Đánh vuốt đuôi

Đánh vuốt đuôi
TP - Tham nhũng tuy nhiều, nhưng thu hồi tài sản tham nhũng chẳng được bao nhiêu. Nhận định này hoàn toàn xác đáng, rất đáng lưu tâm. Vấn đề này đã được Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu bằng một đề tài khoa học rất quan trọng.

Có thể nói đây là một bất cập vô cùng lớn trong vấn đề phòng chống tham nhũng. Điều rất đau lòng là chúng ta mới chém với, đánh vuốt đuôi, khi tham nhũng chạy mất rồi mới chém vạt áo đang bay, còn thực sự chúng ta đã không chặn đầu được bất kỳ nhân vật, vụ việc nào thực sự, để cho người dân yên tâm.

Lỗ hổng đầu tiên có thể nhận thấy là pháp luật không có quy định về việc coi tài sản như thế nào là tài sản tham nhũng. Tức là chúng ta không định nghĩa được một cách đầy đủ, không thống kê và quy định, gạch đầu dòng những loại tài sản nào được gọi là tài sản tham nhũng. Tôi lấy ví dụ, nếu chúng ta có một quy định, tính từ ngày tháng năm này, đối với những tài sản nằm ngoài thu nhập hợp pháp, không giải trình được đối với một người có chức vụ, có khả năng tham nhũng thì sẽ bị coi là tài sản tham nhũng và bị thu hồi, bị xử lý.

Vấn đề thứ hai, đó là quy định tẩu tán tài sản dưới bất kỳ hình thức nào. Khi đó, bất kỳ một hình thức chuyển nhượng dù là thủ tục hợp pháp vẫn phải bị moi ra, thì bị coi là tài sản tham nhũng, và vẫn bị thu hồi. Cho dù là chuyển nhượng cho ai, tặng cho hay thừa kế, đều được coi là tài sản tham nhũng, nếu không giải trình được. Ví dụ, con làm ở ngành nghề gì, có thu nhập bất thường, đặc biệt gì không mà lại có tài sản lớn như thế? Hay một cụ già 90 tuổi, làm gì mà tự nhiên có một ngôi nhà mấy chục tỷ như vậy? Ở đây có vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật của chúng ta chưa chặt chẽ.

Hay khi một vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện, các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc, và họ không đi đến tận cùng của vấn đề mà người dân, báo chí và các tổ chức xã hội phát giác. Chúng ta đã không làm đến cùng mà làm nửa vời, mà người ta gọi là đánh rắn giữa khúc. Dẫn đến không thể thu hồi được, như vậy là thiếu đi cả cơ sở pháp lý, cả cơ sở thực tiễn để thu hồi. Do vậy, tất cả các vụ việc khi phát hiện ra phải đi đến tận cùng của chân lý, để lý giải có sự thuyết phục, không có chuyện vụ này thì làm kỹ còn vụ kia thì không.

Theo tôi, với những cán bộ tham nhũng, thì tốt nhất nên từ chức và đừng bao giờ làm việc trong nhà nước nữa. Anh còn làm việc trong nhà nước, chứng tỏ rằng anh vẫn còn tiếp tục tham nhũng về  chức quyền.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.