Nỗi khổ cải lương

TP - Trấn Thành từng phải xin lỗi khi làm biến dạng trích đoạn cải lương kinh điển “Tô Ánh Nguyệt” của soạn giả Trần Hữu Trang.

Mặc dù, ngay cuối trích đoạn, Trấn Thành đã biện minh cho mình: “Tui không phải bà Tô Ánh Nguyệt, mà là con Nguyệt bán cocktail tô” song khán giả đâu dễ dàng bỏ qua “tội” làm tan nát trích đoạn cải lương nổi tiếng của anh.

Mới đây, diễn viên hài Gia Bảo, cháu nội NSƯT Bảo Quốc,  trong gameshow “Sao nối ngôi”, lại thể hiện tình yêu với cải lương qua ca cảnh “Nối ngôi”, tái hiện ba tác phẩm cải lương kinh điển: Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Bên cầu dệt lụa.

Một khán giả yêu cải lương bình luận: “Vở cải lương kinh điển trên sân khấu Thanh Minh- Thanh Nga ngày đó (kịch bản Trúc Đường, chuyển thể Huy Trường, đạo diễn Ca Lê Hồng) có một vai rất phù hợp với Gia Bảo, đó là nhũ mẫu. Còn vai Dương Vân Nga sao hợp? Trò cười không hơn không kém”.

Nhiều người cũng cảm thấy bức xúc khi các nữ nhân vật lịch sử trong các trích đoạn cải lương luôn bị các nam nghệ sỹ đua nhau diễn thử: Hoài Lâm vào vai Trưng Vương, vai diễn để đời của nữ NSƯT Thanh Nga trong trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh”. Bạch Công Khanh, quán quân “gương mặt thân quen” mùa 4, hóa thành NSND Bạch Tuyết trong trích đoạn cải lương Kiều Nguyệt Nga. Danh hài Hoài Linh cũng từng hóa NSND Bạch Tuyết trong vở Thái hậu Dương Vân Nga… Các màn giả gái trong các trích đoạn cải lương nổi tiếng diễn ra liên tiếp, khiến “thượng đế” chỉ còn biết chắp tay: “Xin các nam nghệ sỹ đừng bôi bác các nhân vật lịch sử là nữ nữa”. Đúng là thời giả gái loạn xị ngầu.

Tại sao gameshow cứ đua nhau mang cải lương ra “thí nghiệm”? Tại sao hài kịch lại mang cải lương ra đùa? Đó là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở. Từ những diễn viên đã thành danh đến những diễn viên đang trên đường kiếm tìm chỗ đứng đều muốn trải nghiệm cùng cải lương. Trong khi đó, nghệ thuật cải lương đích thực lại vắng khán giả. Các nghệ sỹ cải lương có tài có khi cũng đã chuyển sang bộ môn nghệ thuật khác, như nghệ sỹ cải lương Ngọc Huyền sau một thời gian qua hải ngoại, giờ trở lại như một ca sỹ của dòng nhạc bolero. Có người bình luận: Vì cải lương chính thống đang “ế” nên mới có cớ để hài kịch, gameshow lao vào. Rõ ràng, cải lương được (hay bị?) đưa vào sân chơi không phải dành cho mình, chẳng sang thêm, chẳng thể sống dậy, mà chỉ khiến cho những người yêu bộ môn nghệ thuật dân tộc này thực sự ngậm ngùi.

Sau vụ làm bẩn trích đoạn cải lương Tô Ánh Nguyệt, Trấn Thành bị phạt 32,5 triệu đồng. Những nghệ sỹ có liên quan như NSND Ngọc Giàu, diễn viên Anh Đức lần lượt bị phạt 15 triệu đồng. Mức phạt này đương nhiên không đủ sức răn đe với những ngôi sao giải trí cỡ Trấn Thành. Trong khi chúng ta lo lắng với sức sống của nghệ thuật cải lương trước sức tấn công của hàng loạt phương tiện nghe, nhìn hiện đại thì có lẽ đã đến lúc cần phải bảo vệ cải lương trước tình yêu dễ dãi đến từ các nghệ sỹ thuộc lĩnh vực giải trí.

MỚI - NÓNG