Tình gì ?

Tình gì ?
TP - Việc tăng mạnh giá xăng dầu vào sáng qua đã cơ bản xóa sổ được tình trạng găm xăng dầu chờ tăng giá của không ít cây xăng trên cả nước.

Trên báo Tiền Phong số 24 ra ngày 24-2-2011 đã đăng cùng lúc hai bài phản ánh về vấn nạn trên. Bài thứ nhất nhan đề “Hết dầu, trâu kéo máy cày” đăng kèm bức ảnh đầy ấn tượng và xót xa cho tình cảnh khốn khổ, trớ trêu của một người nông dân ở Ninh Bình: Ông Đinh Văn Tỵ (xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh) đang phải hì hục dùng trâu kéo chiếc máy cày từ giữa ruộng vào bờ.

Chiếc máy cơ giới hóa của ông bỗng dưng biến thành đống sắt vì không mua được xăng, phải cầu cứu đến công cụ lao động cổ truyền từ ngàn đời con trâu là đầu cơ nghiệp. Vô hình trung, tư liệu sản xuất của người nông dân đã bị kéo lùi cả thế kỷ chỉ vì hành động hám lợi nhất thời của các cây xăng.

Bài thứ hai nhan đề “Xăng dầu đang được găm ở khâu nào?”, phản ánh ý kiến, quan điểm xử lý của một lãnh đạo Bộ Công Thương về thực trạng mất điện, đi ngủ sớm của không ít cây xăng, gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp tại nhiều vùng trên cả nước.

Sau khi khẳng định lượng xăng dầu nhập khẩu không những đủ mà còn tăng 30-40%, vị này nêu quan điểm: “Việc xử lý các đơn vị vi phạm, có những thời điểm hạ thủ phải lưu tình. Bên cạnh xử lý nghiêm người cố tình vi phạm, phải động viên các doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại, không đơn giản cứ cây xăng vi phạm là đóng cửa luôn...”.

Đúng là hạ thủ phải lưu tình, song vấn đề ở đây là tình gì ? Tình cảnh khốn khổ của những người nông dân đang phải dùng trâu kéo máy cày, tình cảnh khốn đốn của những người trồng cà phê, cao su không có dầu chạy máy bơm nước tưới cây, tình cảnh hàng loạt tàu cá nằm bờ chờ dầu (Tiền Phong số 19)... hay tình cảnh hám lợi, tùy tiện của các cây xăng găm hàng?

Tình gì, nếu biết rằng quyền lợi chính đáng của hàng chục triệu người tiêu dùng, trong đó có những người lao động, ngư dân, nông dân một nắng hai sương chắc chắn quan trọng và đáng lưu tâm hơn quyền lợi cục bộ của ngành xăng dầu nói chung và các cây xăng nói riêng. Chính họ mới là đối tượng đích thực được hưởng trợ giá của nhà nước, và cũng chính sự tiêu dùng của họ từng đem lại lợi nhuận không nhỏ cho những đơn vị kinh doanh xăng dầu.

Trong thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, việc xử phạt nghiêm minh các đại lý, cây xăng vi phạm trục lợi chờ tăng giá là điều cần thiết phải làm. Hạ thủ phải lưu tình, tình ở đây là hàng chục triệu khách hàng - trong đó có những lão nông phải bì bõm dùng trâu kéo máy cày.
Như thế mới là đạo lý.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG