Cú thúc cùi chỏ trị giá... 139 triệu đô la!

Cú thúc cùi chỏ trị giá... 139 triệu đô la!
TPCN - Chưa bao giờ, thị trường mỹ thuật thế giới sôi động như hiện nay. Năm ngoái, nó thu về 7,5 tỷ đô la Mỹ. Năm nay, con số đó là không dưới 10 tỷ.
Cú thúc cùi chỏ trị giá... 139 triệu đô la! ảnh 1
Bức tranh Giấc mơ của Picasso

Hai tuần đầu tháng mười một vừa qua, riêng thị trường New York đã đạt doanh số hơn một tỷ USD, kỷ lục đẹp nhất trong lịch sử nghệ thuật.

Giá bán trung bình ở Paris của Hãng đấu giá lừng danh Christie’s tăng từ 7.000 euro/ lô năm ngoái lên 12.500 năm nay. Với Hãng Sotheby’s, giá trung bình cho mỗi lô là 20.200 euro, tăng 49% so với 2006.

Các thị trường khác cũng gặp hên tương tự. Các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều nguyên nhân cho “cơn sốt” không ngừng tăng nhiệt của thị trường hiện được không ít người cho là “điên rồ”.

Thứ nhất, đó là sự bừng thức của nhiều loại hình lâu nay trong mắt cả các nhà chuyên môn vốn là hạng hai, hạng ba hay “phụ trợ” cho hội họa. Chả hạn, nghệ thuật nguyên thủy, đặc biệt là của châu Phi.

Hầu hết tranh tượng nguyên thủy đem ra đấu giá đều được mua với giá cao hơn nhiều lần so với giá chào... Thứ hai là việc “nổi lên mạnh mẽ của nhiều thị trường mới, nhất là Trung Quốc, ấn Độ và Nga.

Trong 923 triệu USD họa phẩm ấn tượng chủ nghĩa và hiện đại mà Sotheby’s bán được ở Paris trong năm nay, 42% là của khách mua mới, chủ yếu là công dân Nga.

Doanh thu từ việc bán nghệ thuật Nga ở Luân Đôn ngày 29 tháng 11 vừa rồi của Christie’s là một con số kỷ lục, 41,60 triệu euro, với 6 kỷ lục về tác phẩm…

Thứ ba, việc đấu tranh trả về cho chủ nhân hợp pháp hàng loạt tác phẩm bị cướp đi trong các cuộc chiến tranh, đặc biệt là Thế chiến II.

Hồi mùa xuân, Hãng Christie’s đã can thiệp quyết liệt để tìm ra các bức Hoa hướng dương của họa sỹ áo Egon Schiele (1890 - 1918) ở nhà một người dân Lorraine và thu hồi cho chủ chúng là người  thừa kế của Karl Green Wald, nhà sưu tầm và kinh doanh nghệ thuật Vienne.

Làm sửng sốt không chỉ giới nghệ thuật toàn cầu năm nay là câu chuyện quanh bức tranh Chân dung Adèle Bloch – Bauer I của danh họa áo Gustav Klimt (1862 – 1918). Adèle Bloch – Bauer, một phụ nữ quý phái văn hóa cao, điệu đàng và hấp dẫn, là bạn thân và có thể người tình của Klimt vốn dành cho bà đến hai bức chân dung.

Bà chết trẻ. Chồng bà, Ferdinand Bloch – Bauer, một ông trùm mía đường, tỷ phú người Séc, nhà sưu tầm nghệ thuật có hạng, qua đời năm 1945, vì phá sản và suy kiệt do Đại chiến II.

Ông di chúc để lại bộ sưu tập cho cháu gái Maria Altmann, trốn thoát sang Hoa kỳ, hiện là công dân Mỹ và đã gần 90 tuổi. Biết bộ tranh Klimt của gia đình mình gồm 5 bức vẫn còn ở Bảo tàng Vienne, bà kiên trì thương lượng không được, rồi kiện cáo suốt bảy năm ròng, có lúc tưởng chừng tuyệt vọng.

Sau khi thắng kiện, cụ Maria Altmann đem bán bức chân dung nói trên với giá cao ngất ngưởng, 135 triệu USD, vượt xa kỷ lục trước đó (104,1 triệu) do Chàng trai với chiếc tẩu của Picasso nắm giữ từ tháng tư năm 2004.

Người mua bức Adèle Bloch – Bauer I hồi tháng sáu vừa qua là doanh nhân mỹ phẩm sừng sỏ của Hoa kỳ, Ronald Lauder. Tháng mười một vừa rồi, bốn bức Klimt nữa được bán nốt, số tiền là 192, 7 triệu USD, trong đó, 87,9 triệu là cho Adele Bloch-Bauer II.

Thứ tư là nguồn “ăn theo” không nhỏ mà người ta có được từ cơn sốt thị trường nghệ thuật. Trong các “phi vụ” pháp lý vừa nêu, nhiều hãng bán đấu giá tỏ ra vô cùng năng động, ví như thuê thám tử tư dò tìm các tác phẩm bị chiếm dụng sai pháp luật, và thuê luật sư tài ba “cãi” cho chủ tác phẩm.

Luật sư Randol Schoenberg của cụ Maria Altmann lúc đầu tận tình với cụ, chỉ cốt giành thắng lợi, về sau do kích thích của cơ chế thị trường, đã nhận khoảng 40% món tiền khổng lồ mà gia đình cụ thu được…

Nhà tỷ phú Steve Wynn, người xây dựng và làm chủ các nhà chơi kiêm sòng bạc Mirage và Bellagio ở Las Vegas từ đầu những năm 1990, vốn nổi tiếng là say mê và am tường hội hoạ.

Ông vừa  bàn bạc, bán xong cho một tỷ phú khác bức Giấc mơ của Picasso với giá 139 triệu USD. Bức tranh thể hiện Marie – Thérese Walter, tình nhân của nhà danh họa.

Giơ tay lên để chỉ cho rõ một chi tiết quan trọng của tác phẩm, ông vô tình thúc khuỷu tay vào, làm thủng một lỗ bằng một đồng USD trên bức tranh. Ông bèn không bán nữa.

Theo The New York Times ngày 2 tháng mười một, giá cao nhất xưa nay 140 triệu USD đã thuộc về bức số 5, vẽ năm 1948, của danh hoạ Mỹ Jackson Pollock (1912 – 1956). Người bán là ông trùm công nghiệp ca nhạc và điện ảnh David Geffen.

Người mua, qua trung gian tư nhân, vốn kín đáo, ít lời. Hình như đó là một ông chủ ngân hàng của Mêhicô, tên là David Martinez. Ông đã có một bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại giá trị.

Ông vừa mua một căn hộ đẹp ở  một trong các tháp đôi tại Time Warner Center, New York. Người mua tăng lên, đơn vị kinh doanh cũng tăng lên. Hiện khuynh đảo thị trường nghệ thuật là tập đoàn kinh doanh đa quốc gia Artcurial.

Cuối cùng, thứ sáu, nghệ thuật đã được giải phóng và gặp được “tri kỷ”? Qua bao thế kỷ, nghệ thuật, nhất là hội họa, là đặc sản riêng của tôn giáo, triều đình và quý tộc.

Sau đó, nó dường như chỉ dành cho rất ít dân sành điệu. Giờ đây, nhiều tỷ phú mới phất ở nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, ấn Độ, gia nhập vào đội ngũ các tỷ phú Nhật, Pháp, Hoa Kỳ từng chấn động thị trường nghệ thuật nhiều năm rồi.

Tháng hai 2003, bức Nữ nông dân của Van Gogh được đặt giá chưa đến 100 USD trong một cuộc bán đấu giá. Sau khi được thẩm định đúng là của Van Gogh, giá được nâng lên 42.000 USD.

Giám đốc một công ty vật liệu xây dựng, ông Toshio Makamôt, bấy giờ 73 tuổi, trả ngay giá 500.000 USD để đưa nó về bảo tàng riêng tại làng quê ông, miền tây xứ sở hoa anh đào chỉ có 850 người dân.

Được biết, do quá yêu thích tranh khắc Nhật Bản, Van Gogh từng muốn chuyển sang sống ở Đất nước mặt trời mọc, mà quốc hồn là hoa hướng dương, chưa ai vẽ thành công bằng ông.

Hầu hết tranh đắt giá nhất hiện giờ là tranh chân dung, chủ yếu là của Van Gogh và Picasso, mang đầy ký ức lịch sử và tâm sự lòng người. Như vậy, động lực thực sự của giao lưu “nghệ thuật – công chúng” là tình yêu thương và cái cao đẹp của cõi đời.

Từ Bình Tâm
Tổng hợp

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".