Xuất xứ bài thơ Khóc anh Hoàng Văn Thụ

Xuất xứ bài thơ Khóc anh Hoàng Văn Thụ
TP- Anh Trường Chinh nói: “Báo nên có bài khóc anh Thụ. Một bài thơ càng hay”. Từ hôm đó, mọi người đều nghĩ về anh Thụ, và lẳng lặng suy nghĩ những điều đồng chí Trường Chinh nói, viết nên bài thơ dài 44 câu theo thể song thất lục bát...
Xuất xứ bài thơ Khóc anh Hoàng Văn Thụ ảnh 1
Đồng chí Hoàng Văn Thụ

Tổ công tác giúp việc cho Trung ương hồi đó có anh Phong, chị Sáu, chị Cương và một số đồng chí. Cơ quan đóng ở nhà anh Hội làng NG… thuộc huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội, cũng là nơi ở của đồng chí Trường Chinh.

Đó là một căn nhà trống, chỉ có vách nứa lụp sụp. Nhà không có cánh cửa và cổng đóng. Bù lại sự trống trải đó là tiếng cười của mấy đứa trẻ, con anh chị Hội và tính tình chị rất ấm áp nên đem lại niềm vui cho mọi người!

Chiều 24/5/1944, theo lệnh của anh Trường Chinh, các tổ công tác đều về họp. Vừa bước chân vào nhà anh Hội, ai cũng cảm thấy nỗi buồn lạnh người, khi nhìn thấy chị Sáu gục đầu trên bàn thờ bụi bậm nhà anh Hội khóc. Còn chị Cương nằm xoài ôm lấy cái thúng rách, đầu tóc rũ rợi trên đất, hai vai rung lên nức nở…

Không thấy anh Trường Chinh đâu (anh Toàn) mọi người lo lắng ngó quanh, thấy anh ngồi một mình, im lặng trong buồng tối, tay anh đang vê vê tờ giấy như muốn bóp vụn ra, mắt anh đỏ hoe. Đồng chí tổ trưởng văn phòng bước gần lại chị Sáu. Chị ngước lên buồn bã nói: “Anh ấy…” rồi lại gục đầu khóc.

Hôm đó là ngày tòa án binh Pháp tuyên bố xử tử anh Hoàng Văn Thụ (anh Lý) là Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng. Anh bị bắt 8/1943 (tại phường Tân Mai, Hà Nội ngày nay), bị kết án tử hình vào (1/1944) và bị bắn ngày 24/5/1944.

Trong thời gian bị bắt, tổ chức đã nhiều lần tìm cách cứu anh nhưng vô hiệu…

Là nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam, anh Hoàng Văn Thụ rất quan tâm tới mối quan hệ giữa Đảng và giới trí thức. Anh là người có tâm hồn, thích làm thơ. Những bài thơ anh để lại thường được quần chúng rất ưa thích.

Trước khi bị bắt anh có viết bài Nhắn bạn

Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành

………………………………
………………………………

1944

Anh là người giới thiệu đồng chí Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng gặp Bác ở Thúy Hồ - Trung Quốc. Trước khi đi, anh còn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Gặp được Bác thì hỏi vấn đề “Liên hiệp các dân tộc áp bức ở Á Đông”. Thế mới biết cái nhìn xa trông rộng của anh.

Hội nghị Trung ương VIII, anh được bầu vào Ban Thường vụ trung ương, trong đó có anh Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt. Chính hội nghị ấy ở Khuổi Nậm từ (10 - 19/5/1941), anh Thụ đã góp tài trí của mình trong việc đặt ra tên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và bàn lấy lá cờ Tổ quốc do phụ nữ Hà Nội thêu và Bác đã chọn lá cờ đó vì nó xuất hiện ở cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Cuộc đời anh Thụ rất khổ, đã có lần anh rơm rớm nước mắt khi đọc bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi của Bác” trong đó có câu: “Có khi lìa mẹ, lìa cha/Để làm tôi tớ người ta bên ngoài…”.

Sau cùng, anh Trường Chinh nói: “Báo nên có bài khóc anh Thụ. Một bài thơ càng hay”.

Từ hôm đó, mọi người đều nghĩ về anh Thụ, và lẳng lặng suy nghĩ những điều đồng chí Trường Chinh nói, viết nên bài thơ dài 44 câu theo thể song thất lục bát.

Đọc bài thơ thấy hào khí của người anh hùng, và thấy cảnh tàn ác của thực dân Pháp, cảnh thê lương của chiến tranh. Có đồng chí đã lẳng lặng chép bài thơ đó thành nhiều bản đem dán ở trường bắn Tân - Mai nơi xử anh Thụ.

Anh hy sinh lúc 38 tuổi, cái tuổi dồi dào sức lực, nhiều tài năng trí tuệ đang đóng góp cho Đảng chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Bài thơ như một hiệu triệu kêu gọi đồng bào đồng chí, như tiếng thét muôn dân

“Tiếng súng thét anh Hoàng Văn Thụ
Thân đổ nghiêng máu đổ tuôn tràn
Pháp trường ảm đạm màu tang
Cây rung hạt lệ khóc trang anh hùng
Mười lăm năm vẫy vùng ngang dọc
Anh đã vì dân tộc hy sinh...”…

Người đọc nấc nghẹn khi đọc đến câu

“Ba mươi tám tuổi đời anh
Tắt trong một buổi bình minh khói mờ

Đoạn kết bài thơ tác giả đã cho ta cái nhìn nghĩa khí của những ngày cách mạng tháng 8 – 1945 sắp tới.

“Cờ khởi nghĩa tung bay trước gió
Đoàn quân đi cây đổ núi rung
Xông pha rửa nhục non sông
Và cùng rửa hận anh hùng
Việt Nam…

Người viết bài thơ đó, họ Tạ, tên Phách (Tạ Ngọc Phách).

Ít lâu sau tác giả được cử đi công tác cùng đồng chí Trường Chinh. Đến quãng đồng vắng không bóng người, chỉ có gió thổi lúa reo, đồng chí Trường Chinh bảo tác giả đọc lại bài thơ đó để cùng nghe. Khi đọc đến câu “Anh kiêu hãnh giữa trường tra tấn

Dù gan run máu cạn không phai ...” tự dưng anh bảo thôi không đọc nữa. Lúc ấy anh Trường Chinh đã rút khăn ra lau nước mắt. 

Phố Đậu 3/3/2007

 Nhà thơ Võ Bá Cường

MỚI - NÓNG