Giáo sư y khoa viết tiểu thuyết lịch sử

GS.TS, nhà văn Ngô Ngọc Liễn
GS.TS, nhà văn Ngô Ngọc Liễn
TP - Nói về sự nghiệp văn chương của mình, giáo sư Ngô Ngọc Liễn đưa ra so sánh vui: Vũ Quần Phương là bác sỹ rởm nhưng là nhà thơ thật. Còn tôi là bác sỹ thật nhưng lại là… nhà thơ rởm. Người kết nối giáo sư y khoa với nhà thơ Vũ Quần Phương chính là cố thi sĩ Phạm Tiến Duật.

Ông lí giải: Vũ Quần Phương là bác sỹ nhưng không kê đơn thuốc, chủ yếu làm văn chương. Còn với Ngô Ngọc Liễn, cứu người là nghiệp, văn chương là sở thích, đam mê, cũng là một cuộc dạo chơi. 

Khác với nhiều người chăm chỉ khoe tất cả “danh hiệu” mình có. Ngô Ngọc Liễn cực kỳ “chuyên nghiệp”: Khi  viết sách y khoa, ông là giáo sư, tiến sỹ. Khi ra sách văn chương, dòng giới thiệu về ông đơn giản chỉ là: Ngô Ngọc Liễn, sinh năm..., quê quán… và những đầu sách thơ, văn đã xuất bản. Vào Hội Nhà văn Hà Nội đã lâu song ông không có ý định trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nghe nói, có vị quan văn từng khuyến khích và tạo điều kiện để ông đứng trong hàng ngũ này nhưng Ngô Ngọc Liễn chỉ cảm ơn và… lảng.

Ông đến với văn chương từ sớm, ban đầu, bằng những sáng tác thơ. Từ những năm 60 khi đang ở nước ngoài, ông đã làm thơ, coi đó như phương tiện giải tỏa cảm xúc. Thói quen ấy được duy trì, ngay cả khi ông đã về nước. Ngô Ngọc Liễn có quan hệ họ hàng với nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Duật lấy con gái bác ruột của tôi nên tôi phải gọi bằng anh”. Ông thường gặp thi sĩ ở những đám giỗ của gia đình. Có lần, Phạm Tiến Duật hỏi Ngô Ngọc Liễn: Bác sỹ có làm thơ không? Ông khoe vài bài. Không ngờ tác giả “Tiểu đội xe không kính” lại khen  và giới thiệu Ngô Ngọc Liễn với Vũ Quần Phương, bởi Vũ Quần Phương cũng là bác sỹ. Tập thơ đầu tiên của Ngô Ngọc Liễn chào đời do Phạm Tiến Duật đích thân viết lời giới thiệu: “Hình như tập thơ ấy xuất bản năm 1996 thì phải, tôi không còn nhớ rõ”. Sau đó, Ngô Ngọc Liễn thành lập CLB Thơ Hải Thượng, do ông làm chủ nhiệm, Vũ Quần Phương làm cố vấn, đây là CLB của những bác sỹ yêu thơ. Đến nay, CLB Hải Thượng vẫn hoạt động. Nhưng thơ không phải điểm dừng chân của Ngô Ngọc Liễn.

Nhiều năm nay, nhà văn chuyên tâm viết tiểu thuyết lịch sử. Vài năm trước ông khiến giới văn chương phải để mắt đến mình khi trình làng tiểu thuyết lịch sử “Mẫu Ỷ Lan”, khoảng 400 trang. Nhiều nhà văn tên tuổi trong giới không tiếc lời ca ngợi tác phẩm này. Ngay khi được công kênh, ông vẫn khẳng định: “Tôi không phải nhà văn chuyên nghiệp, tôi không phải nhà sử học, tôi chỉ là người đam mê lịch sử, yêu lịch sử, nên tha thiết với lịch sử…”. Lịch sử mà Ngô Ngọc Liễn tha thiết thuộc những nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử chưa được đánh giá thỏa đáng, thậm chí lệch lạc. Ngô Ngọc Liễn muốn soi lại quá khứ một cách trung thực. “Đi tìm cái mới trong những sự kiện cổ xưa” chính là đặc điểm tiểu thuyết lịch sử của Ngô Ngọc Liễn được nhà văn hóa Hữu Ngọc tổng kết.

