Ra mắt bộ lịch nghệ thuật Truyện Kiều 9 năm

TP - Sau 10 năm ấp ủ, những người thực hiện cho ra mắt bộ lịch nghệ thuật Truyện Kiều độc đáo, có thể sử dụng cho 9 năm.

Bộ lịch do Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học Công nghệ (CTCS) phối hợp với Cty CP Sách và Công nghệ Giáo dục Việt Nam, NXB Văn học và một số đơn vị thực hiện, dưới sự tư vấn của Hội Kiều học. TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm CTCS nói trong buổi ra mắt ngày 30/11 rằng, sự độc đáo của bộ lịch nằm ở chỗ vừa có giá trị tra cứu cùng lúc năm loại lịch, vừa có giá trị thưởng thức hội họa từ các bức tranh Truyện Kiều. Cuốn lịch ra đời nhằm kỷ niệm bốn ngày lễ lớn về Nguyễn Du: 255 và 260 năm ngày sinh, 200 và 205 năm ngày mất Nguyễn Du.

Được biết từng có một số loại lịch ba năm, năm năm, sáu năm, tám năm, còn loại cửu niên (chín năm) lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Chủ biên bộ lịch này giải thích ý nghĩa của lịch cửu niên xuất phát từ quan niệm về con số 9: Cả phương Đông lẫn phương Tây đều ưa chuộng, mang lại hạnh phúc và trường thọ. Thời gian bộ lịch từ 2018-2026, dùng để tra cứu năm loại lịch song hành: Dương lịch, Âm lịch, Can chi, Tiết khí, Lịch 28 chòm sao. Cả bộ dày 56 trang in trên nền giấy couchematt nhập từ Nhật, khổ lớn 1,28m và khổ nhỏ 0,9m. Theo những người biên soạn loại giấy và mực in được lựa chọn kỹ để phù hợp khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam.

Ra mắt bộ lịch nghệ thuật Truyện Kiều 9 năm ảnh 1 Bộ lịch nghệ thuật Truyện Kiều dùng trong 9 năm. Ảnh: Hà Thư.

Điểm đặc biệt của bộ lịch còn nằm ở 27 bức tranh vẽ về cuộc đời và số phận nàng Kiều dựa theo Truyện Kiều của Nguyễn Du. Một trong những lí do bộ lịch mất tới 10 năm mới ra đời được là do quá trình lựa chọn 27 bức vẽ. TS Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ với Tiền Phong: “Khó khăn nhất chính là chọn họa sĩ vẽ tranh. Chúng tôi vào cả trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam đặt thầy và trò, nhưng thời gian trôi qua không ai làm được”. Ông nói thêm giới nổi tiếng như họa sĩ Mai Long vẽ truyện tranh 60 năm này nhưng không thể tham gia vì lí do sức khỏe, họa sĩ Lê Trí Dũng cũng chỉ tham gia một bức. Ban soạn thảo cuối cùng ưng tác phẩm của họa sĩ Trịnh Quang Vũ và Trương Thảo. “Chúng tôi tổn thất vài trăm tác phẩm đã vẽ rồi nhưng không dùng được, bởi vì phương châm của chúng tôi là tranh trung thành với tác phẩm Truyện Kiều, với thời đại Nguyễn Du đề cập. Không thể chấp nhận vẽ Kiều mặc áo mớ bảy mớ ba, đi guốc cao gót được, vừa phản cảm lại không đúng thời đại”, TS Điệp nói.

Dưới mỗi bức tranh đều có trích dẫn những câu Kiều đắt, phù hợp nội dung. Người biên soạn khẳng định quá trình làm việc rất cẩn trọng từ lựa tranh tới duyệt thơ đều có hội đồng rất khắt khe. Có thể kể đến những thành viên uy tín như GS.NGND Nguyễn Đình Chú người giảng dạy Kiều suốt mấy chục năm nay, nhà phê bình Trần Đình Sử, GS Phong Lê - Chủ tịch Hội Kiều học. Về phần trích dẫn Kiều, TS Điệp cho biết bản thảo lấy từ bộ Kiều của Hội Kiều học bởi hiện nay có nhiều dị bản Truyện Kiều. Bộ sách của Hội Kiều học có bản chữ Nôm đối sánh và được thẩm định khoa học. GS Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học cũng đánh giá cao sự nỗ lực trong nhiều năm của những người biên soạn.

Điểm đặc biệt của bộ lịch còn nằm ở 27 bức tranh vẽ về cuộc đời và số phận nàng Kiều dựa theo Truyện Kiều của Nguyễn Du. Một trong những lí do bộ lịch mất tới 10 năm mới ra đời được là do quá trình lựa chọn 27 bức vẽ. TS Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ với Tiền Phong: “Khó khăn nhất chính là chọn họa sĩ vẽ tranh. Chúng tôi vào cả trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam đặt thầy và trò, nhưng thời gian trôi qua không ai làm được”.

Nâng lên đặt xuống bức Kiều khỏa thân

Đại diện những người thực hiện cho biết, bức tranh khỏa thân được hội đồng duyệt (trong đó có họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) nâng lên đặt xuống nhiều lần. “Nguyễn Du tả “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” như thế mà không vẽ thì còn gì là hồn Nguyễn Du. Chúng tôi điều tra hơn 100 cô giáo dạy văn, không ai phản đối bức tranh đó vì đều thừa nhận đẹp, không dung tục”, TS Điệp nói.

MỚI - NÓNG