Kết của 'Cánh đồng bất tận': Tha thứ, có dễ không?

Kết của 'Cánh đồng bất tận': Tha thứ, có dễ không?
TP - Cái kết của Cánh đồng bất tận khiến nhiều người băn khoăn vì “sai” ba chi tiết so với truyện: Thay vì kêu tên em - Điền, để cầu cứu, Nương đã gọi tía; thay vì chỉ cởi áo đắp cho con và bò quanh tìm cách che chắn thân thể con, ông Võ lại ngửa mặt kêu trời; thay vì hỏi cha một câu run rẩy: “Không biết con có bị có con không?”, lại là cảnh Nương mấy tháng sau đó ôm bụng bầu đi thênh thang trên đồng lúa.

 >> Nước mắt không phải chứng chỉ phim hay
 >> Đỗ Hải Yến: Mang 'Cánh đồng bất tận' sang Mỹ
 >> 'Cánh đồng bất tận' nhìn từ hàng ghế khán giả

Lan Ngọc vai Nương, trong cảnh kết phim gây tranh cãi
Lan Ngọc vai Nương, trong cảnh kết phim gây tranh cãi.

Nhiều người cho rằng những đoạn kết nhuốm màu hồng của lòng tha thứ chỉ có ở trong cổ tích hay những tác phẩm “giải trí”. Lòng tha thứ (hay nói rộng hơn, sự chấp nhận hay nhượng bộ) theo lẽ thường chỉ có được khi vết thương tinh thần đã liền miệng và cần có thời gian.

Song quá trình bị tổn thương và chữa lành về mặt tinh thần có lý lẽ riêng của nó, vừa rất giống lại vừa rất khác với nỗi đau thể xác.

Somerset Maugham, một trong những nhà văn - thầy thuốc, giới mà dường như có khả năng thấu hiểu uẩn khúc của lòng người, từng kể nhiều câu chuyện có duyên về lòng tha thứ. Nhiều thế hệ đọc ông đã tìm được câu trả lời vì sao lòng tha thứ vẫn có cái lý để tồn tại, khi ông mô tả vẻ đẹp của lòng tha thứ, mà con người chỉ nhận ra, sau khi đã trải nghiệm và chứng kiến hậu quả của lòng thù hận.

Cũng nhiều người cho rằng Cánh đồng bất tận khá rời rạc khi nhà làm phim để lạc mất góc nhìn điện ảnh từ Nương, mà lại khá dàn trải về Sương và Út Võ. Nếu rộng lượng hơn, khán giả sẽ thấy: Bi kịch của Sương đã được nhìn từ con mắt của Nương.

Hành trình của lòng tha thứ của cô bé Nương đã đi qua những hành động dữ dằn của người cha sống cay nghiệt trong lòng hận thù với vợ; qua nỗi mong mỏi mái ấm tình yêu của cô gái điếm; qua mối tình trẻ con của đứa em trai thiếu hơi mẹ; qua cả nỗi khốn khổ của cuộc đời trong trường đoạn đàn vịt bị thiêu hủy. Hành trình ấy cuối cùng đã vấp phải bi kịch của vụ hãm hiếp.

Cú sốc cuối cùng đó, thay vì như cách thông thường ta hay nghĩ- sẽ dìm Nương vào nỗi đau của hận thù, lại có tác dụng ngược lại.

Truyện ngắn mô tả việc Nương chỉ cố một lần rồi thôi chống cự. “Tôi không muốn bị đè nghiến, bị vùi nghẽn trong bùn”. “Sao đúng lúc vầy nè, tôi buồn nẫu nê, tôi vừa le lói nhìn thấy con đường dẫn đến cuộc - sống- bình - thường, tôi vừa nghĩ, trên con đường đó, sẽ gặp người con trai nào đó để thương yêu”. Những bộ óc rạch ròi sẽ cười khẩy: “Làm gì có chuyện đó, lúc này phải là cảm giác đau đớn tủi nhục mới đúng”.

Nếu thế, liệu Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, dù còn nhiều tranh luận về tầm văn hóa và thẩm mỹ, có trở thành tác phẩm hay và được đón nhận nồng nhiệt không? Liệu phim có nên bỏ mặc cái chi tiết đắt giá ấy về ước mơ, được nảy nở và nuôi nấng trong hành trình của khát vọng yêu thương, đã bùng phát trong khoảnh khắc đau đớn tột cùng?

Đứa trẻ lớn lên bị mẹ bỏ rơi, bị cha ngược đãi, khao khát yêu thương, nay một lần nữa tận mắt thấy tình yêu thương bị chối bỏ sẽ đau đớn thế nào.

Thể hiện chi tiết văn học này bằng tiếng thét gọi cha, đạo diễn muốn đứng về phía hy vọng. Cũng rõ như cái cách cho Út Võ ngửa mặt kêu trời, tiếng kêu của ăn năn. Dù chưa thành công đi nữa, thì phần kết phim vẫn là một cố gắng rất có tâm.

Một bộ phim có đời sống riêng, song phải hàm chứa thông điệp nhân văn của tác phẩm văn học. Chọn vẻ đẹp khó tin của lòng tha thứ để kết phim, đạo diễn đã nắm được cái hồn của truyện ngắn, khi để cho vết thương tinh thần và thể xác của Nương nhanh chóng được xoa dịu bởi tình yêu và sự phục thiện của người cha - chính là cái “được” lớn nhất của cô sau vụ hãm hiếp. Phim kết trong câu rất tuyệt “là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”.

Còn rất nhiều điều chưa tới, chưa được, khi phim chưa thể hiện được toàn bộ tinh thần của truyện ngắn, nhưng có thể thấy đạo diễn đã đi đúng hướng.

Cánh đồng bất tận đã thể hiện được tâm huyết của người làm nghề, với mong muốn giản dị là kéo khán giả đến rạp. Nếu Điện ảnh Việt Nam có thêm nhiều bộ phim như vậy, ngày càng hay hơn, ít sạn hơn, sẽ từ từ lớn lên. Điều này vừa khó lại vừa dễ, như việc đưa lên màn ảnh câu chuyện về lòng tha thứ.

Diệp Trang
Hà Nội

MỚI - NÓNG