Ngạc nhiên không?

Ngạc nhiên không?
TP - Việc cấm trông giữ xe tại 268 tuyến phố Hà Nội có thể bị đổ vỡ. Thông tin này có giật mình không? Chắc là không. Lời giải cho giao thông tĩnh ở Hà Nội thêm lần bế tắc, loay hoay với chừng ấy giải pháp, trong khi đường phố chỉ có vậy thôi!

> Nơi nghiêm ngặt, chỗ buông lơi
> Tăng thêm các tuyến phố cấm trông giữ xe

Cuộc sống luôn điều chỉnh chúng ta, mặc cho ý chí chủ quan mạnh mức nào. Thực tế, việc cấm trông xe trên nhiều tuyến phố gây không ít bất tiện cho dân: có người gửi xe và đi bộ hàng ki lô mét đến công sở, điểm mua sắm, điểm vui chơi giải trí; có người “nhắm mắt đưa chân” đỗ ở lề đường cấm; có người chấp nhận đi xe ôm trường kỳ vì sợ phạt…

Trong khi đó, việc đỗ xe của dân đa số diễn ra ở lề đường, vỉa hè. Quy định đưa ra dân muốn chấp hành, nhưng bất tiện thì cố mãi cũng mỏi. Một ngày, hai ngày, một tháng, rồi một năm, người ta không cố nổi nữa lại đỗ xe ở những tuyến phố gần cơ quan, gần các cửa hàng...

Trong khi đó, “thanh tra giao thông bị khống chế làm việc trong giờ hành chính nên không thể có mặt để xử lý” (Đội trưởng Thanh tra giao thông Hai Bà Trưng Trần Việt Hải). Sự chưa hợp lý xảy ra cả trên thực tế lẫn trong giám sát khiến sự cố gắng của hai bên đang đến chỗ “huề cả làng”.

Vẫn biết chúng ta vì những mục tiêu tốt đẹp. Cơ quan chức năng thì muốn phố phường ngăn nắp. Người dân dĩ nhiên muốn vậy và ủng hộ thành phố. Nhưng, đường phố thì có chừng ấy, phương tiện mỗi ngày mỗi tăng, con người ngày càng đông đúc. Bày hết ra đường, xoay mãi nó cũng chỉ chừng ấy cách, thông cảm cho nhau thì rất cần, nhưng cố mãi thì làm khổ nhau! Cần phải có thời gian.

Tìm ra giải pháp mới, khả thi, đúng yêu cầu đặt ra từ thực tiễn thì sẽ thành công. Một câu hỏi vừa dễ vừa khó: Để phố phường thông thoáng thì ô tô, xe máy nên gửi ở đâu? Trả lời được câu hỏi này thì có lời giải. Nếu chỉ muốn một vế “để thành phố thông thoáng” và không để ý vế thứ hai “xe của dân gửi ở đâu” thì mâu thuẫn trong lời giải còn tiếp diễn.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, nhu cầu đỗ xe trên các tuyến phố rất lớn, trong khi một năm qua thành phố Hà Nội chỉ cấm mà không mở thêm điểm trông giữ xe công cộng nào. Ở một số nước tại công sở, nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi, giải trí…, ngoài có tầng hầm còn có các tòa nhà liền kề nhiều tầng phục vụ đỗ xe.

Ngoài ra, các bãi đỗ xe công cộng do các chính quyền địa phương xây dựng thường có quy mô tương ứng số phương tiện. Đó là chưa kể các phương tiện giao thông công cộng của họ rất thuận lợi cho dân. Như thế mà đôi khi họ vẫn gặp vấn đề, nói chi đến ta, phô hết lên mặt đường. Điều này chắc nhiều người, đặc biệt nhà chức trách hiểu rõ.

Tìm lời giải cho vấn đề trông giữ xe cũng giống như hạn chế ùn tắc giao thông tại một số thành phố lớn, chỉ chừng ấy cách thôi. Như chiếc chăn hẹp, kéo chỗ này hổng chỗ khác. Nghĩ khác thôi.

Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 100 cho phép các tỉnh, thành phố trong cả nước được sử dụng tạm thời một phần hè phố, lề đường để trông giữ xe từ nay đến năm 2023.

“Tạm sử dụng” có nghĩa là có thêm thời gian nghĩ giải pháp. Hà Nội có đặc thù, nhưng không ngoại lệ, có lẽ trước mắt lại cho phép trông xe trở lại tại các phố đủ điều kiện (vì thực tế có cấm dân vẫn đỗ, trong khi chưa có giải pháp hạn chế vi phạm).

“Với những tuyến phố có đủ điều kiện trông giữ xe theo Nghị định 100 của Chính phủ, Sở GTVT sẽ phối hợp với cơ quan liên quan trình UBND TP quyết định trong thời gian tới”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, nói.

Có mười năm suy nghĩ và tìm cách (đến năm 2023). Chừng ấy thời gian, đủ không?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG