Sao cứ phải tượng đài?

Sao cứ phải tượng đài?
TP - Sự ra đi của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, phu nhân nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, người đóng góp 5.000 cây vàng cho Nhà nước khiến một số người đưa ra ý kiến: Ngoài tổ chức lễ tang cấp cao nên dựng tượng hai vợ chồng cụ, để thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Dư luận nghe thấy dựng tượng đã… giật mình. 

Nhiều ý kiến cho rằng: Dựng tượng các cụ, chưa chắc các cụ đã thích. Họ nêu thí dụ: Lãnh tụ Fidel Castrol sinh thời không mong muốn dùng danh tính mình để đặt tên cho các giải thưởng, đường phố, tượng đài… để tránh nạn sùng bái cá nhân. Lại có ý kiến cho rằng: Thay vì dựng tượng nên đặt tên đường bằng tên hai cụ, “hai con đường càng gần nhau càng tuyệt”.v.v. 

Dựng tượng danh nhân, tượng lãnh tụ, vốn không phải chuyện mới ở ta cũng như trên thế giới. Người Việt không ghét tượng. Có người trong nghề điêu khắc đã lí luận: Công viên nào có tượng hay không gian nào có tượng đều dễ dàng hút người. Nhưng vì sao dư luận cứ nói đến tượng lại ngại?  Điều đó không quá khó hiểu  khi chất lượng công trình, chất lượng nghệ thuật của tượng nơi công cộng ở ta vẫn còn đang gây tranh tranh cãi quyết liệt… Lý do phản đối dựng tượng hai cụ Hoàng Thị Minh Hồ- Trịnh Văn Bô  hầu hết đều bắt nguồn từ vấn đề tài chính. Bởi cứ nghĩ đến tượng dư luận chỉ nghĩ tới tượng đài, cực kỳ tốn kém:  “Không nên làm tượng. Làm tượng lại tốn”. Có những người còn cân, đo tỉ mẩn: “Nếu tượng nghìn tỷ thì thôi không nên dựng. Nhưng tốn 2-3 tỷ đồng thì nên làm”. Ý kiến có tình có lí hơn cả: “Nên dựng tượng vì như thế trực quan hơn, tác dụng giáo dục rất cao. Nên làm giản dị như chính cuộc đời của hai cụ, không nên đặt vấn đề chi phí ở đây sẽ làm đau lòng các cụ và con cháu của các cụ”. 

Trao đổi với nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, ông thẳng thắn bày tỏ: Dựng tượng là việc quá nên làm. Song ông trấn an dư luận: Không cần dựng tượng đài vừa tốn kém, vừa không hợp lí. Ở đây ông nhắc dư luận nên lưu ý đối tượng được dựng tượng. Cần phân biệt: Tượng lãnh tụ, tượng danh nhân, tượng người có công… Nhà điêu khắc đưa ra chi phí dựng tượng hai cụ, một con số rất “dễ thở”,  có lẽ khiến nhiều người đang mải tranh luận ngỡ ngàng: “Dựng tượng chân dung là được. Tượng chân dung chẳng đáng bao nhiêu. Một chân dung khoảng trăm triệu đồng chứ mấy, cần gì làm tượng đài? Tượng chân dung để trong nhà hoặc để ngoài vườn, hoặc đặt ở góc đường hoặc ngã ba con đường mang tên các cụ”, nhà điêu khắc nói. Ông giải thích thêm: Ngay cả làm cả cái khuôn viên nho nhỏ để ở dưới trồng hoa chi phí cũng không đội lên là bao. Nhà điêu khắc cho rằng: “Đừng nghĩ làm gì to tát, cuộc đời giản dị thế thôi. Làm cái chân dung bán thân, chứ không cần toàn thân, có cái bệ nữa… Nên nhẹ nhàng thế. Đao to búa lớn làm gì”.

MỚI - NÓNG