'Ðứng trước biển' cùng Nguyễn Mạnh Tuấn

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn với một tác phẩm được dịch sang tiếng Nga. Ảnh:Trần Nguyễn Anh
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn với một tác phẩm được dịch sang tiếng Nga. Ảnh:Trần Nguyễn Anh
“Tôi quê ở Minh Trí, Kim Anh, Phúc Yên, nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội nhưng gia đình tôi sống ở Hà Nội, làm nghề xuất bản sách”. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn mở đầu, cắt nghĩa về nghiệp văn chương và những gì mà ông theo đuổi.

Chàng thanh niên xung phong ôm mộng văn chương

“Tôi bắt đầu viết văn lúc đi Thanh niên xung phong”, Truyện ngắn đầu tiên của tôi tên “Gạo trắng” được đăng trên tờ Lao Động, sau đó tờ Văn Nghệ in lại. Tiếp đó tôi gửi đăng truyện “Đêm sương muối” trên báo  Văn Nghệ và tác phẩm thứ hai này là để dự cuộc thi viết về ngành lâm nghiệp. Thật bất ngờ, “Đêm sương muối” đoạt giải nhì” (Cuộc thi này không có giải nhất – PV).

Cuối năm 1975, Nguyễn Mạnh Tuấn được điều động vào miền Nam để sáng tác chuyên nghiệp.

Năm 1978, Nguyễn Mạnh Tuấn viết “Những khoảng cách còn lại”. Cuốn sách viết về một gia đình miền Nam tập kết đoàn tụ sau ngày đất nước thống nhất. Vợ chồng xa nhau 20 năm gặp lại. Chồng là cán bộ tập kết, vợ khi ấy đã là một nhà tư sản tiếng tăm. Một bi kịch xảy ra: họ chờ nhau 20 năm, một niềm mong nhớ và khát khao rất Việt Nam, một tình cảm rất Việt Nam, nhưng khi sống với nhau, giữa hai người dần nảy sinh ra những rạn nứt, thậm chí xung đột về cách sống, cách nghĩ.

Cuốn sách được bán hết sạch và tái bản 150.000 cuốn. Tác phẩm được chuyển thể thành bộ phim “Xa và gần” cũng rất thu hút người xem. Trên đà “thắng lợi”, nhà văn trẻ lao vào viết tiếp tác phẩm  “Đứng trước biển” mà không biết sóng gió đang đợi mình.

Khi “Ðứng trước biển”của Nguyễn Mạnh Tuấn vừa xuất bản, Giáo sư Nguyễn Khắc Viện có viết rằng “Về sau nếu ai muốn hiểu lại cái thời đã qua, hãy tìm đọc tác giả tuổi đời chưa đến 40 này”.

 Cưỡi con sóng dữ

Nhà văn nhớ lại - Bối cảnh bấy giờ là sau 2 năm thống nhất, những  không khí lạc quan đã dần nhường lại cho chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày. Kinh tế miền Nam có mặt mạnh nhưng cũng có mặt yếu, đó là nếu không xuất khẩu được thì nó cũng sẽ chết. Vậy làm gì để tồn tại lúc này?”.

Khi ấy, xuất hiện mô hình Xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu – Côn Đảo được báo chí ca ngợi như một hình mẫu có thể giúp kinh tế miền Nam tiến lên. Nguyễn Mạnh Tuấn được  được cử đến tham quan mô hình này để sáng tác, dĩ nhiên nhiệm vụ của ông là viết một tác phẩm ca ngợi xí nghiệp đầu tàu và đang tạo cảm hứng cho toàn xã hội.

Sau khi đi thực tế về, nhà văn trả lời với lãnh đạo thành phố là “Tôi không viết được. Nếu viết, tôi sẽ viết ngược lại với những gì báo chí đang ngợi ca”. Mọi người nghe như sét đánh ngang tai vậy. Nhà văn bèn “giải trình” rằng, cách làm ăn của xí nghiệp này sớm muộn cũng thất bại,  với lý lẽ rất thuyết phục.

Nguyễn Mạnh Tuấn tủm tỉm, đôi mắt ông sáng lên: “Sau khi nghe tôi báo cáo, một đồng chí lãnh đạo thành phố bảo: Cậu thấy đúng thì cậu cứ viết Tuấn ạ, nhưng đừng bảo ai rằng tôi nói cậu viết nhé. Viết xong đưa tôi xem trước khi in!”. Khi viết xong, nhà văn đưa thẳng cho nhà in để xuất bản.

Cuốn sách được in ra, gây sóng gió dư luận. Có những bài báo vạch ra 7 tội của nhà văn. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn bùi ngùi: “Tôi nằm nhà, không ai chơi với tôi nữa, bạn bè xa lánh. Tôi nằm nghe đài họ phê phán tôi, kể tội tôi, không phải một mà nhiều đài phát thanh. Rồi những người thân, trong ngành, báo với tôi rằng, đang có những cuộc họp bàn việc khởi tố tôi”.

Mặc dù “Đứng trước biển” không nói rõ tên Xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu- Côn Đảo, song bối cảnh tác phẩm là Vũng Tàu- Côn Đảo cũng đủ để tác giả bị quy vào tội viết sai sự thật, hoặc có thể gây ra sự hiểu lầm đối với xí nghiệp cũng như làm tổn hại phong trào xây dựng kinh tế tại miền Nam.

