Hội trường Ba Đình, mùa tháo dỡ - Kỳ 2

Hội trường Ba Đình, mùa tháo dỡ - Kỳ 2
TP - Qua khảo sát lựa chọn ban đầu, Bảo tàng Quốc hội (QH) đã chọn được hơn 400 hiện vật liên quan đến di tích hầu hết là hiện vật khối có thể xây dựng thành bộ sưu tập.

>> Kỳ trước

Hội trường Ba Đình, mùa tháo dỡ - Kỳ 2 ảnh 1
Khuôn viên Hội trường Ba Đình

Các bộ sưu tập như bộ sưu tập tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ sưu tập Quốc huy CHXHCN Việt Nam. Bộ sưu tập bàn ghế, bộ sưu tập thiết bị âm thanh bộ sưu tập hệ thống đèn chiếu sáng v.v...

Chị Toàn cho hay, thiết bị âm thanh đã được dùng trong Hội trường Ba Đình (HTBĐ) đâu như micro với ampli chi đó thời gian trước có chuyển cho mấy địa phương như Thanh Hóa, Lạng Sơn và Vĩnh Phú (tôi không rõ Vĩnh Phúc hay là Phú Thọ bây giờ?) mượn chắc việc thu hồi cũng không mấy khó khăn.

Tôi rón rén lại gần một góc trong kho nơi đang quàn giữ những hiện vật liên quan đến cuộc tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969. Bộ lư hương. Chiếc bục kê linh cữu. Bộ đèn soi lên linh cữu Bác năm ấy...

Kể ra từ bấy đến nay giữ được cây đèn soi lên linh cữu kính quàn Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 6/9 đến 12/9/1969 kể cũng công phu. Tôi không dám chắc lắm, nhưng bộ lư hương vẫn còn anh ánh màu đồng kia, sau lễ tang Bác chắc đã từng thư thả nhả ra những làn khói trầm nhịp cùng giai điệu của bài Hồn Tử Sĩ trong những cuộc lễ tang cấp nhà nước đã được tổ chức trọng thể tại HTBĐ này.

Có lẽ sau Bác, từ năm 1969 là các vị Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Trần Hữu Dực, Xuân Thủy, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ... đã lần lượt quàn ở đây trước khi về cõi vĩnh hằng Mai Dịch. Đâu như từ năm 1990, nhà Tang lễ Quốc gia ở số 5 Trần Thánh Tông  hoàn tất, những đám tang trọng được chuyển về đó không quàn và tổ chức lễ viếng ở HTBĐ này nữa.

Qua chị Toàn, tôi biết bộ phận Bảo tàng đã kết hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư đang thực hiện bộ phim có tên gọi Hội trường Ba Đình - Di tích lịch sử. Trong những vòng băng từ đã lưu lại những hình ảnh về hoạt động chủ yếu của kỳ họp thứ nhất QH khóa mới (XII) và phỏng vấn một số nhân chứng là ĐBQH về HTBĐ. Hình ảnh về các phòng chức năng (phòng họp của Đoàn Chủ tịch QH, phòng làm việc của các cơ quan T.Ư và phòng tiếp khách quốc tế...) bên trong và bên ngoài cũng như toàn cảnh HTBĐ.

Cùng cảnh quan xung quanh hội trường bao gồm Quảng trường Ba Đình, Đài Liệt sĩ, Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trụ sở Văn phòng T.Ư Đảng. Phủ Chủ tịch, Tòa nhà Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các trục đường xung quanh HTBĐ. Một số hình ảnh lưu trữ tại Bảo tàng QH có liên quan đến các thời điểm quan trọng trong hoạt động của QH v.v...

Nhưng tôi biết những thứ này mới là của độc gần như là cái đinh là điểm nhấn của bộ phim ấy: Gần 200 cuốn phim nhựa về các hoạt động tại HTBĐ từ năm 1963 đến nay trong đó có toàn bộ phim nhựa về Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh! Mà sở hữu số tài sản vô giá ấy là Hãng phim Tài liệu & KHT.Ư.

Chưa hết, phải có cái cảnh tháo dỡ HTBĐ nữa chứ? Không biết đã có cái xen tháo hệ thống chống sét trên nóc HTBĐ xuống không. Nghe anh Huy nói lại là hôm tháo dỡ được hai thiết bị chống sét xuống khá là trầy trật vất vả! 

