Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam:Tôi sắp xuất bản tập thơ đầu tiên

Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam:Tôi sắp xuất bản tập thơ đầu tiên
TP - Chủ tịch CLB Thơ Bành Thông có dáng dấp cao to với mái tóc bạc thả dài vuốt mượt ra phía sau, khuôn miệng điều điệu của người khéo ăn nói, dễ dàng cuốn người đối diện vào những câu chuyện của mình.

> Đệ trình Lục bát lên Unesco?

Vào đúng ngày nóng nhất của mùa hè Hà Nội, Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam hẹn chúng tôi đến trụ sở làm việc tại Trung tâm văn hóa TP Hà Nội (số 4 Phùng Hưng, Q. Hà Đông, HN).

Không quá khó để tìm, vì ngay ngoài Trung tâm văn hóa, một tấm bảng khá to trưng ở phía bên phải cổng chính: “Câu lạc bộ Thơ Việt Nam”. Văn phòng được đặt trên tầng hai, rộng chừng 20 mét vuông, kê ba bàn làm việc và một bàn tiếp khách, chỉ có một chiếc máy tính duy nhất dành cho văn thư.

Tất cả trang thiết bị đều được phủ “màu thời gian”, xỉn màu và khấp khểnh. Những người làm việc tại đây cũng đều khá già. Nhưng những bức tường vôi cũ lại bừng sáng lên nhờ sự lấp lánh của các loại bằng khen, kỷ niệm chương, bức trướng…

Bành Thông
Bành Thông.

Trên tấm cardvisit in kín cả hai mặt, thể hiện chức danh đang nắm giữ và sáu hội chuyên ngành tham gia sinh hoạt (Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số…), không có dòng nào ghi Chủ tịch CLB Thơ là nhà thơ, mà chỉ khiêm tốn đề: “nghệ sĩ - nhà báo Bành Thông”.

 “Đã là sân chơi thì chân giày chân đất đều được đá. Chính vì thế, tôi không lấy tiêu chí văn học làm đầu. Cứ có nhân cách tốt, có tâm hồn thơ là kết nạp”. 

Ông Bành Thông -
Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam

Giải thích về việc làm chủ tịch một CLB có gần 8.000 người làm thơ mà chính mình lại chưa có tập thơ riêng nào, ông Bành Thông tự tin: “Vấn đề ở đây không phải là tài năng chuyên môn mà là khả năng quản lý. Lãnh đạo một lúc gần 8.000 hội viên trải khắp 63 tỉnh thành đâu có phải chuyện chơi. Vả lại, tôi vốn là một nghệ sĩ sân khấu chuyên viết kịch bản chèo, kịch nói, cải lương… thì trong kịch của tôi đã đầy chất thơ rồi”.

Ông Bành Thông cũng không hề bối rối khi được hỏi lại: “…Và trong thơ của ông thì đầy tính kịch?” “Tất nhiên. Thơ của người chuyên viết kịch là phải có kịch tính, lớp lang, có thắt nút cao trào. Đây, để tôi đọc cho các bạn nghe bài thơ mới nhất đăng trên thi san “Người yêu thơ” nhé”.

…Chủ tịch CLB Thơ đọc đến khúc cao trào của bài thơ thì có khách, đó là một người yêu thơ muốn đăng chùm tác phẩm lên thi san. Chánh văn phòng CLB Thơ Vũ Dương Tá ngồi chiếc bàn phía sau được chủ tịch ra hiệu làm việc với khách hàng.

Sau vài câu thương lượng không thành, khách có vẻ mất kiên nhẫn nên hơi to tiếng: “In có ba bài thơ mà phải mua 50 cuốn thì chết à?”. Chủ tịch Bành Thông kết thúc bài thơ, quay lại phía khách thơ, bình tĩnh phân tích: “Đây nhé, ông thử tính xem, mỗi cuốn 15.000 (đồng), bỏ ra có mấy trăm nghìn mà được in thơ, in ảnh chân dung góc trang, in cả thông tin tác giả trang trọng thế này. Có chỗ nào giá rẻ hơn ở đây không? Ông muốn quảng cáo thì phải đầu tư chứ”.

Nghe ra, người khách gật đầu đồng ý sẽ mua 30 cuốn sau khi thơ được in. Chúng tôi được biết thêm, CLB Thơ có hai thi san xuất bản xen kẽ nhau theo tháng chẵn, lẻ nhưng được phân theo tiêu chí đại trà và tinh tuyển: “Hương đất Việt” dày gần 600 trang, mỗi lần in giới thiệu khoảng 500 tác giả hội viên CLB.

In ở đây sẽ không được nhận nhuận bút và được khuyến khích mua ấn phẩm; “Người yêu thơ” gần 60 trang, tác giả có bài in trên đó “được trả nhuận bút theo chất lượng từng bài” - Ông Bành Thông cho biết.

Nói đến chuyện phát hành các ấn phẩm của CLB, cựu nhà báo Bành Thông kể lại một kinh nghiệm khi còn công tác tại báo Văn nghệ Hòa Bình: “Ngày đó tôi gửi báo về các xã, huyện của tỉnh, mỗi tờ kèm theo một công văn mời mua báo, trong đó ghi rõ “Nếu không mua đề nghị có công văn trả lời”.

Không thấy có công văn nào trả lời, thế là hàng tháng tôi cứ cho người gửi báo về, sau 6 tháng ra kho bạc của tỉnh nhờ nhân viên ở đó thu giúp tiền bán báo từ các xã, trích lại cho họ 5%, xong. Rất nhẹ nhàng”.

Dường như hiểu thắc mắc của chúng tôi khi nhìn vào góc phòng ngồn ngộn những thùng các tông đựng đầy thi san chất cao đến lưng tường, ông giãi bày: “Có những tác giả ở các tỉnh xa không biết mình có thơ in trên này nên chưa kịp mua. Trước đây ai in thơ cũng đều mua vài ba chục cuốn, nay ít dần đi, họ chỉ mua 1 - 2 cuốn giữ lại thôi. Vả lại người làm công tác phát ít quá thành ra mới đọng lại thế này”.

Quay lại câu chuyện thành lập, chủ tịch Bành Thông hào hứng cho biết, CLB Thơ ra đời vào ngày 17/6/2006, đại hội được tổ chức linh đình giữa trung tâm thủ đô đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Ngay sau đó, số lượng đơn xin gia nhập tăng lên đến con số hàng nghìn. Hiện nay để quản lý và điều hành 7.966 hội viên, CLB Thơ đã bầu ra 47 ủy viên Ban chấp hành. Kỷ niệm 7 năm thành lập, dự kiến ngày 17/6/2013 sắp tới, chủ tịch CLB sẽ trao quyết định kết nạp và thẻ hội viên thứ 8.000.

Không để chúng tôi trôi hết ý nghĩ theo câu đúc kết của người xưa: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, Ông Bành Thông hạ bàn tay xuống cuốn thi san: “Tôi biết các bạn băn khoăn về hồ tinh hồ đa, nhưng con số 8.000 chưa nói lên điều gì cả, bởi vì tôi đang tạo dựng một sân chơi cho niềm đam mê. Mà đã là sân chơi thì chân giày chân đất đều được đá. Chính vì thế, tôi không lấy tiêu chí văn học làm đầu, sân chơi này chỉ căn cứ vào nhân cách chứ không phải tác phẩm. Cứ có nhân cách tốt, có tâm hồn thơ là kết nạp. Còn nói đến tính chuyên nghiệp, thơ làm gì có chuyên nghiệp và nghiệp dư, thơ chỉ có duy nhất là lòng say mê. Nói chuyện làm thơ chuyên nghiệp, nghĩa là bài sau luôn phải hay hơn bài trước, thế thì ngay cả thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, tôi thách cả 1 tỷ đồng liệu có làm được một bài thơ hay nào nữa không?”.

Giữ vai trò lãnh đạo cao nhất của một CLB có gần 8.000 người làm thơ, mà chính chủ tịch lại chưa có tập thơ nào cũng là điều ông Bành Thông phải suy tư: “Sắp tới tôi sẽ ra một tập thơ 18 bài.” “18 bài? Vậy là tập thơ siêu mỏng? Hay mỗi bài thơ của ông đều dài đến trăm câu?” Thắc mắc đó được trả lời ngay: “Mỗi bài thơ của tôi in kèm theo một bài bình.

Thơ tôi rất đặc biệt, vì đây là thơ của người làm sân khấu nên phải có lời bình mới thấy hết cái hay của lớp lang, kịch tính trong đó. Tôi đã có hai tập kịch bản, mà toàn là những kịch giành được giải thưởng, huy chương, nhiều người chú ý lắm. Vì thế mà bây giờ tôi ra tập thơ cũng sẽ có rất nhiều người “soi” xem chủ tịch một CLB lớn như vậy thì thơ phú ra sao.

Tôi bỏ hết những bài thơ tổng kết, báo cáo thành tích, thơ vận động sản xuất, chăn nuôi… dù có những bài sáng tác tại chỗ và được thưởng “nóng” 100 đồng (thời giá những năm 80 thế kỷ trước), mà chỉ chọn lại bài nào mình thật tâm đắc, và được bạn thơ đồng cảm viết bài bình mới in vào tập”.

…Đúng vào sáng Chủ nhật, ngày 16/6/2013, CLB Thơ Việt Nam tổ chức họp Ban Chấp hành mở rộng và kỷ niệm 7 năm ngày thành lập tại Bảo tàng Phòng không – Không quân (171 đường Trường Chinh, Hà Nội).

Chủ tịch CLB Thơ Bành Thông chia sẻ: “Kỳ này chúng tôi chỉ tổ chức họp BCH mở rộng tại Thủ đô, còn lễ kỷ niệm đúng ngày thành lập (17/6) sẽ được tổ chức ở từng địa phương. Nếu mời rộng rãi như mọi năm thì lên đến 700 người…”

Vậy là so với các năm trước đây, quy mô tổ chức lễ kỷ niệm có phần thu nhỏ lại khá nhiều. Năm nay, ngoài 150 đại biểu là các ủy viên BCH, lãnh đạo CLB Thơ Việt Nam các tỉnh thành trong cả nước, chỉ có những khách mời dành nhiều tình cảm, đặc biệt quan tâm đến CLB Thơ, có niềm say mê làm thơ và yêu thích đọc thơ.

Vất vả chờ được… quản lý

Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam:Tôi sắp xuất bản tập thơ đầu tiên ảnh 2
  Một điều độc đáo của CLB Thơ là kết nạp quanh năm chứ không có “mùa” như các hội chuyên ngành. “Tại sao lại phải hoãn cái sự sung sướng của người ta lại?” - Ông Bành Thông nói - “Tôi phân cấp cho các lãnh đạo cơ sở tự thẩm định về tư cách đạo đức của ứng viên, chỉ cần có một hội viên cũ giới thiệu, làm đơn theo mẫu CLB cấp và nộp kèm mấy bài thơ, mỗi đợt gom khoảng chục người gửi lên đây là tôi ký quyết định, làm thẻ gửi về ngay.

Người ta đang say mê như thế, đang khao khát như thế thì mình phải làm nhanh cho họ sướng. Có tháng phải kết nạp 2 đến 3 đợt ấy chứ”. Trong lúc trò chuyện, chủ tịch CLB vẫn luôn tay kí quyết định trao bằng khen, kỷ niệm chương tặng các cá nhân, tập thể có đóng góp cho sự phát triển của thơ CLB.

Trên tường, tấm bảng ghi kế hoạch làm việc chi chít những dòng nhắc việc: Trao bằng khen cho Trung tâm chăm sóc sức khỏe nhà thơ (Về Trung tâm này, cũng hứa hẹn những điều thú vị, chúng tôi xin hầu bạn đọc vào một dịp khác) – PV); Dự tổng kết; Sinh hoạt thơ + trao cờ thi đua cho CLB…

Ông Bành Thông lấy ra một tấm bằng khen (đúng là tấm, vì đó là một bản gỗ khổ 35x55cm được mạ màu vàng, trang trí hoa văn dập nổi cầu ký), trên đó ghi tên một nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện đang sống tại Vĩnh Phúc.

Theo lời ông chủ tịch, tính đến nay có 18 hội viên CLB Thơ là hội viên hội Nhà văn VN. “18/8.000 hội viên là con số quá ít ỏi. Chúng tôi rất muốn Hội Nhà văn Việt Nam nhận CLB Thơ về thành mảng phong trào. Phong trào cần thiết lắm chứ. Có phong trào thì mới có chuyên nghiệp. Các bạn xem trong thể thao đấy, ngoài các vận động viên chuyên đi thi đấu thì ai chả có quyền tập thể dục, chơi thể thao” – ông chép miệng – “Vậy mà chạy lên chạy xuống mấy năm nay Hội Nhà văn vẫn không đồng ý, chỉ mời tham gia Ngày thơ ở Văn Miếu.

Năm 2007, CLB chúng tôi còn bị một vị ủy viên Ban Chấp hành kiên quyết không đồng ý cho tham gia Ngày thơ. Mấy năm gần đây, sân thơ Văn Miếu chủ yếu là hội viên CLB Thơ đến tham dự mới đông đúc như thế, chứ nếu chỉ riêng hội viên Hội Nhà văn thì được mấy chục người.

Vừa rồi tôi đã làm công văn xin Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cho một bộ phận nào đó đứng ra quản lí CLB Thơ, phòng Văn hóa cơ sở ở tỉnh chẳng hạn. Nhưng vẫn gặp phải những khó khăn, chả hiểu còn vướng mắc gì. Chúng tôi vẫn đang chờ sự chỉ đạo để được quản lý…”

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG