Có ngày Then về trời?

Có ngày Then về trời?
TP - Tại Cao Bằng, cái nôi di sản văn hóa truyền thống Then Tày, nếu đặt câu hỏi: Then là gì? Then có nguồn gốc từ đâu? Bạn có biết hát then không?... Chắc chắn số người không thể trả lời câu hỏi này chiếm tới 90%. Ðây là khẳng định của TS Triệu Thị Kiều Dung, nhà nghiên cứu trẻ nặng lòng với văn hóa truyền thống Tày.

Lý giải thực trạng này, TS Triệu Thị Kiều Dung chỉ ra một vấn đề: Phần lớn lớp trẻ, kể cả những người có gốc dân tộc miền núi nhưng không biết tiếng dân tộc mình. Vì thế, không thể hiểu được nội dung và giá trị của Then.

Cũng không thể không tính đến những tác động của thời đại. Quan niệm sống, nhu cầu văn hóa tinh thần, sở thích của giới trẻ hôm nay có sự khác biệt rất lớn so với thế hệ ngày trước. Nhà văn Vi Hồng, trong tác phẩm “Sli-Lượn-Ðời sống tinh thần Tày-Nùng” từng viết: “Những trai trẻ, gái tơ người Tày… thấy mặt nhau lần đầu ở ngoài chợ, hay chỉ nhìn hình dáng nhau đi trên đường, đang làm trên nương rẫy, trên đồng ruộng họ đều chào nhau, hỏi thăm nhau bằng sli, lượn. Rất ít khi họ chào nhau bằng những lời nói “cơm nước”. Vì thế số câu lượn “nhiều hơn sao trên trời”, ý tứ những câu lượn cũng nhiều hơn nước chảy”. Nhưng đó là quá khứ, trong nhịp sống hối hả, thanh niên Tày cũng như thanh niên các dân tộc anh em, khi gặp nhau chỉ cúi đầu chào nhau, mỉm cười chào nhau, vẫy tay hoặc nhìn nhau bằng ánh mắt thân thiện… thay cho lời chào. “Thanh niên nam nữ Tày bây giờ gần như không tỏ tình ý nhị bằng Lượn Then nữa”, TS Triệu Thị Kiều Dung bình.

Có ngày Then về trời? ảnh 1 TS Triệu Thị Kiều Dung: Không có giải pháp tích cực, Then Tày dễ rơi vào tình trạng bị quên lãng.

Then Tày đã được những tri thức người Tày, còn gọi là những túc Nho Tày ghi lại bằng chữ Nôm Tày, từ thế kỷ thứ V. Then Tày trong quá khứ từng được đưa vào văn hóa cung đình. “Theo cứ liệu lịch sử năm Nhâm Thìn 1592, Mạc Kính Cung làm lễ đăng quang tại Nam Bình (thủ phủ cũ của Thục Phán- tức Vu Tuyền hoặc Cao Bình), lấy hiệu Càn Thống. Bên cạnh việc chú trọng mở mang kinh tế nông nghiệp, xây dựng thủy lợi, mở mang văn hóa, phát triển giáo dục… ông còn coi trọng đời sống tinh thần của bản thân và các quan lại trong triều. Ðể mua vui chốn cung đình, vua nhà Mạc đã cho thành lập đội nhạc, tập hợp trong dân dã những người biết hát (trong đó có hát Then) và cả những người biết chơi đàn Then để phục vụ cung đình” (TS Triệu Thị Kiều Dung). Nói vậy, để thấy khó khăn không nhỏ của giới trẻ dân tộc Tày hôm nay trong khám phá Then. Ðó không phải là những câu hát nôm na, như người ta vẫn nghĩ về văn học dân gian,  mà Then cũng uyên thâm và đủ độ “sang chảnh”.  Muốn tiếp cận, mở thế giới di sản quí này của dân tộc Tày cần  trang bị kiến thức đầy đủ.  TS Kiều Dung tâm sự : “Bản thân tôi là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trên quê hương Cao Bằng. Từ thuở nằm nôi, những làn điệu dân ca dân tộc trong đó có Then Tày đã dìu tôi vào giấc ngủ qua những lời ru ngọt ngào, êm ái của bà, của mẹ. Nhưng quả thực chưa một lần nào tôi được tìm hiểu về Then một cách sâu sắc, toàn diện. Cho đến hôm nay, khi đã có những điều kiện thuận lợi hơn về thời gian, kiến thức và nhất là được sự chỉ bảo tận tình của các nhà văn hóa tiền bối, giàu tâm huyết bảo lưu những giá trị văn hóa của quê hương, tôi mới có cơ hội tìm về di sản Then Tày khám phá và đi tìm câu trả lời: Các thế hệ cha ông đã sáng tạo Then như thế nào? ”. Nhà nghiên cứu trẻ đánh cược, nếu làm cuộc trắc nghiệm nhanh với các bạn trẻ người Tày, chỉ bằng những câu hỏi đơn giản: Then là gì? Then có nguồn gốc từ đâu? Bạn có biết hát Then không? … Chắc chắn số người không thể trả lời những câu hỏi này sẽ chiếm trên 90%. “Ðiều đó nói lên rằng, di sản văn hóa Then Tày (nhất là Then Tày tồn tại trên văn bản) đã và đang bị mai một trầm trọng, nếu không có ngay những giải pháp tích cực thì trong tương lai, di sản Then Tày rất dễ rơi vào tình trạng hoàn toàn bị quên lãng”, TS Triệu Thị Kiều Dung nhận định.

Lời hát của Trời

“Sử sách kể: Khi đã tạo được lực lượng khá hùng hậu ở địa phương, đến năm Mậu Ngọ (1618) châu thổ sông Hồng mất mùa, dân tình tao tác, vua Mạc Kính Cung bèn trẩy đại quân, dốc toàn lực lượng mưu chiếm Thăng Long. Sự không thành, quân tan, tướng mất, bại trận lui về, Kính Cung mắc bệnh trầm trọng, quan thái y chữa không khỏi, lập đàn cúng tế ôn thần cũng không xong. Triều đình mời Quản Nhạc đến chữa. Quản Nhạc đưa một đội Then nữ đến múa hát. Bằng những lời Then triết lí, nói về quy luật tuần hoàn, hết hạn đến mưa, âm tiêu dương trưởng, giáng thăng kế tiếp… Thật diệu kỳ, lời Then Tày trong “Tam Nguyên luận” đã giúp vua Mạc Kính Cung khỏi bệnh. Sự kiện này xảy ra vào khoảng đầu năm Kỷ Mùi 1620. Thế nên, lời hát Then còn được gọi là lời hát của Thiên, của Trời. Sau khi nhà Mạc tan rã, Then trở về với cuộc sống đời thường”.

(TS Triệu Thị Kiều Dung)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.