Đến chùa Tam Chúc, kể về cây bồ đề thiêng từ đất Phật

Hành trình đón rước cây thiêng

TP - Tận mắt tham dự lễ thỉnh cây và đón nhận cây bồ đề thiêng có gốc tích 2.300 tuổi từ Sri Lanka ở chùa Tam Chúc, nhiều người không ngớt xuýt xoa, hoan hỉ khi lần đầu tiên được chiêm bái một trong những báu vật của Đức Phật còn lưu lại trên thế gian, ngay tại Việt Nam.

Lễ thỉnh cây bồ đề thiêng và đón nhận món quà đặc biệt này đã được các Thượng tọa và Đại Đức chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Tam Chúc (Hà Nam) tổ chức long trọng, trang nghiêm vào ngày 22/7, thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử tham dự.

Đón bồ đề bằng chuyên cơ, siêu xe

Đây là cây bồ đề được chiết ra từ “Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường” (Jaya Sri Maha Bodhi) ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura - Sri Lanka. Được biết, năm 247 TCN, Vua A Dục đã cho chiết một nhánh phía nam của cây bồ đề thiêng ở Bodh Gaya - Ấn Độ (nơi Đức Phật ngồi thiền định, giác ngộ thành đạo) và phái Công chúa Sanghamitta đem sang tặng cho quốc đảo Sri Lanka. Do đó, tính đến thời điểm này, đây là cây bồ đề có tuổi thọ cao nhất thế giới và được coi là báu vật của đất nước Sri Lanka.

Trò chuyện với Tiền Phong về sự kiện đặc biệt này, Thượng toạ Thích Minh Quang, Phó ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Ninh Bình nói: Ngày 20/7, Đoàn rước cây đã có mặt và trực tiếp đón nhận cây bồ đề tại đất nước Sri Lanka, do Chủ tịch Quốc hội nước này trao tặng.

Đi theo đoàn hộ tống cây bồ đề từ Sri Lanka về Việt Nam có Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka; Thượng tọa Pallegama Siriniwasa Nayaka Thera - Trụ trì cai quản cây bồ đề tổ Maha Bodhi và chùa Atamasthanadipathi ở Thánh tích Anuradhapura; Thượng tọa Ihala Halmilewe Rathanapala Nayaka Thera - Trụ trì chùa Jethawana Maha Viharaya. Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam, bà Hasanthi Urugodanatte Dissanayaka cũng có mặt để tham gia chương trình.

Cây bồ đề được vận chuyển bằng xe chuyên dụng của Sri Lanka từ Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura đến sân bay Colombo với chặng đường khoảng 260km.

Cây bồ đề sau đó được chuyển lên chuyên cơ của Vietnam Airlines rồi bay qua Thái Lan. Khi phái đoàn của Việt Nam quá cảnh sang Băng-cốc, lúc đó Đại sứ quán Sri Lanka tại Thái Lan và một số quan chức của Thái Lan đã đón ngoài sân bay với nghi thức long trọng và tôn nghiêm. Sau thời gian khoảng 1 tiếng, đoàn rời Băng-cốc về Thủ đô Hà Nội.

Đón cây bồ đề tại Hà Nội là Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Tam Chúc (Hà Nam); Phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão hòa thượng Thích Thanh Đàm.

Ngoài ra, còn có đại diện chính quyền địa phương như bà Lê Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Hà Nam; ông Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.

Đúng 12h ngày 22/7, đoàn xe sang trọng trong đó có 2 chiếc siêu xe Lincoln Limousine đón cây bồ đề cùng các thành viên đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam di chuyển từ sân bay Nội Bài về chùa Tam Chúc (Ba Sao, Hà Nam).

Hành trình đón rước cây thiêng ảnh 1 Hình ảnh chức sắc tôn giáo và tăng ni phật tử rước cây bồ đề Ảnh: Minh Đức và CTV
Sứ giả của tình hữu nghị Việt Nam - Sri Lanka

Thay mặt Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, Tiến sĩ Nimal Samarasundera, Trợ lý của ngài Chủ tịch Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, đọc bức thư gửi cho Việt Nam: “Tôi rất vinh dự được gửi thông điệp chào mừng sự kiện lịch sử Sri Lanka tặng cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề tổ linh thiêng của đất nước chúng tôi cho Việt Nam trồng tại chùa Tam Chúc. Cây bồ đề sẽ là một vị sứ giả của tình hữu nghị lâu bền giữa hai đất nước chúng ta, góp phần thắt chặt sự giao lưu văn hóa giữa hai đất nước. Cầu mong cây bồ đề thiêng này sẽ mang lại hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam của các bạn”.

Tiếp đó, Thượng tọa Pallegama Siriniwasa Nayaka Thera- trụ trì quản lý cây bồ đề tổ Sri Maha Bodhi và chùa Atamasthanadipathi ở thánh tích Anuradhapura (Sri Lnaka) cũng bày tỏ niềm vinh dự khi được mang chứng tích của Phật từ Sri Lanka về Việt Nam. Thượng tọa Pallegama Siriniwasa Nayaka Thera cho biết, tại Sri Lanka, 70% người dân theo đạo Phật, và mọi người cầu nguyện dưới cây bồ đề cũng giống như cầu nguyện Đức Phật.

Đáp lại thịnh tình của phía Sri Lanka, Thượng tọa Thích Minh Quang nói, đây là một nhân duyên lớn với chùa Tam Chúc nói riêng, với Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung khi được đón nhận cây bồ đề thiêng chiết nhánh từ cây bồ đề gần 2.300 năm tại Sri Lanka.

Hành trình đón rước cây thiêng ảnh 2  

Thượng tọa Thích Minh Quang bày tỏ: Cây bồ đề Vĩ Đại Cát Tường là một trong ba báu vật của Sri Lanka, có ý nghĩa quan trọng trong Phật giáo Nam truyền - Phật giáo chính của quốc gia này đã được chiết và trao tặng cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.

Sri Lanka là cái nôi của Phật giáo Nam truyền, cũng là xứ sở Phật giáo lâu đời trên thế giới, tồn tại từ thế kỷ thứ 3 TCN. Hàng ngàn năm qua, Phật giáo vẫn giữ vị trí quan trọng tại quốc đảo Sri Lanka.Cùng với chùa Răng Phật (Sri Dalada Maligawa) nổi tiếng ở thành phố Kandy, cây bồ đề thiêng được tín đồ Phật giáo khắp nơi trên thế giới đến chiêm bái. Lễ đón nhận và trồng cây bồ đề được tổ chức trang nghiêm, long trọng thể hiện sự hợp tác thân thiện giữa hai quốc gia.

Cây bồ đề sẽ được chùa Tam Chúc chăm sóc đặc biệt cẩn thận để giúp cây tái tạo bộ rễ, phát triển tốt. Báu vật từ đất Phật có mặt tại Việt Nam không chỉ mang giá trị tinh thần về Phật giáo, mà còn tượng trưng cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, quốc gia phú cường, nhân dân an lạc.

Sau các nghi thức tụng kinh cầu cho Quốc thái dân an, lễ trồng cây bồ đề thiêng  được tiến hành. Đây chính là sự kiện đầu tiên trong chuỗi sự kiện hướng tới chào mừng Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ XVI diễn ra tại chùa Tam Chúc vào năm 2019.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.