Ngẫm từ những nỗi đau

Ngẫm từ những nỗi đau
TP - Trong một ngày mà có tới ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan siêu vi B thì quả là quá xót xa. Sự việc đau lòng ấy đã xảy ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

> Vụ 3 trẻ tử vong: Niêm phong toàn bộ lô vắc xin
> Ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B

Hẳn là trong nỗi đau tột cùng của những ông bố, bà mẹ và người thân các cháu, có cả sự uẩn ức vì bỗng nhiên họ mất đi đứa con vừa mới chào đời.

Chín tháng mười ngày mang thai là quãng thời gian đầy hồi hộp, âu lo, mệt mỏi của những người mẹ. Nhưng mọi lo lắng, mệt mỏi cũng đều qua đi khi họ và đứa con thân yêu của họ làm một cuộc vượt can để rồi thỏa nguyện với điều mong “mẹ tròn con vuông”. Vậy nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, chẳng có nỗi đau nào lớn hơn khi những đứa trẻ ấy đã phải ra đi vĩnh viễn vì những nguyên nhân không đáng có.

Sự yếu kém tay nghề của bác sĩ khi tiêm vắc xin hay chất lượng vắc xin không đảm bảo dẫn tới tai biến... là những câu hỏi sẽ được trả lời trong thời gian tới. Nhưng dù với lí do gì thì nó cũng không thể bù đắp được sự mất mát quá lớn của những cặp vợ chồng vô cớ bị tước đi niềm hạnh phúc vừa mới nhen trong đời.

Ai sẽ chịu trách nhiệm về những trường hợp tử vong này? Ngành y tế không thể làm ngơ, không thể lẳng lặng cho qua trách nhiệm của những người liên quan. Sẽ phải có người chịu trách nhiệm về những ca tử vong đó và phải có bài học sâu sắc được rút ra để mãi không tái diễn những vụ việc đau lòng như thế.

Trước đó, vụ một điều dưỡng làm rơi 5 trẻ sơ sinh tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội dù được xác định là sơ suất của điều dưỡng nhưng cũng khiến không ít ông bố, bà mẹ giật mình.

Dù Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội rà soát lại quy trình chuyên môn, thay đổi, bổ sung trang thiết bị, hệ thống đường hành lang để tạo điều kiện chăm sóc, phục vụ bà mẹ, trẻ sơ sinh tốt nhất... nhưng đó không phải là chuyện nội bộ của ngành y tế Hà Nội. Còn rất nhiều những sơ suất, những tắc trách, những bác sĩ, y tá thiếu trách nhiệm để dẫn tới những trường hợp tử vong đáng tiếc.

Ai đã từng có người nhà nằm viện chắc chắn đều đã phải đưa tiền cho bác sĩ, y tá để mũi tiêm cho người nhà của mình dễ chịu hơn, hoặc phải dúi tiền vào tay người đẩy xe chở người bệnh để bánh xe lăn nhẹ nhàng hơn... Một thầy thuốc đúng nghĩa lương y như từ mẫu lẽ ra không phải cần đến những đồng tiền đó mới hiểu rằng họ phải làm tất cả những gì tốt nhất, cẩn trọng nhất, trách nhiệm nhất để người bệnh mau chóng khỏi bệnh và cảm thấy dễ chịu nhất.

Ngẫm từ những nỗi đau mà nguyên nhân chủ quan từ đội ngũ y, bác sĩ luôn khiến cho người bệnh và thân nhân họ phấp phỏng âu lo. Những cái chết tức tưởi, những tai biến bất ngờ không được mổ xẻ và chấn chỉnh thấu đáo.

Y đức, y thuật, những từ khóa ấy vang lên róng riết mấy năm qua, dẫu muộn, nhưng còn hơn không, Bộ Y tế cần có một cuộc thanh kiểm tra toàn diện đối với việc đảm bảo an toàn trong chữa trị, chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG