'Chợ người' ký sự: Bán hiện tại, mua tương lai

Không chỉ có đàn ông, nhiều phụ nữ cũng đến chợ người tìm việc
Không chỉ có đàn ông, nhiều phụ nữ cũng đến chợ người tìm việc
TP - Công việc vất vả, đồng tiền công ít ỏi, nhưng nhiều lao động đang xem chợ người là cứu cánh. Những đồng tiền mồ hôi, xương máu đang giúp họ nuôi sống gia đình, trả nợ, xa hơn là giúp con cái có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chuyện của ông chủ bãi ngao sa cơ

13h00, giữa cái nắng chang chang đầu hè, anh Trần Văn Thoan đã có mặt tại chợ người Mai Dịch chờ được bán sức mình, kiếm tiền. Giống như anh Thoan, gần 50 lao động khác cũng có mặt với hy vọng sẽ “cứu” được một ngày ế ẩm.

41 tuổi,người đàn ông quê Giao An, Giao Thủy, Nam Định theo những người đồng hương lên chợ người tìm việc với hy vọng sẽ sớm có tiền, trả món nợ gần 1 tỷ đồng.Năm năm có mặt ở Hà Nội, làm đủ mọi việc, nợ trả được một phần, nhưng đổi lại là những tháng ngày vất vả, trong nỗi nhớ vợ con.

Sinh ra ở ngôi làng ven biển Giao Thủy, hết cấp 3, anh Thoan quyết định dừng học, ở nhà lấy vợ, sinh liền một lèo 3 đứa con, rồi bám biển làm kinh tế. Năm 2010, ngoài số tiền tích cóp, vợ chồng vay mượn, đầu tư, cải tạo 10 héc ta khu đầm trước nhà để nuôi ngao.

“Thời điểm đó du lịch phát triển, đồ biển được nhiều người tìm mua. Loài ngao dễ nuôi, chỉ cần chọn vị trí nuôi phù hợp rồi thả con giống chứ không phải cho ăn. Bình quân mỗi vụ trừ chi phí, cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/héc ta”, anh Thoan nói.

Tính toán là như vậy, nhưng nghề nuôi ngao luôn gặp rủi ro. Buổi sáng đầu năm 2012, vợ chồng anh Thoan tá hỏa khi phát hiện ngao chết hàng loạt. Sau một tuần, ngao chết trắng đồng, gia đình lâm vào cảnh trắng tay.

“Thông thường một vụ nuôi ngao thương phẩm kéo dài 2,5 đến 3 năm mới thu hoạch. Không giống như các loài khác, một khi ngao đã chết sẽ không thể bán tống, bán tháo. Nghề nuôi ngao giàu lên nhanh, nhưng cũng chỉ sau 1 đêm là thành con nợ”, anh Thoan chua xót.

Vẫn muốn tiếp tục bám nghề, nhưng do nơi anh nuôi ngao là vùng cửa sông nên mỗi khi mưa bão, lượng bùn đổ xuống nhiều lấp bãi nuôi, trong khi đó vốn cải tạo bãi nuôi bỏ ra không nhỏ. Dịch bệnh làm ngao chết hàng loạt, bao nhiêu tiền tích cóp trôi theo đống vỏ ngao.

Hết cách, anh Thoan lên Hà Nội làm đủ nghề, từ xe ôm, bốc vác, dỡ nhà… để kiếm thêm tiền gửi về quê cùng vợ nuôi con, trả nợ. “Nghề lao động tự do này vất vả, nhưng nếu chăm chỉ và tiết kiệm một tháng cũng gửi được về cho vợ con 8-10 triệu đồng. Hơn nữa, nghề này chủ động thời gian, nhà có việc mình có thể về ngay”, anh Thoan nói.

Không chỉ có cánh đàn ông, nhiều chợ lao động tập trung toàn phụ nữ hành nghề bốc vác, lau dọn nhà, mua ve chai. Họ tâm sự, nếu chăm chỉ làm lụng thì so với ở quê cũng đủ ăn đủ mặc, nhưng khó mà dư ra được để nuôi con ăn học.

Bán sức, lượm ve chai, nuôi con đại học

Theo chân những người phụ nữ cùng quê khác lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề bán đồng nát, lau dọn nhà cửa, chị Hoàng Thị Hiền, 45 tuổi, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa cho biết làm nghề này được hơn 2 năm nay. Cuộc sống khó khăn, nhà có vài sào ruộng khoán, chồng đi làm phụ hồ ở gần nhà, còn chị ra ngoài này kiếm việc làm.

“Chúng tôi cứ ngồi ở đây, ai thuê gì làm nấy, từ dọn dẹp nhà cửa đến khuân vác hàng hóa, vật liệu xây dựng.Công việc cũng tùy ngày, có hôm ngồi cả buổi không có ai thuê, bữa nào may mắn có việc làm cả ngày. Nếu chăm chỉ và có việc đều, một ngày cũng kiếm được 300 nghìn đồng”, chị Hiền cho biết.

Nói về bà Lê Thị Thắm, những người lao động ở chợ Bưởi đều khâm phục đức hy sinh mà người phụ nữ hơn 50 tuổi dành cho 2 đứa con. Đổ vỡ gia đình, bà rời Nghệ An đến Hà Nội xin rửa bát tại một quán ăn tại quận Thanh Xuân. Được một thời gian, chán cảnh chủ liên tục chậm trả tiền lương, bà nghỉ việc. Cơ duyên gặp được một người đồng hương cùng cảnh ngộ, bà ra chợ Bưởi làm nghề thợ đụng.

Để tiết kiệm chi phí, bà Thắm cùng 5 phụ nữ thuê chung một phòng trọ bé tẹo trong làng Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) có giá 1 triệu đồng/tháng. “Ai ới gì làm nấy, việc nào chúng tôi cũng làm được. Cái nghề này nó bạc, ráo mồ hôi là hết tiền nên phải chăm chỉ, siêng năng”, bà Thắm nói.

Suốt 4 năm qua, cứ 5h00 sáng, bất kể ngày nắng hay mưa, bà đều có mặt tại dốc Bưởi chờ việc làm, kiếm tiền nuôi con. Nghèo khổ nhưng bà Thắm chưa bao giờ có ý cho con nghỉ học. Bà chắt chiu từng đồng cố gắng nuôi hai con gái học đại học. “Ngày trước nhiều việc nên thu nhập cũng khá hơn. Giờ ít việc, tôi sắm thêm quang gánh để đi thu gom đồng nát. Mình đã cực khổ rồi nên không muốn con cũng khổ giống mình”, bà bộc bạch.

Ở Hà Nội được hai năm, con gái đầu của bà Thắm thi đậu vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Từ ngày con lên Thủ đô, bà Thắm chuyển ra ở chung với con trong căn phòng trọ cách phòng trọ cũ mười phút đi bộ. Giờ cô con gái lớn đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định và phụ giúp bà nuôi con gái thứ hai đang là sinh viên năm hai trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Vất vả là vậy, nhưng bà Thắm ít than thở và cho rằng, mình may mắn khi còn có sức khỏe để kiếm tiền, không thành gánh nặng của con cái.“Làm ăn xa nhà, sợ nhất là bị đau ốm, bởi việc mưu sinh “đứt đoạn”, tiền đổ hết vào thuốc men, chữa bệnh…Ông trời cho mình mạnh khỏe, mưu sinh kiếm đồng tiền nuôi hai đứa con. Làm mẹ phải có trách nhiệm với con mình” - bà Thắm chia sẻ.

Rời chợ người lúc quá trưa, hình ảnh những lao động vạ vật trên yên xe, khắp vỉa hè làm tôi trăn trở. Dù công việc khó nhọc, mệt mỏi nhưng đây là nguồn thu nhập quan trọng đối với những lao động nhập cư, bởi phía sau họ là cả một gia đình cần chăm lo. Tôi thầm mong, Thuận sẽ sớm tích cóp được tiền để phẫu thuật, nhổ đinh ra khỏi khuôn mặt méo mó của anh. Tôi cũng cầu mong cho anh Thoan sớm trả được nợ, bà Thắm, chị Hiền… giữ được sức khỏe để kiếm tiền, nuôi con tốt nghiệp đại học hay học một nghề gì đó có tương lai tốt đẹp hơn.    

'Chợ người' ký sự: Bán hiện tại, mua tương lai ảnh 3 Từ ông chủ bãi ngao, anh Trần Văn Thoan phải lên Hà Nội làm thợ đụng, kiếm tiền trả nợ

Không chỉ có cánh đàn ông, nhiều chợ lao động tập trung toàn phụ nữ hành nghề bốc vác, lau dọn nhà, mua ve chai. Họ tâm sự, nếu chăm chỉ làm lụng thì so với ở quê cũng đủ ăn đủ mặc, nhưng khó mà dư ra được để nuôi con ăn học.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.