'Hộp nước mắt' của người mẹ Pháp

Bà Paulette (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với những người Việt đến thăm gia đình (tư liệu)
Bà Paulette (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với những người Việt đến thăm gia đình (tư liệu)
TP - Người phụ nữ đáng kính ấy vừa qua đời vào ngày 2/10/2018, trên mộ đặt nhiều vòng hoa của người Việt viếng. Từ năm 1968, tại thị trấn Béziers, tỉnh Hérault, thuộc miền Nam nước Pháp, bà Paulette Menras (sinh năm 1925) luôn hướng về Việt Nam. Lúc đó bà 43 tuổi và có con trai là André Menras sang Việt Nam dạy học…

Tiễn con vào đất lửa

Tết Mậu Thân năm 1968, báo chí phương Tây liên tục cập nhật về tình hình chiến sự ác liệt đang diễn ra ở Việt Nam. Từ xã Sauvian, quận Béziers, bà Paulette luôn hướng về một đất nước mà bà chỉ mường tượng qua lời kể. Việt Nam luôn gây chú ý đối với thế hệ người Pháp như bà, vì từ năm 1858, thanh niên Pháp từng tham gia vào cuộc viễn chinh Rigault de Genouilly (tên viên tướng Pháp), tấn công Tourane (Đà Nẵng), Gia Định.

Năm 1968, giữa lúc bom đạn và trận Mậu Thân chưa nguội thì người con trai của bà là André Menras lên phi cơ 737 cùng nhiều giáo viên chuẩn bị bay sang Việt Nam để dạy học. Bà Paulette hiểu tính cách của người con trai 23 tuổi, vốn không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ.

Bà Paulette là một nông dân chất phác, nói năng bộc trực. Ngày bà lo lắng nhất là khi cậu con trai đang ngồi trên máy bay vượt đại dương, quá cảnh xuống Karachi (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan), trước khi tới sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn. “Máy bay rung lắc dữ lắm, cảm giác không được an toàn” - sau này, người con trai bà thuật lại về chuyến đi rất xa nước Pháp, đến Việt Nam lần đầu tiên. Chuyến bay kéo dài 12 tiếng đồng hồ, còn những chuyến tàu trước đây cha ông của André phải đi 3 tháng trên đại dương để đến An Nam.

Trong ký ức của người con trai, bà Paulette yêu thích món Paella hải sản của Tây Ban Nha được nấu từ tôm hùm, sò, mực tươi, thịt gà và hít thở gió biển Địa Trung Hải. Nhưng ở Việt Nam xa xôi thì người con trai ấy chỉ ăn được bít tết, mỳ Ý của lính Mỹ và ngợp thở với cái nóng hầm hập, không khí luôn thoang thoảng mùi mắm. Món ăn của Việt Nam mà André thể hiện sự “ngớ ngẩn” nhất là ram cuốn. André lấy bánh tráng mỏng ra lau bát đĩa, lau tay, lau mồm và than thở loại… giấy lau ở Việt Nam cứng như giấy nhám, nhưng sau đó chột dạ vì phát hiện khách ở bàn bên cạnh sử dụng thứ giấy mỏng này để cuốn ram!

Chuyến đi của André sang Việt Nam sau đó đã xảy ra nhiều biến cố, khiến bà Paulette in đậm trong ký ức. Vì vậy 38 năm sau (2006), một đoàn chiến sĩ cách mạng từng bị tù ở Côn Đảo sang Pháp ghé thăm gia đình, bà Paulette (năm đó 81 tuổi) vẫn nói câu mà người phiên dịch dịch ra khiến nhiều người cười ồ: “Tôi không cho Việt Nam con trai của tôi đâu, tôi chỉ cho mượn thôi”.

Hộp nước mắt

Đúng như những gì mà bà Paulette đã nói với mọi người, André - con trai của bà sắm ngay 2 chiếc máy ảnh Nikonos và Leica rồi rong ruổi khắp nơi, vượt qua các chốt gác, đi dọc Quảng Nam, ra Thừa Thiên - Huế, tới Hội An, lặn lội sâu vào các vùng nông thôn. Ở Việt Nam thiếu món rượu vang Biterrois nổi tiếng của quận Béziers, nhưng André đã kiếm được những thú vui khác qua việc khám phá vùng đất và con người ở đây. Hàng chục ngàn bức ảnh đen trắng được André chụp ở nhiều địa danh. Thỉnh thoảng cậu lại nhận được lời cảnh báo “nguy hiểm lắm, có Cộng sản ở vùng đó và họ đặt mìn!”.

Bà Paulette đã hiểu được một góc nhỏ của Việt Nam qua những lá thư và một số tấm ảnh do con trai gửi về. Nhưng đó lại là những góc của Việt Nam thanh bình. Những lá thư đầu tiên mà André gửi từ Việt Nam về Pháp có một điểm giống hầu hết các lá thư khác về sau này, nội dung luôn nói “con khỏe, ở đây nóng hơn ở Pháp nên thường phải đi tắm biển, mọi việc đều tốt…”. Nhưng sự thật thì mọi thứ đang diễn ra nóng bỏng. Khi André dạy tại trường Lycée Blaise Pascal ở Đà Nẵng, đêm xuống lại nghe tiếng hỏa tiễn lao vút trên bầu trời rồi cắm xuống các căn cứ Mỹ, tung ánh sáng như lân tinh.

Nơi cách xa ngàn dặm, linh cảm của người mẹ khiến bà Paulette luôn cảm thấy phập phồng về một điều gì đó bất an. Linh cảm của người mẹ luôn chính xác. Đó là lúc bà Paulette cảm thấy bị sốc nặng khi báo chí đưa tin con trai bà cùng một thanh niên Pháp khác đã treo cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Công trường Lam Sơn (Sài Gòn) và bị bắt giam vào ngày 25/7/1970. Sau khi bị tuyên án 3 năm tù giam thì tình hình ngày càng tồi tệ hơn, vì André đã tuyệt thực và tuyệt ẩm để đấu tranh, sau đó cả 2 được đẩy vào nhà thương điên Chí Hòa.

André ngồi tù từ tháng 7/1970 đến tháng Giêng năm 1973. André gửi thư cho mẹ vừa qua đường công khai, vừa qua đường bí mật. Bà Paulette đã cẩn thận cất những lá thư này trong hộp bánh bích quy, hàng ngày lại lấy ra đọc, áp vào ngực mình và nói với mọi người rằng, đây là “hộp nước mắt” (la boite à larmes).

Sau khi ra tù bị trục xuất về Pháp, André Menras và người bạn tù đồng hương Jean Pierre Debris đã viết cuốn sách nổi tiếng “Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo” xuất bản tại Pháp năm 1973, được dịch ra nhiều thứ tiếng.

 Cho Việt Nam mượn con  

Năm 1972, phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam sang Paris để tiếp tục đàm phán về Hiệp định Paris về Việt Nam đã cử cán bộ xuống miền Nam nước Pháp thăm, động viên và thông báo tình hình để bà yên tâm. Nhưng lúc đó, bà Paulette đang trong tâm trạng bị trầm uất nặng và mong tin con trai từng ngày. Bà hay nhắc đi nhắc lại dòng thư cuối mà con trai viết “chúng ta sẽ sớm đoàn tụ”. Nỗi mong chờ đó ám ảnh đến mức, khi về già, bà vẫn nhắc lại câu “chỉ cho Việt Nam mượn con thôi, vì nó là đứa con trai duy nhất”.

 'Hộp nước mắt' của người mẹ Pháp ảnh 1 André Menras thời còn là thầy giáo tại Ðà Nẵng năm 1969 (tư liệu)

Cuộc đời của bà Paulette luôn có hình bóng Việt Nam vì bà giữ “hộp nước mắt” suốt đời và mở ra khi có người Việt đến thăm. Còn André, người con trai của bà sau này đã được tổ chức trong tù đặt cho tên Việt là Hồ Cương Quyết. André vẫn thường xuyên qua lại Việt Nam, để nhớ về thời tuổi trẻ...  

Menras André Marcel (sinh năm 1945) tên Việt là Hồ Cương Quyết nổi tiếng từ trước 1975 tại miền Nam với các hoạt động đấu tranh phản chiến. Ông viết sách, làm phim về chiến tranh, về Hoàng Sa, chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong đó bộ phim tài liệu nổi tiếng “Việt Nam - Hoàng Sa: Nỗi đau mất mát”.  Menras André nhập quốc tịch Việt Nam từ năm 2009.

MỚI - NÓNG