. Nhiều người khuyên phải cúng kiếng linh đình, cúng cả cô hồn nữa, nhưng tôi nghĩ cốt ở cái tâm. Rằm tháng bảy tôi chỉ mua ba tệp tiền vàng hóa cho các cụ, tuyệt nhiên không mua mã lớn. Đốt vàng mã không chỉ lãng phí mà còn nguy cơ hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường”, anh Vũ Tấn Đạt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói.

Đồng quan điểm với anh Đạt, chị Nguyễn Minh Ngọc (Hà Đông) vừa hoàn tất lễ cúng rằm tháng bảy gọn gàng, trang nghiêm. “Mấy năm trước tôi cũng sắm sanh nhiều đồ lễ mặn, sửa soạn nhiều đồ mã lớn dâng tổ tiên. Sau khi theo các khóa tu tại chùa, được các thầy giảng pháp, tôi nhận ra không cứ tốt lễ dễ nói, không quan trọng đồ cúng nhiều hay ít. Cốt ở tâm thành, vì thế tôi tự tay chuẩn bị mâm cơm cúng giản dị nhưng thể hiện lòng thành”, chị Ngọc nói. Chị Nguyễn Thu Trang (Thanh Xuân) cho biết từ khi lập gia đình đã ở chung cư nên chưa bao giờ có chuyện đốt vàng mã.

Lan tỏa tinh thần báo hiếu

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) phân tích ý nghĩa tốt đẹp của lễ Vu lan báo hiếu trong đạo Phật. Năm nay do dịch bệnh, Giáo hội khuyến khích các khóa lễ Vu lan trực tuyến, lễ hội Bông hồng Cài áo cũng không tụ tập đông người. “Tháng bảy là thời gian sống chậm lại để tưởng nhớ cửu huyền thất tổ, nhớ công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ bằng hành động thiết thực. Người có cha mẹ hãy yêu thương chăm sóc. Những ai cha mẹ quá vãng thì dành thời gian tưởng nhớ, năng làm việc thiện như ủng hộ quỹ phòng chống dịch, giúp đỡ người khó khăn hơn”, Thượng tọa nói.

Về tinh thần báo hiếu báo ân trong đạo Phật, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội, Phó Trưởng ban - Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh nêu tình trạng một số người ưa cúng lễ mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã vô tội vạ nhưng lại hắt hủi cha mẹ và ông bà còn sống, thậm chí có trường hợp ngược đãi cả cha mẹ. “Đây là sự suy đồi đạo đức, không hiểu đúng tinh thần báo ân báo hiếu của Đức Phật. Kinh Phật dạy “dù cho vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi khắp thế gian này cũng không đền đáp được công ơn sinh thành, dưỡng dục. Đó chính là thực hiện trọn vẹn tinh thần báo ân - báo hiếu bởi tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”, Thượng tọa phân tích.

Tinh thần đề cao báo hiếu báo ân nay lan tỏa khắp nước. Sau công văn hướng dẫn của Giáo hội, hầu khắp các chùa đều tuân thủ và tổ chức các khóa lễ Vu lan online. Đại đức Thích Khai Từ- Ban trị sự Phật giáo Quảng Ninh, đại diện chùa Yên Tử cho biết từ 2 đến 15 tháng bảy âm lịch, nhà chùa tổ chức các khóa lễ trực tuyến cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ; khuyến cáo Phật tử không đến chùa, chỉ đăng ký qua fanpage chùa Yên Tử để được cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ. Buổi lễ trang nghiêm sáng 1/9 được truyền trực tuyến trên Facebook của chùa Yên Tử.

Hình ảnh ngồi tràn lan ngoài lòng đường, vỉa hè và trên cầu vượt Ngã Tư Sở bao quanh chùa Phúc Khánh cũng không còn nữa. Đại đức Thích Minh Đức, Trụ trì chùa Phúc Khánh cho biết chùa chuẩn bị phương tiện sát khuẩn, nhắc Phật tử giãn cách. “Nhà chùa ra thông bạch, khuyến cáo bà con không đến chùa để giữ sức khỏe mùa dịch. Với tinh thần từ bi của nhà Phật, các sư hàng ngày thực hiện nghi lễ tụng kinh cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu cho hương linh các anh hùng liệt sĩ, chư tổ, thập loại chúng sinh. Tối 14 tháng bảy âm lịch, nhà chùa thực hiện khóa lễ Vu lan trực tuyến ”, Đại đức Thích Minh Đức cho biết.

Nhiều ngôi chùa khác như chùa Bằng, chùa Hòa Phúc, chùa Tân Hải đều thực hiện lễ Vu lan trực tuyến. Dù trực tuyến hay trực tiếp tới cửa Phật hành lễ, các vị cao tăng đều răn dạy Phật tử rằng lòng thành kính cốt ở cái tâm.

500 nhà sư không về chùa mùa Vu lan
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cho biết lần đầu tiên, trong thời gian an cư kết hạ, trong ngày Tự tứ (rằm tháng bảy) tất cả tăng, ni đều tuân thủ “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Thượng tọa giải thích: Hội đồng điều hành của Học viện căn cứ tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của Giáo hội để thực hiện nghiêm yêu cầu cấm túc tại chỗ vừa đảm bảo an toàn, để tăng ni sinh yên tâm tu học và thiền định, chuẩn bị cho khai giảng trong tuần tới. “Đây là nỗ lực hi sinh của các tăng ni sinh. Bình thường tăng, ni được trở về chùa trụ trì để thực hành tín ngưỡng cho Phật tử và nhân dân dịp rằm tháng bảy, nhưng năm nay họ buộc phải ở lại vì sức khỏe cộng đồng. Quyết định này tạo được sự đồng thuận và hoan hỉ từ Hội đồng điều hành tới các tăng, ni sinh”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết.

Vu Lan trực tuyến đặc biệt ảnh 1
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.