Cảnh tỉnh về khoán sản phẩm

Những năm 1980, đất nước chìm đắm trong cấm vận, khó khăn thời hậu chiến và chiến tranh  biên giới nóng bỏng. Nền kinh tế của miền Nam chuyển sang chế độ mới, không xuất khẩu được, ngành ngư nghiệp, tàu cá nằm bờ, khốn đốn.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn bảo: “Tôi không học về kinh tế, nhưng tôi viết dựa vào tâm thế lợi ích chung của đất nước. Mô hình của xí nghiệp đánh cá lúc đó là khoán sản phẩm. Đánh được bao nhiêu cá thì chia ra hai phần, một phần của nhà nước, một phần của nhân dân. Sau một tháng đi biển, thuyền trưởng được chia tới 18 cây vàng. Nhưng nếu không đánh được cá thì sao? Tàu bè hư hỏng tiền đâu sửa?Giám đốc xí nghiệp trình độ văn hóa lớp 3 lớp 4 thôi”.

Viết “Đứng trước biển”, Nguyễn Mạnh Tuấn bị quy chụp tội “phản tuyên truyền vì đã lên án một mô hình khoán sản phẩm đang được ca ngợi trên cả nước”.

“Thật may mắn cho tôi, chỉ 6 tháng sau khi tác phẩm của tôi ra đời thì xí nghiệp điển hình cho cả miền Nam khi ấy vỡ nợ, nên không ai bàn chuyện khởi tố tôi nữa”. Nhà văn thở phào.

'Ðứng trước biển' cùng Nguyễn Mạnh Tuấn ảnh 1 Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn nói rằng văn học không chỉ viết về thân phận mà còn phải tìm cách “nâng” con người vượt khỏi hoàn cảnh
Tiếng nói mạnh mẽ về niềm tin

Một tác phẩm gây tiếng vang khắp cả nước trong thời kỳ đất nước khó khăn mọi bề, chắc chắn nội dung của nó không chỉ giới hạn trong chuyện mô hình khoán ăn chia. “Đứng trước biển” đã mô tả một xã hội đang chuyển mình và rất cần niềm tin. Trong một tập thể mà người tốt kẻ xấu lẫn lộn ấy, niềm tin là điều không thể thiếu.

“Đứng trước biển” có những câu văn như đóng đinh vào lòng người đọc: “Mất cái gì thì mất chứ không thể để mất lòng tin của quần chúng”. Hay những trăn trở nhói lòng: “Để những gia đình công nhân phải chịu đựng vô lý trong sự cùng cực này thêm một ngày là ta có tội một ngày... Không phải tụi đầu nậu lưu manh mà chính chúng ta phải chịu trách nhiệm”.

Nhân vật Bảy Thu trong tác phẩm đã nói một câu mà các nhà phê bình thường nhắc tới: “Người cách mạng chân chính, không thể vô trách nhiệm khi đứng trước biển”.

Trong một chuyến đi công tác, Nguyễn Mạnh Tuấn ghé vào thăm nhà văn mà ông yêu thích nhất là nhà văn Nguyễn Minh Châu, khi đó đang điều trị thuốc Nam trong một ngôi chùa.

“Tôi cảm nhận Nguyễn Minh Châu rất buồn và thất vọng khi ông bị bệnh viện trả về” – Nhà văn trăn trở. Đó là lần đầu tiên và duy nhất hai nhà văn gặp nhau. Nguyễn Mạnh Tuấn nói: “Anh Châu ạ, anh là nhà văn tôi yêu thích nhất. Khi vào Nam, một trong những cuốn sách tôi đem theo trong ba lô là cuốn Dấu chân người lính của anh”. Nguyễn Minh Châu khi đó gần như kiệt sức, gượng dậy nói: “Tôi có đọc Đứng trước biển của Tuấn. Theo tôi nhà văn nên viết, không nên nói”.

Ðứng trước biển hôm nay

Trong ngôi nhà rộng rãi của nhà văn, có một thư viện trưng bày các tác phẩm, bản thảo, kịch bản.  Bên cạnh tác phẩm “Đứng trước biển”, Nguyễn Mạnh Tuấn còn viết nhiều tiểu thuyết khác có tiếng vang trong toàn xã hội,  nổi bật là tác phẩm “Cù lao Tràm” viết về đề tài hợp tác xã kiểu mới.

'Ðứng trước biển' cùng Nguyễn Mạnh Tuấn ảnh 2 Những bản in “Ðứng trước biển” đầu tiên
Trò chuyện với phóng viên, nhà văn cho biết sắp tới ông sẽ in một số tác phẩm mới.  Nguyễn Mạnh Tuấn nói: “Đối với tôi văn học là vấn đề nhân văn, văn học phải phản biện. Chẳng hạn như đối với bản thân, chúng ta phê phán bản thân mãi thì có ích gì? Nếu chúng ta biết phản biện chính mình thì chúng ta mới có thể tiến lên được”.

1/2021

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn rất yêu biển, ông có hẳn tủ sách về hàng hải, nghề đóng tàu, về biển. Nhà văn quan tâm tới vấn đề chủ quyền biển đảo mà chính những người dân đánh bắt thủy hải sản hôm nay đang góp phần khẳng định chủ quyền.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.