BOT Cai Lậy và Bộ trưởng Giao thông

BOT Cai Lậy và Bộ trưởng Giao thông
TP - BOT có gì sai mà dư luận bi phẫn nhiều ngày qua? Hình thức “Xây dựng-hoạt động-chuyển giao” không xa lạ và cũng không đáng phải bàn nhiều đến thế, nếu như…

Trong quá trình triển khai, BOT đã biến tướng. Có chuyên gia giao thông từng tiết lộ: Quá trình thi công mới “ăn đủ”. Nền đường dùng vật liệu gì, rẻ tính thành đắt; có cần gia công hay không, ai biết?  Rồi bao nhiêu loại vật liệu khác… Như đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội), nhà đầu tư chỉ thảm lại mặt đường, giá thu trên mỗi cây số bằng cao tốc mới. “Ăn” trong quá trình thi công “dày” hơn 20 năm thu phí bạc lẻ. Có một cách “ăn” nữa là gian lận đếm phương tiện. Tuy nhiên, một khi phương thức thu phí không dừng được áp dụng, cách này hết hiệu quả.

BOT Cai Lậy (Tiền Giang) nóng vì cách thu phí “không lối thoát”. Tức là dù phương tiện có lưu thông tuyến BOT hay QL1A cũng đều phải nộp tiền. Có lẽ để hợp thức hóa (lý do QL1A xuống cấp) nên nhà đầu tư thảm sửa mặt đường và dựng trạm thu phí chặn luôn QL1A. Có lẽ Cai Lậy nóng nhất vì có chữ ký phê duyệt dự án của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể (lúc còn thứ trưởng).

Đáng ngạc nhiên nhất, khi sự việc diễn ra, một số quan chức đầu ngành của UBND tỉnh Tiền Giang trả lời báo chí cứ như thể vô can. Thế nhưng, hóa ra, để làm được tuyến đường tránh này HĐND và nhiều cơ quan ban ngành ở Tiền Giang phải có sự đồng thuận cao.

Thế mới biết cả tuyến đường tránh dài hơn 10 cây số mà lại bé như con kiến khiến người ta lúc nhớ, lúc quên. Vậy cả nước đang có khoảng 7 trạm thu phí “không lối thoát”, có ai nhớ? Những nơi đó vẫn âm ỉ sự phản đối. Ví như đi Hà Nội-Hải Phòng, làm sao thoát được phí BOT dù khách đi đường cũ hay mới. Giả sử Cai Lậy phải chuyển về đúng vị trí của nó, những trạm BOT “không lối thoát” khác cũng phải làm tương tự.

Khi BOT Cai Lậy nóng lên, cũng là lúc tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể mới nhậm chức. Ông Thể từng công bố sẽ tiếp dân mỗi tháng một lần. Thế nhưng, những ngày nóng nhất về BOT Cai Lậy, báo chí khó tiếp cận ông.

Đến trưa 4/12, sau nhiều nỗ lực, ông Thể đá quả bóng trách nhiệm lên trên bằng dòng tin ngắn ngủi: “Chính phủ sẽ họp gấp vào chiều nay. Sẽ có chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ GTVT cũng đang chờ…”; “Hôm nay, Chính phủ xem xét báo cáo của Bộ GTVT về BOT Cai Lậy… Anh em chờ chỉ đạo của Thủ tướng”. BOT đã có kiểu “không lối thoát” rồi, vậy Bộ trưởng Thể nên mở lối thoát cho dư luận.

BOT không có lỗi, mà chỉ có những dạng nhà đầu tư như trong dự án cải tạo mặt đường Pháp Vân-Cầu Giẽ tố nhau về ăn chia mà lộ ra đủ trò.

Tân Bộ trưởng GTVT cũng nói bên hành lang Quốc hội rồi đó thôi: “Tôi nghĩ rằng đã làm thì cũng có đúng, có sai. Nhưng cái quan trọng là cái tâm của những người làm giao thông chúng tôi phải vì lợi ích chung, không tư túi, không vì lợi ích nhóm. Những người nào làm sai, có vấn đề, chắc chắn pháp luật sẽ xử lý nghiêm”. Ông nói đúng, cả nước đang ngóng trông vào sự thượng tôn pháp luật.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.