Nỗi lo “hàng giả”

Nỗi lo “hàng giả”
TP - Ngày 4-10, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Công ty văn hóa Phương Nam tổ chức cuộc thi viết “Giấc mơ của em” dành cho học sinh cấp 1 và 2.

> Vào lò ‘sao chép’ các loại bánh kẹo nổi tiếng

Đây là cuộc thi được dự đoán sẽ thu hút thí sinh vì giải thưởng khá cao (giải nhất 30 triệu đồng) với BGK gồm các tên tuổi như nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Đức Tiến, Nguyễn Thái Dương, tiến sỹ Quách Thu Nguyệt… BTC hy vọng có nhiều bài thi chất lượng để in thành sách, tiến tới tổ chức thành cuộc thi định kỳ.

Tuy nhiên ngay từ khi BTC công bố thể lệ, đã có nhiều ý kiến cho rằng cuộc thi sẽ khó đạt kết quả như mong muốn, bởi không loại trừ trường hợp những bài thi chất lượng sẽ không phải do các em viết.

Nhà văn Nguyễn Thái Dương nói: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc thi nên có kinh nghiệm trong việc này. Không có bài thi chất lượng cũng lo, nhưng có bài chất lượng cao còn lo hơn vì không rõ có phải các em viết không hay ai đó viết hộ. Vì thế những bài thi được đánh giá chất lượng cao cần phải có sự thầm định, xác minh cụ thể từ nhiều nguồn”.

Tiến sỹ Quách Thu Nguyệt cũng cho rằng: “Sống trong xã hội tràn ngập hàng giả như hiện nay, tôi sợ rằng chất lượng cuộc thi sẽ bị ảnh hưởng bởi người lớn. Chỉ mong các bậc phụ huynh hãy để các em viết thật với ước mơ của mình.

Ban giám khảo đã xác định khi chấm thi sẽ đặt ra 3 tiêu chí là ý tưởng, văn phong và nội dung. Nhưng nếu các phụ huynh can thiệp sâu vào bài thì cũng khó mà biết đích xác được”.

Một trở ngại khác là việc phát động cuộc thi tới từng trường thông qua ban giám hiệu và các đoàn thể. Có ý kiến đề nghị trao giải cho trường, lớp có nhiều thí sinh dự thi nhất.

Hình thức phát động này có thể dẫn tới việc một trường có hàng trăm bài dự thi, nhân rộng ra trong cả nước thì có số lượng bài thi lên tới cả triệu bài. Chỉ 4 giám khảo trong ban chấm thi sơ khảo thì có lẽ khó có đủ thời gian đọc hết từng bài.

Nhà văn Trần Đức Tiến- đại diện Hội Nhà văn phát biểu: “Mong muốn thông qua cuộc thi sẽ có nhiều bài thực sự do các em viết. Có thể chưa chuẩn về câu chữ, còn sai chính tả nhưng đó mới là của các em. Đừng áp đặt suy nghĩ của người lớn mà hiện nay các trường đang áp dụng như làm bài văn theo mẫu hay kể một câu chuyện theo định hướng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG