Đằng sau cột khói

Đằng sau cột khói
TP - Đã lâu lắm rồi, Liên Hợp Quốc mới ra một nghị quyết cho phép can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia với “tất cả các biện pháp cần thiết” nhằm “bảo vệ người dân”, kể từ cuộc chiến Nam Tư, tháng 3-1999.

> Điều gì xảy ra tiếp theo trong cuộc chiến ở Libya?
> Toàn cảnh cuộc khủng hoảng và chiến tranh ở Libya

Lần này, thực thi nhiệm vụ can thiệp quân sự vẫn là lực lượng của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), chỉ khác ở chỗ Pháp và Anh là lực lượng chủ công, thay vì Mỹ. Lý do dễ thấy nhất là cường quốc số một thế giới còn đang vướng bận với cuộc chiến tại Afghanistan và tình hình Iraq bất ổn nên chưa thể sẵn sàng mở thêm mặt trận mới.

Vậy đằng sau những cột khói của những vụ không kích mà liên quân vừa thực hiện tại Libya là gì?

Tình hình Libya trong hơn 1 tháng qua ai cũng đã rõ. Liên Hiệp Quốc và các nước phương Tây cho rằng chế độ của ông Gaddafi tàn sát dân thường nên quyết định can thiệp. Đó là nguyên nhân trực tiếp. Nhưng nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng ở đây còn có những nguyên nhân sâu xa hơn nữa.

Pháp và Anh vốn không xa lạ gì với người Libya. Từ năm 1943 - 1951, các vùng Tripolitania và Cyrenaica của nước này nằm dưới quyền chiếm đóng của Anh trong khi Pháp chiếm đóng vùng Fezzan.

Năm 1959, những giếng dầu với trữ lượng lớn thuộc loại hàng đầu thế giới được phát hiện tại Libya và nguồn thu có được sau đó từ bán dầu khiến nước này từ vị thế một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nước rất giàu có, tính theo GDP đầu người.

Tuy vậy, dù dầu mỏ đã cải thiện đáng kể đời sống của dân Libya, sự bất mãn của dân chúng vẫn tồn tại khi tài sản quốc gia ngày càng bị tập trung vào tay vua Idris và tầng lớp quý tộc trong nước. Ngày 1 - 9 - 1969, một nhóm sĩ quan quân đội dưới sự chỉ huy của Muammar Gaddafi khi ấy mới 28 tuổi thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ vua Idris. Gaddafi đã trở thành lãnh tụ trên thực tế của Libya từ năm ấy.

Các phân tích gia cho rằng, chẳng phải ngẫu nhiên mà Pháp và Anh là hai nước tiên phong nhất trong việc hạ bệ ngài đại tá Gaddafi, vốn được coi là cái gai trong mắt phương Tây từ hàng chục năm nay. Và cũng dễ hiểu, trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của quốc gia vùng Bắc Phi luôn là mối quan tâm hàng đầu của những cường quốc.

Với khoảng cách không quá một giờ bay cũng những mối quan tâm truyền thống, việc những chiếc chiến đấu cơ đa nhiệm Rafale hay Mirage 2000 của không quân Pháp nhanh chóng xuất hiện trên bầu trời Benghazi, “thánh địa” của lực lượng đối lập, sau khi nghị quyết của Liên Hợp Quốc có hiệu lực, được cho là không gây ngạc nhiên.

Tuy nhiên, cũng cần nói lại rằng, nếu sau khi lật đổ chế độ quân chủ dưới thời vua Idris, ông Gaddafi lập ra một nhà nước thực sự dân chủ, với những lãnh đạo dân cử thực sự, thì khó “người ngoài” nào có cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của người dân Libya, dù với bất cứ chiêu bài hay luận thuyết gì. Nhưng ông đã không làm vậy. Và bây giờ, trên đất Libya, từng cột khói của bom, của rocket bốc cao, khét lẹt khói súng trộn lẫn mùi dầu cháy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.