Có một lúc mắt tôi cảm thấy trông trống hình như đang thiếu một thứ gì? Phải rồi, hai cái cây đèn. Chắc trong nhiều người lẫn những khán giả nếu chưa có dịp đến hoặc tham quan Hội trường Ba Đình nhưng coi những đận truyền hình trực tiếp đều thấy hai cây đèn lớn gắn những chùm bóng đặt mé bên tả và hữu khoảng giữa Đoàn chủ tịch và các ĐB.

Cái chùm bóng bây giờ thì đã được thay nhưng hình cây đèn thì vẫn thế có từ thời khánh thành Hội trường Ba Đình năm 1963! Các bóng gắn trên cây đèn thuở ấy là một sáng tạo của Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện - người thiết kế kiêm chỉ đạo thi công HTBĐ này.

KTS Nguyễn Cao Luyện đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ nhất cũng chính tác phẩm HTBĐ. Thuở ấy, không thể đào đâu ra ở các cơ sở chế tạo thủy tinh trong nước loại chụp đèn mờ như bây giờ. Có thể đặt hàng ở nước ngoài nhưng khi đó không dễ.

Chẳng phải thúc ép gì lắm về tiến độ nhưng đinh ninh lời Bác Hồ các chú phải tận dụng tất cả những gì trong nước mà ta có thể làm được..., vị KTS ấy đã mày mò nghĩ ra cách độc đáo dùng loại thủy tinh chế tạo ống tiêm trong y tế lót ở bên trong. Mé ngoài bóng thủy tinh hình tròn thì dùng cát mài cho mờ đi. Đèn bật lên trông na ná như thứ đèn mờ đục bây giờ ta vẫn thấy rất ăn với hệ thống ánh sáng lẫn không gian như trong HTBĐ mà ta vẫn thấy.

Mãi cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, những bóng mờ mài cát ấy mới phải thay bằng bóng ngoại. Tôi được KTS Nguyễn Trực Luyện - trưởng nam cụ KTS Nguyễn Cao Luyện giải thích cho đại loại như thế. (Một chút phân vân, không hiểu những chụp đèn mài cát thuở ấy có được giữ lại và sung vào kho của chị Toàn?). 

Một bữa cũng gần đây ngồi với vị KTS từng 4 nhiệm kỳ giữ chức Tổng thư ký và nhiều năm là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại tư gia của ông. Phía trên bàn nước là tấm chân dung của ông cụ thân sinh đang tỏa ánh nhìn và nụ cười ấm áp... 

Người KTS cao niên ấy ra đi từ năm 1987 thọ chẵn 80. Qua KTS Nguyễn Trực Luyện, tôi hơi bất ngờ khi biết những năm cuối năm mươi chúng ta đã chuẩn bị xây dựng tòa nhà Quốc hội ở khu vực Quần Ngựa cuối phố Đội Cấn bây giờ. Tiếng vang Đại Lễ Đường nhân dân Bắc Kinh, Tòa nhà QH Trung Quốc, nhà họp lớn nhất Trung Hoa được xây dựng chỉ trong một năm thuở ấy đã truyền đi khắp thế giới trong đó có Việt Nam.

Hội trường Ba Đình, mùa tháo dỡ - Kỳ 2 ảnh 2
Một góc khuôn viên Hội trường Ba Đình

Cùng với một số công trình xây dựng viện trợ trên miền Bắc XHCN, thời gian ấy bạn đã giúp ta bản vẽ thiết kế cũng như sẵn sàng thi công tòa nhà QH khi đó được chọn ở Quần Ngựa một khi Việt Nam yêu cầu! Các bước chuẩn bị đã hoàn tất.

Một đoàn gần 100 người gồm một số KTS cán bộ kỹ thuật của ta... đã lên đường sang Bắc Kinh và tới Đại Lễ Đường để tham quan học hỏi kinh nghiệm. Thế nhưng thời điểm ấy do, nhiều lý do việc xây dựng tòa nhà QH ở Quần Ngựa đã không tiến hành. Mà nguyên nhân chính nghe đâu kiểu dáng cũng như vật liệu tòa nhà trông ngoại quá!

Việc ấy mãi khi Nguyễn Trực Luyện tốt nghiệp KTS ở Liên Xô về ông mới được ông cụ thân sinh kể cho nghe. Nhưng nghe vậy thì chỉ biết vậy. Anh con trai được cha mình dẫn đi coi Hội trường Ba Đình khi đó đang vào giai đoạn hoàn thiện. Đó là khoảng cuối năm 1963.

Anh KTS trẻ Nguyễn Trực Luyện, đến tận bây giờ cũng chỉ mới láng máng cái ngữ nghĩa cha mình đặt tên lót cho hai người con trai là Trực và Trường chứ thời ấy cũng chưa tường tận lắm cái thâm ý cũng như chưa lĩnh hội hết những ý tưởng của tác giả Hội trường Ba Đình, người mà trước năm 1945 đã từng vẽ kiểu cho những công trình những ngôi biệt thự (như tòa nhà giờ là Đại sứ quán Cu Ba ở đường Lý Thường Kiệt), những Trường tiểu học Thăng Long, bệnh viện ở phố Ngõ Trạm, nhà gỗ ở Trung tâm Đấu Xảo Hà Nội (Cung Hữu Nghị hiện nay), tòa nhà ở phố Đội Cấn mà Petronas đang thuê bây giờ...

Rồi sau này những công trình nhà 53 Ngô Quyền, cải tạo lại trại lính Pháp thành Nhà bảo tàng QĐND Việt Nam v.v... KTS trẻ Nguyễn Trực Luyện cũng biết được rằng, sau 1954 ít lâu, cha ông được chọn là người vẽ kiểu  những ngôi nhà làm việc, mà khi ấy người ta gọi là lục Bộ những là Công nghiệp, Giao thông, Nội thương... Móng những Bộ ấy là ở quãng gần Đài Liệt Sĩ đường Bắc Sơn dọc Hoàng Diệu ăn với Trụ sở Bộ Kế hoạch - đầu tư bây giờ.

Sáu bộ ấy có một vị trí khai hội chung chính là vị trí Hội trường Ba Đình. Nhưng sau đó, do nhiều lý do, những nhà cho lục Bộ không triển khai xây dựng trên vị trí ấy nữa. Cộng với việc không xây Tòa nhà QH chỗ Quần Ngựa, nhà khai hội của lục Bộ được nâng cấp lên thành HTBĐ hình dáng như bây giờ.

Khi KTS Nguyễn Trực Luyện về nước, thì cái nóc cùng toàn thể công trình HTBĐ của KTS Nguyễn Cao Luyện đã gần như hoàn tất. Hai cha con nói ít nhưng hiểu nhiều. Cái hiểu ấy là sự gặp nhau của những người trong nghề lẫn việc thạo nghề.

Từng va chạm lẫn quen mắt với những công trình đồ sộ lớn nhỏ cổ kim ở xứ Nga Ta Lư, nhưng anh KTS trẻ Nguyễn Trực Luyện vẫn không bị ngợp và vẫn được san sẻ vẫn đọc được những ý tưởng độc đáo trong kiến trúc của cha mình mà sau này dân kiến trúc vẫn trầm trồ là ông cụ thâm ý lắm!

Rằng giữa một quần thể kiến trúc của Pháp cuối XIX đầu XX những là Sở Tài chính (Trụ sở Bộ Ngoại giao bây giờ), những tòa nhà mà Trụ sở T.Ư Đảng hiện nay đang tọa lạc... đột ngột nhô lên nhô ra một HTBĐ, sản phẩm kiến trúc của chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, đột ngột nhô lên, nhô ra nhưng không hề lởm điệu mà lại rất hài hòa hợp lý.

KTS Nguyễn Cao Luyện đã tìm riêng cho mình một ngôn ngữ kiến trúc nhưng lại rất chung, hòa hợp với cảnh quan với môi trường xung quanh. Những đầu năm bảy mươi của thế kỷ trước, những tưởng với Lăng Bác, HTBĐ sẽ chuế sẽ lạc hóa ra nó lại rất ăn cũng như sau này Đài Liệt sĩ đường Bắc Sơn vẫn hòa hợp được với HTBĐ.

Như vậy, cũng đã non nửa thế kỷ, HTBĐ trở thành một điểm nhấn hài hòa trong quần thể kiến trúc Âu Á độc đáo của Thủ đô Hà Nội. HTBĐ như một chứng tích của thời đại Hồ Chí Minh cùng với di tích Hoàng thành Thăng Long cộng với các công trình kiến trúc được xây dựng trước đó đã làm nên một giá trị đặc hữu.

Cùng với Quảng trường Ba Đình, HTBĐ là gạch nối lịch sử. Trên thế giới các công trình kiến trúc tiêu biểu gắn với lịch sử được coi là những trang sử bằng đá của mỗi đô thị được ví là tấm danh thiếp của quốc gia! Rồi dần dà HTBĐ trở thành điểm nhấn trong tâm khảm của mỗi lương dân Việt. Nơi tổ chức Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi diễn ra Bảy kỳ Đại hội Đảng và non mười kỳ họp QH... 

Còn nữa.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.