Sau “Mẫu Ỷ Lan” gây tiếng vang, Ngô Ngọc Liễn mới sinh nở thành công đứa con thứ hai: “Lê Văn Thịnh Vụ án: Thái sư hóa hổ”. Ông muốn đòi lại công bằng cho Lê Văn Thịnh một nhân vật lịch sử có nhiều công trạng lớn: Với vai trò chánh sứ thượng nghị đã đòi lại được toàn bộ miền Tây Bắc khi ấy bị Tống chiếm. Khi làm thái sư, ông thực hiện nhiều chính sách tiến bộ đưa Đại Việt trở nên cường thịnh. Tuy nhiên, Lê Văn Thịnh lại là trường hợp tạo nên nhiều luồng ý kiến khác nhau khi đánh giá. “Có một nhà viết văn viết vở chèo về Lê Văn Thịnh đã xếp ông vào hàng Việt gian”, Ngô Ngọc Liễn day dứt. Qua cuốn tiểu thuyết lịch sử này, Ngô Ngọc Liễn khẳng định Lê Văn Thịnh không phải “Khai Quốc Trạng Nguyên” như nhiều tư liệu đã nêu. Theo Ngô Ngọc Liễn ông chính xác là người đỗ thủ khoa trong kỳ thi Nho học đầu tiên của nước ta. Lý do nhà văn đưa ra xác đáng: Thi Nho học khi đó chỉ đến Tam Trường, chưa tổ chức thi Tứ Trường lấy Tiến sỹ nên Lê Văn Thịnh không phải “Khai Quốc Trạng Nguyên”. Về vụ án Thái sư hóa hổ, ông đưa ra cách lí giải riêng: Do 3 giới, quí tộc, tăng lữ, điền chủ bị ảnh hưởng quyền lợi khi Lê Văn Thịnh làm Thái sư, hơn mười năm, nên đã câu kết với nhau vu cho Thái sư hóa hổ hại vua. Quan điểm này hoàn toàn khác với lí giải vụ án oan lâu nay nhiều người đều biết: Do mâu thuẫn giữa Nho giáo và Phật giáo. 

Khi viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử, phần mất thời gian nhất với Ngô Ngọc Liễn chính là sưu tầm và nghiên cứu tài liệu. Như cuốn “Lê Văn Thịnh Vụ án: Thái sư hóa hổ” ông thu thập tài liệu hơn 4 năm, viết chỉ trong vòng 6,7 tháng. Để đưa ra cách nhìn mới, quan điểm mới, Ngô Ngọc Liễn “cày nát” cổ sử với Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Sử Lược, Tống Sử (Cuốn Bang Giao Tống Lý của Hoàng Xuân Hãn). Một số người viết tiểu thuyết lịch sử ở ta chưa thành công do nặng  kiến giải lịch sử, thiếu và yếu tính tiểu thuyết. May mắn, Ngô Ngọc Liễn  không sa vào tình trạng này. Ở cuốn tiểu thuyết mới ra mắt, ông chứng tỏ năng lực tưởng tượng dồi dào khi tái hiện không khí thi cử, nhào nặn mối tình mãnh liệt nên thơ của Lê Văn Thịnh với người con gái nhà bá hộ Lâm giàu có.

Tôi hỏi Ngô Ngọc Liễn: Ông không sợ “tai bay vạ gió” khi liên tục đưa ra cách nhìn mới trên những trang sử cũ? Ông cười: “Tuổi này tôi còn sợ gì nữa. Lại nhớ câu thơ ông viết: “Dứt một sợi tóc bạc/Thả xuống hồ thu xanh/Chẳng sợ tóc chìm nhanh/Chỉ e hồ thêm lạnh…”. Ông luôn trăn trở sống có ích, làm cuộc đời này ấm lên, cho dù những năm tháng phía trước không còn dài rộng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.