Nhầm hơn sót

Nhầm hơn sót
TP - Tôi có một vài người bạn làm khoa học, nghiên cứu, từng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài và bảo vệ luận án tiến sĩ cũng ở nước ngoài, thường cho tôi biết họ rất khó hiểu những quyết định xử lý các vụ việc tranh cãi nhiều tháng ở trong nước.

> Diệt đàn yến nuôi, hãy cẩn trọng
> Lo bùng phát dịch cúm A/H5N1 trên người

Vụ dịch cúm gia cầm đầu tiên được định danh chủng virus gây bệnh là H5N1, những người này đều cho rằng cúm gia cầm có từ lâu rồi, chẳng qua khoa học công nghệ bây giờ mới định danh được.

Lúc đó các quan chức chuyên môn và chính quyền cứ nhân danh sức khoẻ là trên hết mà quyết định huỷ hết tất cả các loài lông vũ mà con người nuôi, gọi là gia cầm. Thế là tất tật các loại chim bay trên trời, động vật nuôi trên cạn như gà, chim cảnh và các gia cầm lưỡng cư, lúc ở trên cạn lúc bơi dưới nước, đều vào tầm ngắm của các quyết định huỷ diệt, dù mắc bệnh hay không mắc bệnh dịch.

Rồi có thông tin ngay cả các tổ chức quốc tế cũng thổi phồng nguy cơ cúm gia cầm có thể lây sang người để các tập đoàn sản xuất vaccine tăng tốc bán hàng làm giàu.

Nay đến đàn yến nuôi cũng đang rơi vào tình thế khó, khi hàng ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp và dân cả nước đã đầu tư vào đó. Lịch sử kiểm dịch thú y thế giới chưa từng thấy dịch cúm gia cầm xuất hiện ở loài chim yến. Các nhà khoa học có dũng khí đi đâu cả rồi? Các quan chức có thẩm quyền phần lớn có học hàm, học vị mà sao cứ làm theo lối cũ – giết nhầm hơn bỏ sót?

Sẽ diệt trừ nếu xác định chính xác là mầm bệnh vì ta có các nhà khoa học, các nhà quản lý giỏi để làm việc đó, không nên theo kiểu nhầm hơn sót. Cái đáng nói là bình tĩnh và vội vã đúng lúc, không nên sợ hãi và cực đoan!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG