Chưa sòng phẳng

Chưa sòng phẳng
TP - Theo Bộ Giao thông Vận tải, vì vốn đầu tư mở rộng nâng cấp một tuyến đường là khá lớn, trong khi nguồn ngân sách eo hẹp như hiện nay, việc huy động đầu tư theo hình thức BOT được xem là giải pháp thích hợp nhất.

> Mở rộng QL1A đoạn Vạn Ninh - Ninh Hòa
> Phí đường bộ sẽ tăng gấp 3,5 lần

Tuy nhiên, vấn đề nhiều người dân quan tâm, là người dân, doanh nghiệp đã phải đóng phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện, lại phải tốn phí khi qua các trạm thu phí BOT (đầu tư-vận hành-chuyển giao) có dấu hiệu xuất hiện dày đặc tại nhiều địa phương.

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, tại tỉnh Bình Dương hiện có 13 trạm thu phí BOT được bố trí rất gần nhau. Trạm Lái Thiêu chỉ cách trạm Vĩnh Phú (QL 13) khoảng 2 km và cách trạm thu phí An Phú khoảng 8 km. Từ trạm An Phú đến trạm Bình Thung chỉ xa khoảng 18 km.

Còn Trạm Bình Thung chỉ cách trạm thu phí Bình Thắng chưa đầy 3 km… Trong khi đó, theo quy định của Bộ Tài chính, hai trạm thu phí BOT phải cách nhau ít nhất 70 km.

Tại Đồng Nai, ngoài các trạm thu phí đang tồn tại, thời gian tới sẽ xuất hiện một số trạm thu phí mới. Theo Đài Truyền hình Đồng Nai, đó là các dự án Đồng Nai Mới, Quốc lộ 1A tuyến tránh Biên Hòa và dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; TP Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tỉnh này cũng đang tiếp tục kêu gọi sáu dự án giao thông theo hình thức đầu tư BOT, như vậy là sắp tới đây, mật độ các trạm thu phí xung quanh Đồng Nai và các tỉnh, thành trong khu vực sẽ còn dày đặc hơn.

Điều này có nghĩa là phương tiện của người dân, các doanh nghiệp vận tải ngoài việc phải đóng phí sử dụng đường bộ còn phải gánh thêm khoản phí đang được xem là khá nặng từ các trạm BTO.

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TPHCM nói với phóng viên Tiền Phong, chỉ tính hai công trình BOT đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và cầu Cần Thơ, một chuyến xe container từ cảng Cát Lái đi thành phố Cần Thơ phải trả phí 1.350.000 đồng, chiếm 19% tổng giá cước vận tải.

Phí chồng phí đang khiến chi phí vận tải bị đẩy lên kéo theo sự tăng giá của các loại hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Giải thích về chuyện này, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Hồng Trường nói với phóng viên: “Theo đề án thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ thì vẫn duy trì các trạm BOT, các trạm này dùng tiền để duy tu bảo dưỡng các tuyến đường đó, không dùng quỹ đường bộ vào các tuyến đường này, mà chỉ dùng vào các tuyến không phải BOT. Hai nguồn thu này hoàn toàn khác nhau nên việc triển khai BOT và thu quỹ bảo trì không phải phí chồng phí”.

Lý giải nói trên có thỏa đáng? Hay nói cách khác là đã sòng phẳng. Bởi dù Quỹ sử dụng đường bộ không chi cho một đoạn đường BOT nào đó, người dân vẫn phải đóng phí sử dụng đường bộ đối với toàn hệ thống đường bộ Việt Nam, cho dù người đó ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG