Gạc Ma - 28 năm vẫn nóng câu chuyện chủ quyền - Kỳ 2:

Liệt sĩ trở về

Từ trái sang: Các cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, Nguyễn Văn Thống, Lê Văn Đông tại vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng), mong một ngày được trở lại Trường Sa. Ảnh do nhân vật cung cấp
Từ trái sang: Các cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, Nguyễn Văn Thống, Lê Văn Đông tại vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng), mong một ngày được trở lại Trường Sa. Ảnh do nhân vật cung cấp
TP - Trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Gạc Ma năm xưa, có những người lính bị quân đội Trung Quốc bắt và giam giữ tại bán đảo Lôi Châu để tra hỏi. Sau hơn 3 năm giam giữ, phía Trung Quốc buộc phải trả họ về Tổ quốc.

Đánh chìm tàu, bắt người

Ngày 14/3/1988, hai cựu binh Nguyễn Văn Thống và Lê Văn Đông có mặt trên tàu HQ 604 chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc cố tình bắn chìm tàu của ta. Anh Thống cho biết: “Đứng trên tàu, tôi thấy tàu Trung Quốc dùng đại liên, pháo 37 ly bắn tới tấp vào HQ 604. Tôi rút vào ca bin thì dính đạn pháo 37 ly bị thương vào mắt, tay và chân. Tôi chứng kiến trung tá Trần Văn Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 bị trúng đạn hy sinh. Anh Thông là cán bộ chỉ huy có quân hàm cao nhất trên tàu. Nhớ lại lúc trước, khi tham gia chuyến hành trình cùng tàu, anh nói: “Mình đi chuyến này sau đó sẽ nghỉ hưu”... Nay anh hy sinh, nghĩ thương xót vô cùng”.

Lúc này, anh Thống thấy tàu nghiêng ngả, nước bắt đầu tràn vào qua các lỗ thủng bởi đạn pháo, anh đành nhảy khỏi tàu, túm được tấm ván để vừa bơi vừa bám. Khi đó, tàu của Trung Quốc vẫn bắn xối xả khiến tàu HQ 604 chìm. Anh Thống nhìn thấy nhiều đồng đội ra khỏi tàu, đang bơi vào Gạc Ma. Do đuối sức, anh Thống không thể bơi theo đồng đội và bị sóng biển đánh ra xa. Sau vài giờ lênh đênh trên biển, anh nhìn thấy anh Lê Văn Đông đang nổi dập dờn gần đó nên cất tiếng gọi. Tuy nhiên, dù gắng sức, anh Đông vẫn không thể bơi lại gần. Gần 30 phút sau, cả hai thấy một chiếc tàu tiến lại. Tưởng là tàu của ta đến cứu, nhưng khi tới gần mới biết đó là tàu Trung Quốc. Khi bị bắt lên tàu, anh Thống ngất đi do kiệt sức.

Sau khi bắt anh Thống, tàu Trung Quốc tiến lại gần anh Đông. Anh Đông cố gắng bơi, thậm chí buông ván để lặn nhưng cuối cùng kiệt sức nên bị bắt. Khi lên boong tàu, anh Đông thấy ngoài anh Thống, còn thêm 7 đồng đội nữa bị bắt. Họ trói từng cặp hai người với nhau, riêng anh Thống do bị thương nặng và bất tỉnh nên bị trói riêng.

Trở về sau 3 năm rưỡi bị giam cầm

Sau 3 ngày đêm lênh đênh trên biển, 9 chiến sĩ của ta vẫn bị trói, không được ăn, chỉ được uống nước cầm hơi. Các anh cũng không được băng bó vết thương. Những vết thương của anh Thống có chỗ đã bị thối, bốc mùi. “Chẳng hiểu vì sao chúng tôi vẫn sống được, đặc biệt là trường hợp anh Thống, người bị thương nặng nhất”- anh Đông cho biết. Rồi anh kể, khi đến đất liền, lính Trung Quốc mới đưa vào bệnh viện và trói chặt từng người. Hóa ra họ mổ để điều trị vết thương mà không gây mê, nên phải trói chặt. Anh Thống bổ sung: “Sau khi hồi tỉnh, tôi được thông báo do bị thương nặng nên phải cắt cụt chân tay mới cứu chữa được. Tôi phản ứng quyết liệt, nói thà để tôi chết chứ nhất định không được cắt tay chân. Sự quyết liệt này giúp tôi không trở thành phế nhân”.

Sau khi chữa trị vết thương, các anh bị giam mỗi người một phòng, không được tiếp xúc với nhau. Về sau các anh mới biết được giam ở bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Anh Đông cho biết: “Những tháng đầu, chúng tôi nhiều lần bị hỏi về quê quán, gia đình từng người, rồi khi nhập ngũ thì ai chỉ huy, quân số đơn vị bao nhiêu, sử dụng vũ khí loại gì… Khi đó, chúng tôi chỉ nói là lính được giao xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo nên không trang bị vũ khí mà sử dụng xà beng, cuốc xẻng. Trong nhiều ngày, bất chợt họ lại gọi lên và hỏi những câu tương tự trước đó, nhưng chúng tôi vẫn nói đúng những điều mình đã trả lời. Sau đó, chúng tôi viết đơn khiếu nại, yêu cầu được trả tự do. Họ để cho chúng tôi viết đơn, nhưng sau đó không thấy hồi âm”.

Tại nơi giam giữ, các anh chỉ ăn khẩu phần tối thiểu, cầm hơi. Vì thế mọi người da đều xanh lét, bủng beo. Sau hơn một năm giam trong phòng kín, lính canh mới được phép mở cửa để các anh ra ngoài tắm nắng. Nhìn thấy nhau, ai nấy đều mừng, nhưng khi muốn hỏi chuyện nhau lập tức bị ngăn cản.

Năm 1991, sau 3 năm rưỡi bị giam giữ, cuối cùng phía Trung Quốc phải trả tự do cho những người lính Việt Nam. Được họ thông báo hôm trước, cả đêm đó các anh đều thao thức không ngủ, mong thời gian trôi nhanh để trở về Tổ quốc. Khi được giao trả tại vùng biên giới Lạng Sơn, các anh đều bùi ngùi, xúc động khi được trở về Tổ quốc sau thời gian dài bị giam giữ. Anh Thống cho biết: “Sau khi giao trả thì trời đã tối, chúng tôi được đơn vị ra đón mời cơm, nhưng anh em không nuốt nổi vì quá mừng và xúc động. Sau đó, các đồng đội được về với gia đình, riêng tôi do sức khỏe yếu nên được đưa tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị hơn một tháng mới trở về nhà”.

Liệt sĩ trở về ảnh 1

Giấy báo tử của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống. Ảnh: Kiến Nghĩa

Khi trở về, cả 9 chiến sĩ mới biết mình đã được báo tử. Anh Thống về nhà, hầu hết người dân xã Nhân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) đều đến thăm hỏi, chúc mừng. Anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp cho mảnh đất gần chợ, mở được cửa hàng nên đời sống gia đình ổn định. Còn anh Đông về quê (xã Tây Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), con gái đầu lòng không nhận được cha. Bởi khi anh tới Gạc Ma, con gái anh chưa sinh. Về quê, anh Đông trở lại việc làm nông, cuộc sống gia đình hiện còn khó khăn. “Sau khi trở về, tôi sinh cháu thứ hai, đặt tên là Lê Quần Đảo để kỷ niệm những ngày ở biển đảo”- anh Đông cho biết.

Mong được trở lại Trường Sa

Sau những lần tìm đồng đội thành công, vài năm trước anh Lê Hữu Thảo cựu binh Gạc Ma đã lập facebook để mở rộng “kênh” nhắn tìm đồng đội. Sau đó, anh nhận được liên lạc, địa chỉ của một số đồng đội tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… Mỗi khi có dịp, anh Thảo lại tới thăm đồng đội, gần thì đi bằng xe máy, xa thì đi ô tô. Đến nay, số đồng đội anh tìm và kết nối được gần 30 người. Hiện Ban Liên lạc HQ 604 Gạc Ma 88 được thành lập, và anh Thảo được cử làm Trưởng ban. Bên cạnh đó, anh Thảo còn tích cực đi thăm gia đình các đồng đội đã hy sinh. “Đến thăm, mới biết nhiều gia đình còn rất khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của xã hội, cộng đồng” - anh Thảo cho biết.

Ngoài những việc làm trên, anh Thảo mong một ngày được trở lại Trường Sa để tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh. Dù sức khỏe không được tốt, nhưng anh Thống (thương binh 1/4) và anh Đông (thương binh 4/4) rất ủng hộ mong muốn của đồng đội và sẵn sàng đi cùng khi có dịp. Qua báo chí, các anh được biết ngày 12/1/2011, Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hải quân hy sinh trong sự kiện 14/3/1988 được tổ chức tại khu vực đảo Gạc Ma, nơi những người lính Gạc Ma đã kết thành “vòng tròn bất tử” để bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Tại Lễ tưởng niệm này, có một chuyện rất xúc động. Đó là việc cụ Võ Ta, 80 tuổi, trú tại thôn Phú Hữu (Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã viết bức thư gửi con trai là liệt sĩ Võ Đình Tuấn đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988. Chưa có điều kiện ra thắp hương ngay tại nơi con trai hy sinh, cụ Võ Ta đã gửi bức thư để phóng viên báo Tiền Phong Nguyễn Đình Quân mang ra đọc rồi hóa vàng tại biển Trường Sa.

Hoàn cảnh khó khăn của người lính Gạc Ma

Ông Trương Văn Hiền (48 tuổi) nguyên quán tại xã Hương Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh, hiện cư trú xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) từng là chiến sĩ trung đoàn 6 (Bộ Tư lệnh Hải quân) tham gia sự kiện Gạc Ma năm 1988. Ông là một trong 9 chiến sĩ bị Trung Quốc bắt giữ. Sau khi được trao trả năm 1991, năm 1992, ông Hiền vào Đắk Lắk lập nghiệp. Theo thời gian, câu chuyện của người từng tham gia bảo vệ đảo Gạc Ma dần bị quên lãng. “Cứ gần đến ngày giỗ đồng đội (ngày 14/3), tôi lại buồn vô kể. Tôi và mấy anh em chỉ biết gọi điện cho nhau, kể về đồng đội đã hy sinh mà lòng quặn thắt. Nghề nghiệp chính của tôi hiện nay là làm thợ hồ, hái thuê cà phê, thu nhập thất thường. Các con của tôi không có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn, đang theo nghiệp thợ hồ của bố”, ông Hiền chia sẻ.

Vợ ông, bà Bùi Thị Phương (45 tuổi) mắc chứng bệnh thoát vị đĩa đệm nên mọi công việc đều do ông gánh vác. Ông Hiền nhiều lần làm đơn xin giám định lại chính xác mức thương tật để nâng mức hỗ trợ nhưng Ban chỉ huy thành đội, phòng Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết chỉ có thể giám định một lần.    

Vũ Long

MỚI - NÓNG